Mô hình kinh tế Không Chủ Quan Trước Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm

Không Chủ Quan Trước Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm

Ngày đăng 09/04/2014

Không Chủ Quan Trước Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm

Thời gian qua, mặc dù dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, song Hà Nội vẫn chưa xuất hiện dịch. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Mê Linh hiện có khoảng 6.700 con trâu bò, 60.500 con lợn và 533.000 gia cầm. Đây là huyện có số lượng đàn gia súc, gia cầm không lớn, lại ít các trang trại chăn nuôi, tuy nhiên lại là địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh khá cao bởi nằm trên tuyến đường trung chuyển gia súc, gia cầm từ một số tỉnh phía Bắc về Hà Nội.

Ông Vũ Sỹ - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mê Linh cho biết, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Trạm đã cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ. Hiện, toàn huyện đã tiêm phòng dịch trên đàn gia cầm đạt 80%, đàn lợn đạt 70%, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêm phòng đợt 1 trước 10/4.

Tại huyện Thạch Thất, do địa bàn rộng lớn, việc triển khai công tác kiểm tra dịch tễ gặp nhiều khó khăn, nhất là trên Đại lộ Thăng Long. Đầu tháng 3/2014, trên địa bàn huyện đã phát hiện gia cầm chết nghi nhiễm cúm gia cầm tại xã Bình Phú. Ngay sau đó, huyện lập 2 chốt kiểm dịch để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời, thành lập 3 tổ kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, trang trại, cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo Trạm trưởng Trạm Thú y Thạch Thất Nguyễn Huy Đáng, đến đầu tháng 4, công tác thanh, kiểm tra cơ bản hoàn thành và tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, quý I/2014 là thời điểm rất dễ xảy ra dịch bệnh do thời tiết bất lợi, lượng tiêu thụ sản phẩm lớn nên tình hình vận chuyển, buôn bán sản phẩm động vật diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do áp dụng các giải pháp đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh như giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng… nên từ đầu năm đến nay, TP không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên gia súc, gia cầm.

Chủ động phòng chống

Mặc dù TP chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và tình hình dịch cúm gia cầm đang có xu hướng tạm lắng, nhưng không vì thế mà các địa phương chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Bởi, hiện nay tình hình thời tiết mưa ẩm, trong khi điều kiện vệ sinh tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc có bán gia cầm trên địa bàn TP cả nội thành và ngoại thành chưa đảm bảo an toàn, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Hơn nữa, theo Chi cục Thú y, công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng của một số đơn vị vẫn còn chậm.

Ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết thêm, công tác cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của một số Trạm thú y còn chưa đúng quy định. Việc quản lý, kiểm soát giết mổ tại các lò mổ vẫn hạn chế.

Đáng lo ngại, việc thực hiện kiểm tra, phúc kiểm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đạt yêu cầu, có ca trực còn thiếu lực lượng tham gia. Trong quý I/2014, tại các chốt kiểm dịch liên ngành, lực lượng phối hợp trực của cảnh sát giao thông và quản lý thị trường vắng tổng số 56 công.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn dịch bệnh chăn nuôi trên địa bàn TP, Chi cục Thú y Hà Nội đề nghị trong quý II/2014, các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm của Ban thú y cơ sở. Việc thực hiện giám sát dịch bệnh phải đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi để phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý triệt để ngay từ đầu, không để dịch lây lan rộng.

Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng vaccine đợt 1/2014 cho đàn gia súc, gia cầm, tổ chức hiệu quả các đợt tổng vệ sinh môi trường. Đặc biệt, phối hợp giữa các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong quý I/2014, toàn TP đã tổ chức tiêm phòng vaccine cúm gia cầm được hơn 6,8 triệu con; vaccine lở mồm long móng cho lợn đạt 108.440 con; vaccine lở mồm long móng cho trâu bò đạt 72.246 lượt con. Đồng thời tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng được 82,5 triệu mét vuông, sử dụng trên 62.350 lít hóa chất sát trùng.


Mưa Trái Mùa Giải Mưa Trái Mùa Giải "Cơn Khát" Cho Tây… Phát Hiện Ổ Dịch Cúm Gia Cầm Ở Phường Long Hưng, Quận Ô Môn (Cần Thơ) Phát Hiện Ổ Dịch Cúm Gia Cầm Ở…