Mô hình kinh tế Khơi dậy tình yêu hàng Việt

Khơi dậy tình yêu hàng Việt

Ngày đăng 30/10/2015

Khơi dậy tình yêu hàng Việt

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Qua đó, đã khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh giành lại thị phần trên thị trường nội địa.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,Quảng Ngãi đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong hỗ trợ xây dựng kênh thông tin, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; liên kết giữa sản xuất và kinh doanh, phân phối; nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam...

Đặc biệt, trong hai năm 2014 và 2015, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn, cùng với doanh nghiệp thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt tới người tiêu dùng.

Hàng Việt Nam đưa về miền núi Tây Trà phục vụ nhu cầu người dân nơi đây.

Ông Nguyễn An – Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: “Hiện tại, ở khía cạnh nào đó, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về mẫu mã, chất lượng, giá cả.

Thế nhưng, nếu người Việt Nam có tinh thần dân tộc chắc chắn sẽ ủng hộ hàng Việt”.

Theo ông Nguyễn An, trước mắt việc ủng hộ hàng Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thị phần nội địa, tăng sức tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.

Thế nhưng sâu xa hơn, lâu dài hơn, việc ủng hộ và tiêu dùng hàng Việt sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào hàng ngoại nhập.

Đâu đó vẫn còn sự chưa hài lòng về hàng Việt Nam - điều đó là cần thiết, hợp lý và phải được doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận, để có cải tiến tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu hàng Việt của người Việt.

 Hướng đến người tiêu dùng

Đối với người tiêu dùng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa mang ý nghĩa phát huy giá trị văn hóa, vừa gắn với mục tiêu kinh tế.

Hàng tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường vì thế cần đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và tiện lợi khi mua sắm.

Tại Quảng Ngãi thời gian qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không ngừng vận động các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi, hải đảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nơi đây.

Mỗi năm có ít nhất là 20 lượt các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ có uy tín như các siêu thị, trung tâm thương mại tổ chức đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo, tạo điều kiện để người dân nơi đây mua sắm hàng chính hãng, giá gốc.

Bà Đặng Thị Lệ Thu – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh kiêm Phó Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Quảng Ngãi cho biết:

"Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chủ động của doanh nghiệp đã góp phần đưa hàng hóa trong nước đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn.

Người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm, tích cực lựa chọn hàng hóa trong nước cho cuộc sống thường nhật, thiết thực ủng hộ hàng Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp trong nước có điều kiện đứng vững và phát triển trên thị trường nội địa".


Xây dựng nông thôn mới chủ động tìm nguồn lực Xây dựng nông thôn mới chủ động tìm… Có phương án chuyển đổi giống cây trồng ngay trong vụ đông xuân 2015-2016 Có phương án chuyển đổi giống cây trồng…