Mô hình kinh tế Khôi Phục Mô Hình Lúa Tôm Ở Phú Thuận (An Giang)

Khôi Phục Mô Hình Lúa Tôm Ở Phú Thuận (An Giang)

Ngày đăng 09/05/2014

Khôi Phục Mô Hình Lúa Tôm Ở Phú Thuận (An Giang)

Từ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh với diện tích 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.

Xã Phú Thuận có tổng diện tích trồng lúa 2.468 héc-ta, nhưng qua thực tế sản xuất, địa phương xác định nuôi tôm, cá là thế mạnh nên khuyến khích nông dân thực hiện và quy hoạch gần một nửa diện tích để phát triển mũi nhọn kinh tế này ở ấp Phú Tây và một phần diện tích của ấp Hòa Tây B.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Phùng Văn Nam cho biết: Hiện, người dân xã Phú Thuận đang thả nuôi 61 héc-ta với khoảng 7,1 triệu con tôm. Theo kế hoạch, địa phương phấn đấu xuống giống khoảng 260 héc-ta trong năm 2014, số còn lại kêu gọi nông dân, kể cả người ngoài địa phương hợp tác thực hiện. “Nếu thuận lợi về năng suất, giá cả và con giống, nông dân cũng sẽ nuôi tôm” - nông dân tư Lô tâm sự.

Ông cho biết thêm: “Để nuôi tôm hiệu quả, trước hết phải làm đồng cho thật sạch, bón vôi, xử lý côn trùng có hại, sau đó chọn giống (tôm toàn đực) thả nuôi khoảng 6 tháng. Cây lúa trồng sau vụ tôm được bổ sung độ phì nhiêu, màu mỡ nên phát triển rất tốt. Từ đó, tạo ra sản phẩm an toàn vì hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và giảm đáng kể giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến thắng lợi của mô hình lúa - tôm là nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch của ngành Nông nghiệp, nếu sản xuất ồ ạt, thiếu tính đồng bộ sẽ không mang lại hiệu quả, còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chung”. Theo tính toán, 1 héc-ta thả nuôi khoảng 100.000-120.000 con tôm, sau 6 tháng cho năng suất từ 1,3 - 1,4 tấn, trừ các khoản chi phí, người nuôi có thu nhập từ 110 triệu- 130 triệu đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng cho biết: “Mô hình lúa- tôm được thực hiện từ nhiều năm nay ở xã Phú Thuận.

Song, đa phần người nuôi làm theo kiểu tự phát, thiếu kết nối, thiếu sự đầu tư đồng bộ và còn thiếu vốn sản xuất. Hiện, chúng tôi đang hoàn chỉnh các bước từ con giống, tạo nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho đến tìm đầu ra và kêu gọi các thành phần, bà con trong và ngoài huyện cùng tham gia dự án.

Thực hiện mô hình này sẽ góp phần khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân”.

Mô hình tôm nuôi trong lúa, rồi sau đó chuyên canh lúa hay tôm đã khởi phát vào năm 1999 từ nông dân Trần Văn Săn, sau đó là anh em nhà họ Văng với tư Lô, ba Hồng, Công Dũng, Công Khiêm… cùng nhiều hộ khác, sản xuất đến hàng trăm héc-ta, nhiều người phất lên giàu có từ con tôm càng xanh.


Huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) Hoàn Thành Kế Hoạch Thả Nuôi Tôm Giống Huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) Hoàn Thành Kế… Nuôi Tôm Nước Lợ Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long Không Nên Chạy Theo Số Lượng Nuôi Tôm Nước Lợ Tại Đồng Bằng Sông…