Khởi nghiệp từ... cây chùm ngây
Sự hồi phục của chồng sau tai biến nhũn não nhờ cây chùm ngây là khởi nguồn để chị Nguyễn Thu Thủy (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ chùm ngây và đem đến những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.
Hiện 17 công vườn nhà chị Thủy có hơn 6.500 gốc cây chùm ngây trồng xen gốc cam, quýt, bưởi có thể cho thu hoạch mỗi ngày.
Chính mình trải nghiệm từ cây chùm ngây
Hôm chúng tôi đến nhà, chị Thu Thủy đi giao hàng, chồng chị- anh Huỳnh Văn Xuân- niềm nở pha trà đón khách.
Anh châm bình trà chùm ngây mời khách và kể chuyện mình bị tai biến nhũn não vào năm 2012, phải nằm viện gần 5 tháng trời.
“Khi xuất viện về thì tôi còn liệt nửa bên người. Năm 2014, tôi đi lại còn khó khăn phải có sợi dây để cân bằng”- anh Xuân nói thêm- “may nhờ người bạn của vợ chồng tôi cho cây chùm ngây về uống trong 10 ngày thấy cơ thể khỏe hơn, bà xã thấy hiệu quả quá mới mua hạt giống trồng tại vườn nhà”.
Chị Thủy vừa về tới nhà đã cười thật tươi, pha thêm nước cam mời khách. Chị chia sẻ: “Ban đầu, tôi cũng không dám tin là chùm ngây lại công hiệu với chồng tôi như vậy.
Sau thời gian sử dụng, thấy chùm ngây có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh cho chồng, tôi nảy ra ý tưởng: “Tại sao mình không làm ra một loại trà chùm ngây sạch, không hóa chất để phục vụ nhiều người có nhu cầu sử dụng?”
Nghĩ là làm, chị bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác loại cây này và đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua hạt giống từ Ấn Độ về trồng tại vườn nhà.
“Chùm ngây ở Việt Nam cũng có- tại sao chị lại mua giống tận Ấn Độ?” Nghe chúng tôi hỏi, chị Thủy cười: “Nhiều người cũng thắc mắc, hỏi chị vậy đó.
Chùm ngây là loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và hạt giống chùm ngây F1 sẽ tốt hơn bởi khi lấy giống từ hạt cây chùm ngây, người Ấn Độ chỉ lấy ở những cây đủ độ tuổi và chỉ lấy những hạt đầu tiên từ trên cuống xuống chớ không lấy hết và trồng cây giống này thì cây rất xanh tốt và không bị sâu ăn hay bám bụi”.
Chị nhớ lại: “2kg hột chùm ngây đầu tiên được chuyển từ Ấn Độ về đã “úng không lên nổi một cây”. Chị buồn nhưng không bỏ cuộc, tiếp tục mua thêm 2kg nữa.
Đồng thời, chị nhờ tư vấn và nghiên cứu kỹ cách gieo trồng loại cây này. Kết quả lần thứ 2, 40% hạt giống nảy mầm… Đến nay, vườn chùm ngây 17.000m2 với khoảng 6.500 cây xanh um, tươi tốt”.
Khởi nghiệp trà chùm ngây
Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera hoặc tên khác là Thần Diệu, được người Hy Lạp, Ấn Độ, Ý sử dụng hàng trăm năm nay, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Loại cây này có xuất xứ vùng Nam Á và xuất hiện ở Việt Nam khá lâu, được người dân sử dụng để nấu canh trong các bữa ăn hàng ngày.
Chùm ngây là loại cây có giá trị dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Không những thế, cây chùm ngây còn có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh như huyết áp, tiểu đường,… bởi trong chùm ngây có chứa hơn 92 khoáng chất, dưỡng chất.
Với đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, trồng khoảng 6 tháng thì cây chùm ngây có thể thu hoạch được nên hiện 17 công vườn nhà chị có hơn 6.500 gốc cây chùm ngây trồng xen gốc cam, quýt, bưởi có thể cho thu hoạch mỗi ngày.
Điều làm nên thành công của chị Thủy khi đưa cây chùm ngây ra thị trường là cái duyên được giúp đỡ của các kỹ sư trồng trọt và các chuyên gia về chế biến.
Những tháng sau đó, chị Thủy bắt đầu sản xuất trà chùm ngây bằng phương pháp phơi sấy thông thường. Song, khâu bảo quản rất vất vả vì lá cây dễ bị mốc.
Chọn hướng đi lâu dài, chị Thủy học cách chế biến theo hướng đầu tư phòng sấy lạnh bằng sấy bóng đèn, sấy quạt (tách nước khỏi lá cành chùm ngây tạo khô tự nhiên vì vậy sản phẩm vẫn giữ được các chất dinh dưỡng thiết yếu).
Từ việc thay đổi cách thức sản xuất này, những sản phẩm đầu tiên như trà chùm ngây lá cành, trà chùm ngây túi lọc, bột chùm ngây rồi hạt chùm ngây, củ cây chùm ngây ngâm rượu... lần lượt ra đời.
Chị cho rằng: “Công dụng của cây chùm ngây hiệu quả quá, giúp hỗ trợ điều trị bệnh cho nhiều người dùng nên dù bỏ ra bạc tỷ lượm bạc cắc chị cũng thấy vui. Rồi người bệnh nào khó khăn quá, chị sẵn sàng tặng họ sản phẩm để hỗ trợ trong điều trị bệnh”.
Phát triển từ giữa năm 2017, hiện sản phẩm “Trà chùm ngây Thiên Phước” của Cơ sở Xuân Thủy tuy đi vào ổn định sản xuất nhưng khâu tiếp cận thị trường còn khá yếu, chủ yếu qua truyền miệng.
Song, qua bạn bè giới thiệu, sản phẩm trà chùm ngây Thiên Phước giờ có nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long,… tin dùng.
Đặc biệt, thông qua các chương trình hội chợ khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, sản phẩm từ chùm ngây của chị được nhiều người biết và dùng nhiều hơn. Sắp tới, chị sẽ hoàn chỉnh các bao bì, nhãn mác phù hợp với thị trường để đưa sản phẩm vào Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh.
“Sản phẩm của mình dù đã có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng để người tiêu dùng tin tưởng thì hệ thống siêu thị là kênh hiệu quả và an toàn nhất hiện nay” - chị Thủy chia sẻ.
Các nghiên cứu cho thấy loại cây thân gỗ này có giá trị dinh dưỡng cao, là loại rau sạch, bởi lá cây không có độc tố và không nhiễm thuốc trừ sâu. Ngoài được dùng để chế biến các món ăn, nhiều bộ phận của cây có thể ứng dụng làm thuốc. Lá chứa rất nhiều sinh tố và khoáng chất: vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần; canxi nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa; vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt; kali gấp 3 lần chuối... Các bộ phận của cây như lá, rễ củ, hạt đều có thể hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ