Tin thủy sản Khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi

Khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi

Tác giả Phan Văn Phương, ngày đăng 03/07/2024

Khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi

Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước thay đổi đã làm dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh. Để có vụ nuôi tôm thành công, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi.

Những ngày này ông Trần Hữu Tú ở tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh đang tất bật xử lý hóa chất sát trùng Chlorine cho ao nuôi gần 0,3 ha của mình để kịp thả lại lứa tôm khác. Trước đó, ông Tú đã chi phí hơn 20 triệu đồng để cải tạo ao và mua gần 4 vạn con giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi.

Sau chưa đầy 3 tuần tôm nổi đầu, dạt bờ và chết, thiệt hại 100%. Bằng kinh nghiệm của mình ông xác định tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tuy nên quyết định mua hóa chất về xử lý nước để tiếp tục thả nuôi lứa tôm khác. “Tôi dự kiến sau khi xử lý ao nuôi xong sẽ thả nuôi lại với mật độ thấp hơn và thả xen thêm ít cua. Hy vọng sẽ thuận lợi để còn có thu nhập”, ông Tú cho hay.

Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cũng đã làm ông Hồ Hữu Bắc ở tại thôn Huỳnh Thượng thiệt hại khoảng 50 triệu đồng khi ao nuôi có diện tích 0,28 ha với 10 vạn con giống tôm thẻ chân trắng của ông bị chết hoàn toàn. Theo ông Bắc, mặc dù từ khi thả giống ông đã thường xuyên túc trực ngoài ao nuôi để theo dõi tình trạng phát triển của tôm. Nhưng do năm nay thời tiết diễn biến quá phức tạp, nắng nóng kéo dài nhiều ngày làm nhiệt độ và độ mặn trong ao nuôi tăng cao, tôm nuôi giảm sức đề kháng dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết thông tin, tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ của địa phương là trên 163 ha. Chủ yếu là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hiện tại, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết, nắng nóng xen kẽ mưa dông nên môi trường ao nuôi thường xuyên biến động làm phát sinh dịch bệnh. Đã có một số ao nuôi xuất hiện hiện tượng tôm chết với diện tích hơn 9 ha của 35 hộ.

Để khống chế dịch bệnh, UBND xã đã chỉ đạo các Hợp tác xã tập trung quản lý chặt chẽ các ao nuôi bị bệnh; hỗ trợ các hộ nuôi tôm xử lý, tiêu độc các ao nuôi tôm bị bệnh, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc và phòng bệnh trên tôm nuôi. Khuyến cáo các hộ có tôm bị bệnh chết cần vệ sinh ao nuôi thật kĩ trước khi thả nuôi lại.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh, bước vào vụ nuôi tôm năm 2024, mặc dù người nuôi tôm trên địa bàn huyện cơ bản tuân thủ theo công văn số 300/SNN-KHTC, ngày 29/1/2024 về việc hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi trồng Thủy sản năm 2024 do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ban hành. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra và có chiều hướng lan rộng.

Cụ thể, trong tổng diện tích gần 292 ha đã thả nuôi toàn huyện, hiện đã có gần 28 ha bị dịch bệnh. Chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy trên tôm (AHPND) hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), khiến tôm chết hàng loạt, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân gây chết trên tôm nuôi trong thời gian qua là do thời tiết năm nay đầu vụ nuôi quá khắc nghiệt không ổn định, hình thái nắng nóng kèm theo xuất hiện những cơn mưa giông lớn bất chợt, thời tiết oi bức là nguyên nhân tôm rất dễ bị stress dẫn đến dịch bệnh. Cách quản lý các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, Ôxy, độ mặn,  độ kiềm, H2S, NH3, độ trong trong ao nuôi của người nuôi tôm không đảm bảo dẫn đến môi trường ao nuôi biến động kết hợp gặp thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh.

Ý thức, tư tưởng của người dân trong việc chăm sóc tôm nuôi cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm như: Thả giống xong khi nào thấy tôm thì cho ăn và chăm sóc, thả giống xong nhờ trời nhờ đất, đến giờ cho tôm ăn xong là hết nhiệm vụ có thể đi làm các công việc khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ít để ý đến quá trình chăm sóc theo dõi môi trường hàng giờ hàng ngày nhằm xữ lý một cách kịp thời.

Sự đầu tư cho việc nuôi tôm của người dân bị cắt giảm do: Các đại lý thức ăn, thuốc hóa chất không cho mua nợ; nguồn vốn bỏ ra trực tiếp để chi phí cho việc mua thức ăn, thuốc, men vi sinh và các vật dụng cho nuôi tôm quá cao dẫn đến người dân nuôi cầm chừng, ít bỏ vốn và công sức vào cho việc nuôi tôm…

Để có vụ nuôi tôm thành công, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, người nuôi tôm trong thời điểm hiện tại cần lưu ý một số vấn đề về thời tiết thay đổi trong ngày, phải giữ cho môi trường ổn định, càng ít biến động thì con tôm ít sinh bệnh. Việc quản lý môi trường nuôi tốt như: pH = 7,5 – 8,5; nhiệt độ = 28 – 30 oC; Ôxy ≥ 5ppm; độ mặn = 10 – 25‰; độ kiềm = 80 – 120 ppm; H2S ≤ 0,03 ppm; NH3 ≤ 0,1 ppm; độ trong = 30 – 40 cm,…

Vì vậy, hàng ngày nên đo các thông số môi trường để xử lý kịp thời tránh cho môi trường biến động. Việc đầu tư ban đầu và cho cả vụ nuôi tôm là hết sức quan trọng góp phần thực hiện tốt các giải pháp hạn chế dịch bệnh như: cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi tôm, diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm. Chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh thường gặp là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh còi – vi bào tử trùng.

Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là Canxi, Magie, Kali cho tôm, đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, thuốc, VitaminC, men tiêu hóa, men tỏi, acid hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn… Bên cạnh đó ý thức, tư tưởng của bà con nông dân cần thay đổi và nhìn nhận việc nuôi tôm của gia đình cũng là một nghề để làm ra tiền và có thể làm giàu trên ao tôm của mình, chính vì vậy cần bỏ công sức vốn liếng cho việc nuôi tôm là hết sức cần thiết.


Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo… Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất tôm theo chuỗi giá trị mới bền vững Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất tôm…