Khôi Phục Diện Tích Vườn Chuyên Canh Cam Sành
Năm 2012, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phối hợp với tổ chức Trung tâm quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp Nhật Bản (Jircas) thực hiện dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông áp dụng canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả trên cây cam sành”, triển khai trên diện tích 17 ha và nhân rộng mô hình chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ nhà vườn khôi phục diện tích vườn chuyên canh cam sành.
Với mục tiêu trang bị cho nông dân những kiến thức mới về canh tác giống cây ăn trái có múi, kỹ thuật chọn cây sạch bệnh và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp giúp cây trồng đạt năng suất, sản lượng cao, dự án hỗ trợ nhà vườn 100% chi phí lên liếp, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây cam sành sạch bệnh và kết hợp trồng xen ổi xá lỵ nghệ để cải tạo đất, phòng chống bệnh vàng lá và tăng thêm thu nhập.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 7.200 ha trồng cam sành, tập trung tại 2 huyện Tam Bình và Trà Ôn. Riêng tại vùng chuyên canh huyện Tam Bình với thương hiệu “Cam sành Tam Bình”, qua khảo sát có trên 70% diện tích vườn cam sành bị nhiễm bệnh, làm giảm năng suất và chất lượng; trong đó 55% diện tích bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ do nấm Fusarium, bệnh vàng lá Greeing và 45% bị nhiễm bệnh do sử dụng giống cây trôi nổi và thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật canh tác.
Để khôi phục diện tích vườn chuyên canh cam sành cho giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long kết hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam và Trung tâm Jircas vận động nông dân đốn bỏ vườn cam bị nhiễm bệnh nặng, thực hiện nhiều dự án hỗ trợ nông dân khắc phục diện tích bị nhiễm và xây dựng mô hình trồng mới đúng kỹ thuật như mô hình thí điểm trồng mới giống cam sành sạch bệnh theo quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại trên đất phèn và đất phù sa, mô hình thử nghiệm trồng cam trên các loại gốc ghép và mô hình trồng cam xen ổi xá lỵ nghệ.
Thông qua các dự án, mô hình thí điểm đã giúp nhà vườn thay đổi tập quán canh tác, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu lên liếp, thiết kế vườn, thực hiện các biện pháp chăm sóc khôi phục và phát triển lại vườn cam sành tại địa phương. Hiện nay, cùng với nhân rộng mô hình tại các xã thuộc huyện Tam Bình, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình trồng cam ở các vùng đất khác nhau để chọn vùng thích hợp, khôi phục diện tích chuyên canh cam sành Tam Bình./.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ