Khôi Phục Và Thử Nghiệm Giống Lúa
Gạo đỏ được xem là giống lúa truyền thống. Sự khôi phục giống lúa gạo đỏ và gieo trồng thử nghiệm giống lúa Hương Cốm 4 cho thấy, đã có sự đổi mới trong tư duy trồng lúa, hướng đến việc đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của một nền nông nghiệp hàng hóa ở Thừa Thiên Huế.
Có hai dòng gạo đỏ là dòng gạo nước mặn và gạo hẻo rằn. Cùng chung số phận nhiều giống lúa địa phương khác, lúa gạo đỏ không còn được gieo trồng từ mấy chục năm nay chủ yếu là bởi năng suất rất thấp. Khi mà đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì đặt lên hàng đầu là là sản lượng, là chuyện “ăn no mặc bền”.
Lúa gạo đỏ có đặc thù là cấy trên những thửa ruộng bầu, tức là vùng đất bùn sâu, nhiều nước. Quỹ đất đó ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện Quảng Điền. Vậy nên, mấy năm gần đây sau khi đã loay hoay với nhiều loại cây trồng và vật nuôi không đạt hiệu quả, huyện Quảng Điền mạnh dạn thử nghiệm trồng lại lúa gạo đỏ trên một số diện tích ở 2 xã Quảng Lợi và Quảng Thái. Việc tái tạo, phục hồi giống lúa này không đơn giản.
Theo một số chuyên gia, một cây lúa trên thửa ruộng có dấu hiệu khác biệt cũng phải nhổ bỏ ngay. Để chọn lọc giống, trên diện tích 50 - 70m2 người ta phải chọn ra những hạt giống tối ưu nhất để mùa sau gieo trồng. Vào vụ sau, cũng trên số diện tích tương tự, giống tiếp tục được lựa chọn cho vụ sau. Cứ thế qua sáu vụ mùa trong ba năm qua Quảng Điền lựa chọn được giống lúa ưng ý nhất để vừa sản xuất vừa tạo giống.
Riêng ở xã Quảng Lợi, đến nay phát triển được 7ha giống lúa gạo đỏ ở vũng thấp trũng nhiễm mặn. Hiện, ngành nông nghiệp Quảng Điền hỗ trợ người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa gạo đỏ ở đất thấp trũng, ngập mặn ven phá Tam Giang. Ngành nông nghiệp Quảng Điền đang xây dựng thương hiệu cho đặc sản gạo đỏ Quảng Điền; đồng thời, phối hợp với các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để thu mua gạo đỏ cho nông dân.
Còn bắt đầu từ vụ lúa đông xuân 2012 - 2013, HTX NN Thuỷ Thanh 2, thị xã Hương Thuỷ được chọn làm mô hình sản xuất thử nghiệm với diện tích 2 ha giống lúa mới Hương Cốm 4. Đây là giống lúa thơm thuần do PGS-TS Nguyễn Thị Trâm và các cộng sự Viện Nghiên cứu lúa, Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn lọc cá thể phân ly từ quần thể giống lúa nhập nội.
Theo đánh giá ngành NN&PTNT, đơn vị HTX, bà con nông dân tham gia mô hình tại hội nghị đầu bờ về đánh giá việc sản xuất thử nghiệm giống lúa Hương Cốm 4 được tổ chức tại HTX NN Thuỷ Thanh 2, giống lúa mới này có khả năng thích nghi, phù hợp trên nhiều chân đất, có điều kiện khí hậu khác nhau, chống chịu sâu bệnh khá tốt. Còn theo ông Nguyễn Uẩn, một nông dân điển hình ở HTXNN số 1 thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền cũng được chọn tham gia mô hình này cho biết: Vụ đông xuân vừa qua, hộ gia đình ông tham gia sản xuất 0,75ha giống lúa Hương Cốm 4.
Bước đầu nhận thấy, Hương Cốm 4 là một giống lúa có thời gian sinh trưởng và trổ bông ngắn, đẻ nhánh khỏe và tập trung trong một thời gian ngắn vì vậy phù hợp cho những vùng sản xuất có điều kiện có thể thâm canh, đặc biệt là những vùng thấp trũng như Quảng Điền.
Giống gạo đỏ được phục hồi ngoài lý do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở một số nơi còn có yếu tố rất cơ bản do đây là một đặc sản. Gạo đỏ được xem là một vị thuốc trong đông y, thường dùng để nấu cháo, nhất là cho người bệnh. Cháo được nấu bằng hạt gạo đỏ được xay xát sao cho còn lớp cám mỏng quanh và không bị nát có mùi thơm béo đặc thù, ăn với cá bống hay tôm kho rim là món ăn khoái khẩu được nhiều người ưa thích.
Mặt khác, do đặc tính cây lúa cao, sống ở ruộng bùn sâu, khả năng kháng sâu, bệnh tốt nên hầu như lúa không bao giờ phải phun thuốc trừ sâu do đó có thể xem đây là giống lúa sạch. Đặc biệt, năng suất giống lúa gạo đỏ tuy thấp, chỉ bằng một nửa so với các giống lúa năng suất cao hiện nay nhưng giá bán cao gấp 2-3 lần nên giá trị thu được có khả năng hấp dẫn người trồng.
Với trên 50 nghìn ha gieo cấy lúa hằng năm, cơ cấu giống lúa ở Thừa Thiên Huế lâu nay xoay quanh trục giống Khang Dân và các giống TH5, NN4B, 13/2, Xi23, X21... có năng suất và sản lượng cao là điều không còn bàn cãi, song yêu cầu về chất lượng thơm ngon lại là câu chuyện khác, chưa vươn tới được.
Đưa Hương Cốm 4 vào sản xuất thử nghiệm tiến đến đại trà là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy trồng lúa, hướng đến việc sản xuất lúa không chỉ để đáp ứng yêu cầu lương thực tại chỗ hay thị trường nội địa mà hướng tới xuất khẩu.
Điều người ta băn khoăn là, bên cạnh có khả năng phù hợp trên nhiều chân đất hay điều kiện khí hậu khác nhau, Hương Cốm 4 còn có nhược điểm, như khả năng nhiễm bệnh đạo ôn nặng hơn so với các giống đang sản xuất đại trà, thân lúa nhỏ, mảnh và yếu nên dễ đổ khi thời tiết bất lợi.
Năng suất Hương Cốm 4 cũng khó có thể cao hơn Khang Dân hay một số giống lúa gieo cấy phổ biến hiện nay. Tuy nhiên theo đánh giá chung, đây là giống lúa có ưu điểm nổi trội với chất lượng thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Một nền nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng phát triển phải hướng đến sự đa dạng của thị trường, trong đó đặt lên hàng đầu là giá trị lợi nhuận thu lại. Câu chuyện về khôi phục giống lúa gạo đỏ truyền thống gần như cùng lúc với gieo trồng thử nghiệm giống lúa Hương Cốm 4 là sự trăn trở đi tìm lời giải mới mang lại hiệu quả thiết thực cho bài toán kinh tế về sản xuất lúa đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay. Nó cần được sự khuyến khích và ủng hộ để phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ