Mô hình kinh tế Khôi Phục Và Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cây Quế Thường Xuân (Thanh Hóa)

Khôi Phục Và Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cây Quế Thường Xuân (Thanh Hóa)

Ngày đăng 18/12/2014

Khôi Phục Và Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cây Quế Thường Xuân (Thanh Hóa)

Xưa kia, quế bạch Trịnh Vạn (Thường Xuân - Thanh Hóa) là sản vật tiến vua. Trong bốn vùng trồng quế của cả nước, chỉ có loại quế này mang giá trị cao nhất, là thứ hàng hóa cao cấp một thời không dễ mua được.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, huyện Thường Xuân có trên 1.000 ha quế, tập trung chủ yếu ở Lâm trường Thường Xuân và rải rác trong các hộ dân. Sau năm 1986, diện tích quế bị khai thác ồ ạt, người dân không quan tâm đến trồng mới, cùng với giá quế bán ra thị trường thấp nên cây quế dần bị phá bỏ.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, do giá quế quá rẻ, nhiều hộ chỉ khai thác diện tích quế còn lại, không trồng mới mà chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác.

Theo thống kê, đến năm 2013, huyện Thường Xuân chỉ còn 180 ha quế ở các xã: Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ.... Tuy nhiên, cây quế trồng ở các hộ dân mang tính tự phát, cách chăm sóc, khai thác, chế biến chỉ mang tính truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên đã làm cho cây quế suy thoái.

Trước thực tế trên, huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015 - 2020” và Đề án “Chỉ dẫn địa lý cho cây quế Thường Xuân” trình UBND tỉnh. Theo đề án thì đến năm 2020, huyện Thường Xuân sẽ trồng mới 9.000 ha quế tập trung, 3,5 triệu cây phân tán trong dân.

Bình quân mỗi năm, huyện Thường Xuân trồng hơn 1.000 ha quế; giúp hơn 2.000 hộ gia đình có thu nhập ổn định từ trồng quế. Cùng với đó, huyện có các chính sách hỗ trợ các hộ dân tham gia trồng quế, như: đối với các hộ dân trồng mới, hỗ trợ cây giống, phân bón, công chăm sóc; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm từ cây quế; xây dựng cơ sở chưng cất tinh dầu quế tập trung và các lò chưng cất tinh dầu quy mô hộ gia đình.

Đối với các hộ dân có vườn quế được lựa chọn làm vườn giống, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/năm để cải tạo, chăm sóc, bảo vệ... Ngay trong năm 2015, huyện sẽ trồng mới trên 100 ha quế.

Mới đây, UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã và một số hộ dân trồng quế tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, khai thác, chế biến quế ở huyện Văn Yên (Yên Bái) và một số địa phương trồng quế trong cả nước. Sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm và được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, gia đình anh Cầm Bá Thuyên ở thôn Pù Đồn, xã Vạn Xuân đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng cơ sở thu gom, chế biến các sản phẩm phụ từ cây quế (chủ yếu là cành, lá) để chưng cất tinh dầu. Hiện nay, cơ sở đã đi vào hoạt động, mỗi ngày tiêu thụ từ 4 đến 5 tạ cành, lá quế khô, sản xuất được từ 1 đến 2 lít tinh dầu quế, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và nhiều lao động thời vụ. Sản phẩm tinh dầu quế làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết: “Trong tương lai, cây quế sẽ là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Nhưng để làm được điều này, huyện rất mong được sự quan tâm của các cấp, các ngành sớm hoàn thiện công tác thẩm định Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015 - 2020”; tiến hành các bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm “Quế ngọc Thường Xuân”.

Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n132817/Khoi-phuc-va-xay-dung-thuong-hieu-cho-cay-que-Thuong-Xuan


Quảng Yên (Quảng Ninh) Trồng Thành Công Giống Cải Củ Hàn Quốc Quảng Yên (Quảng Ninh) Trồng Thành Công Giống… Hiệu Quả Nuôi Bò Vỗ Béo Hiệu Quả Nuôi Bò Vỗ Béo