Tin thủy sản Không chủ quan dịch bệnh do virus Div trên tôm nước lợ

Không chủ quan dịch bệnh do virus Div trên tôm nước lợ

Tác giả Lê Bền, ngày đăng 03/06/2020

Không chủ quan dịch bệnh do virus Div trên tôm nước lợ

Bệnh do virus Div1 được xem là không nghiêm trọng trên tôm, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Mặc dù được đánh giá không nghiêm trọng trên tôm nuôi, nhưng không chủ quan với bệnh do virus Div1. Ảnh: TL

Theo Tổng cục Thủy sản, ngày 12/4/2020, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc đã thông tin về virus mới đang tấn công các trang trại nuôi tôm ở Quảng Đông Trung Quốc. Sau đó nhiều báo, trang mạng trong nước đã chia sẻ thông tin này.

Quan tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và các tài liệu nghiên cứu trước đây liên quan đến nội dung này, Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Virus này được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1) hay còn được gọi Shirmp hemocyte iridescent virus (SHIV). Loài virus mới thuộc họ Iridoviridae được tìm thấy đầu tiên trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh ở một số địa phương khác của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2014.

Năm 2018, bệnh Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ tháng 2 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng ¼ diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.

Virus (Div1) tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm Div1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu. Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông.

Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 30 độ C. Một số nhận định ban đầu cho rằng, bệnh này được xem là không nghiêm trọng trên tôm nuôi so với các bệnh thường gặp khác như: đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, phân trắng, vi bào tử trùng; tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Đến nay, nguồn gốc và cách truyền lây của virus vẫn chưa rõ ràng (một số thông tin cho rằng nguồn lây chủ yếu từ Dời tươi (giun nhiều tơ)) và chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Người nuôi đang áp dụng các biện pháp như: không cho người lạ vào cơ sở nuôi, khử khuẩn thường xuyên.

Một số nhà khoa học nhận định rằng, mức độ trầm trọng của dịch bệnh này ở Trung Quốc do phương pháp nuôi của họ còn thô sơ, lạc hậu (ao đất) và nhận định rằng dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Để đối phó với dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ ở Việt Nam, một số nghiên cứu về dịch tễ, phương pháp chẩn đoán và thực nghiệm gây bệnh trên tôm nước lợ đang được triển khai.

Trước thông tin về dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ nuôi ở Trung Quốc, Tổng cục Thuỷ sản xin đề xuất và kiến nghị Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y tham mưu giải pháp kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống, Dời tươi từ Trung Quốc, Thái Lan…; thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh Div1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam.


Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn - Phần 11 Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn… “Bỏ đói” để trị bệnh gan tụy cho tôm nuôi “Bỏ đói” để trị bệnh gan tụy cho…