Khóc Cười Với Chuối
Đồng Nai có hơn 7 ngàn hécta trồng chuối các loại. Đứng đầu là huyện Thống Nhất với gần 3.300 hécta. Năm 1014 là năm rất khó khăn của nông dân trồng chuối, đặc biệt chuối bơm khi giá liên tục rớt vì đầu ra sản phẩm chế biến gặp khó khăn.
Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng của Đồng Nai rất thuận lợi cho cây chuối phát triển nên nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang triển khai dự án trồng giống chuối mới với mục tiêu phát triển cả ngàn hécta nhằm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…
* Chuối rớt giá
Chuối từng là cây trồng cho thu nhập tốt của Đồng Nai nên diện tích không ngừng được mở rộng. Đặc biệt, huyện Thống Nhất nổi tiếng với nghề chế biến chuối xuất khẩu với vùng nguyên liệu chuyên canh chuối bơm. Năm 2014, chuối liên tục rớt giá vì đầu ra gặp khó khăn. Ông Đinh Công Minh, nông dân trồng chuối tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Chưa năm nào chuối lại liên tục rớt giá với mức giảm sâu như năm 2014.
Đặc biệt là chuối bơm, có thời điểm giảm chỉ còn vài trăm đồng/kg, giảm gần 10 lần so với thời điểm chuối đạt giá cao. Giá các loại chuối sứ, chuối tiêu... cũng thấp hơn nhiều so với mọi năm. Nhiều nông dân bỏ không chăm sóc, hiện chuối đang tăng giá nhẹ trở lại do khan hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá tiêu thụ cùng kỳ những năm trước đây”.
Ông Nguyễn Văn Thức, nông dân trồng chuối lâu năm tại huyện Thống Nhất, cho biết: “Cây chuối không còn cho thu nhập tốt như trước đây nữa, nhất là năm 2014, đầu ra bấp bênh với giá giảm mạnh khiến người dân không mặn mà đầu tư. Một số vườn chuối lại bị nấm, bệnh chết hàng loạt nên không ít người bỏ cây chuối chuyển sang trồng cây khác cho thu nhập cao hơn”.
Bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở chuối và nông sản sấy Cường Hoa (xã Quang Trung), chia sẻ: “Năm 2014, sản lượng tiêu thụ của mặt hàng chuối sấy giảm đến 70% so với mọi năm vì xuất khẩu không được, tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh. Nhiều lò chuối sấy tại địa phương lỗ hết vốn vì giá chuối sấy giảm từ 40 ngàn đồng còn hơn 10 ngàn đồng/kg. Cuối năm là mùa sản xuất mạnh của mặt hàng này, nhưng hiện các lò cũng chỉ làm cầm chừng vì giá chuối tươi tăng nhưng hàng chế biến hầu như không tăng giá vì tiêu thụ chậm”.
* Vẫn “nóng” dự án trồng chuối xuất khẩu
Giá chuối bấp bênh, nhiều nông dân bỏ cây chuối khiến các cơ sở chế biến rất lo lắng vì vùng nguyên liệu đang bị thu hẹp nhanh chóng. Điều này sẽ làm mất lợi thế của địa phương có thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây chuối và đã có ngành chế biến với sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối chiên giòn được cả nước biết tiếng.
Trong khi một số giống chuối truyền thống, như: chuối bơm, chuối sứ... rớt giá vì gặp khó khăn về đầu ra do Trung Quốc, Nga không “ăn” hàng thì các sản phẩm chuối la ba, chuối già Nam Mỹ... lại khan hàng, “sốt” giá do nhu cầu nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông u... đang tăng nhanh.
Một số doanh nghiệp đang triển khai các dự án trồng những giống chuối theo thị hiếu của các thị trường mới. Cụ thể, Công ty TNHH Tân Lân (TP.Biên Hòa) đang xin triển khai dự án đầu tư trồng chuối Nam Mỹ tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).
Đơn vị này đã tiến hành khảo sát và xác định điều kiện tự nhiên của xã này rất phù hợp với cây chuối Nam Mỹ, giống chuối mới nhanh cho thu hoạch, năng suất và giá trị xuất khẩu cao. Trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu chuối cho xuất khẩu, công ty sẽ ký hợp đồng với người dân địa phương theo hình thức cung cấp giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Tại Khu liên hiệp công nông nghiệp Dofico (Agropark) ở Xuân Lộc, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc triển khai dự án trồng chuối xuất khẩu sang thị trường này. Hiện dự án đã đầu tư xây dựng khu nuôi cấy mô để sản xuất giống.
Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (TP.Hồ Chí Minh) cũng đang đầu tư cho nông dân thực hiện thí điểm trồng các giống chuối mới tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất... Doanh nghiệp mong được Đồng Nai hỗ trợ về chính sách, cơ chế để phát triển vùng nguyên liệu chuối với diện tích hàng ngàn hécta để xuất khẩu.
Theo đại diện của doanh nghiệp này: “Doanh nghiệp đang ký kết cung cấp mặt hàng chuối tươi cho hệ thống bán lẻ của Nhật Bản với số lượng hàng trăm tấn/năm. Tiềm năng thị trường xuất khẩu của mặt hàng này còn rất lớn, vì vào được thị trường Nhật Bản thì các thị trường khác cũng sẽ mở cửa cho doanh nghiệp Việt”.
Theo các cơ sở chế biến chuối sấy tại huyện Thống Nhất, cây chuối bơm có nhiều ưu điểm, như: đầu tư ít vốn, ít công chăm sóc, nhanh cho thu hoạch với năng suất cao. Đặc biệt, loại chuối này là nguyên liệu chính để chế biến các sản phẩm chuối sấy, chuối chiên.
Tuy năm 2014 gặp nhiều khó khăn về đầu ra, nhưng tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chuối bơm sấy còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là các cơ sở chế biến chuối sấy cần cải tiến công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng vào được những thị trường khó tính, như: châu u, Nhật Bản...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ