Tin nông nghiệp Không chủ quan với xuất khẩu hồ tiêu

Không chủ quan với xuất khẩu hồ tiêu

Tác giả Lê Bền, ngày đăng 29/09/2017

Không chủ quan với xuất khẩu hồ tiêu

Với giá hồ tiêu xuất khẩu được duy trì ổn định xoay quanh 9.000 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2017 của nước ta nhiều khả năng sẽ cán mốc 2 tỉ USD.

Mặc dù XK đang có nhiều thuận lợi, nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam không được chủ quan

Chiếm thị phần 50-60% sản lượng hồ tiêu lưu thông trên thị trường quốc tế, tuy nhiên để khẳng định được vai trò “nhạc trưởng” của thị trường hồ tiêu thế giới, hồ tiêu Việt Nam không thể chủ quan về chiến lược, nhất là nguy cơ về hàng rào kỹ thuật từ các nước NK.

Theo Bộ NN-PTNT, tới tháng 8/2017, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đã cán mốc khoảng 130 nghìn ha, vượt xa so với quy hoạch hồ tiêu cả nước tới năm 2020 (chỉ khoảng 50 nghìn ha).

Theo dự báo năm 2017, tổng sản lượng hồ tiêu cả nước sẽ vượt trên con số 240 nghìn tấn, tăng ít nhất 11% so với năm 2016. Với giá hồ tiêu xuất khẩu được duy trì ổn định xoay quanh 9.000 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2017 của nước ta nhiều khả năng sẽ cán mốc 2 tỉ USD. Với diện tích chỉ có 130 nghìn ha, có thể nói đây là ngành hàng có diện tích gieo trồng ít nhất, nhưng đang mang lại giá trị XK cao nhất.

Theo Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT), trong vài năm gần đây, tình hình cảnh báo về chất lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực.

Trong 2 năm 2015-2016, chỉ có duy nhất 2 lô hàng bị thị trường cảnh báo, tuy nhiên hai trường hợp này đều là vi phạm nhẹ, không liên quan tới vấn đề dư lượng thuốc BVTV (trong đó 1 lô bị cảnh báo về tạp chất và 01 lô bị nhiễm mốc). Với dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu, trong các năm gần đây, vấn đề này đã được Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) phối hợp chặt chẽ với các DN xuất khẩu nhằm kiểm soát chặt chẽ ngay từ vùng trồng tới khi XK.

Theo đó, các lô hàng trước khi XK đều được các DN xuất khẩu hồ tiêu thực hiện lấy mẫu để kiểm tra đa dư lượng nhằm sàng lọc nguy cơ nhỏ nhất có thể. Vì vậy trong 8 tháng đầu năm 2017, không có lô hàng hồ tiêu xuất khẩu nào của Việt Nam bị thị trường cảnh báo về vấn đề dư lượng thuốc BVTV.

Mặc dù vậy, nhằm tiếp tục củng cố và xây dựng ngành hàng hồ tiêu XK một cách bền vững, hướng tới giá trị cao, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp chỉ đạo căn cơ đối với ngành hàng này, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc BVTV. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PNT sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị lớn cùng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các DN để bàn các giải pháp giữ vững vị thế cho ngành hàng này.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị liên quan như Cục BVTV, Nafiqad, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản khẩn trương rà soát lại tất cả các nguy cơ, rủi ro trong xuất khẩu hồ tiêu ở tất cả các thị trường chủ lực, nhất là Mỹ, Ấn Độ, EU... Trong đó, sẽ tập trung vào các thị trường hay có cảnh báo, các chỉ tiêu cụ thể mà thị trường cảnh báo cũng như cập nhật các quy định mới của các thị trường xuất khẩu hồ tiêu để phổ biến cho các DN, hiệp hội và nông dân SX trong nước. Đồng thời, thông qua hội nghị về sản xuất – xuất khẩu hồ tiêu sắp tới, Bộ NN-PTNT cùng với các DN, Hiệp hội Hồ tiêu sẽ có các giải pháp nhằm đẩy mạnh khâu sơ chế, bảo quản, chế biến sâu.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, hướng dẫn canh tác hồ tiêu bền vững, có kiểm soát dư lượng thuốc BVTV và hạn chế rủi ro về dịch bệnh ngay từ nông hộ sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới, nhất là đối tượng SX hồ tiêu nông hộ, các vùng SX có điều kiện khó khăn, trình độ canh tác thấp... Trước mắt, việc kiểm soát, kiểm tra 100% đối với các lô hồ tiêu trước khi XK sẽ vẫn là giải pháp mà Cục BVTV phải tiếp tục phối hợp với các DN xuất khẩu duy trì chặt chẽ để tránh các rủi ro.


Hạt điều xuất sang Hồng Kông, Israel có giá cao nhất Hạt điều xuất sang Hồng Kông, Israel có… "Kéo" doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp