Tin nông nghiệp Không có việc thử nghiệm giống lúa chịu mặn Trung Quốc

Không có việc thử nghiệm giống lúa chịu mặn Trung Quốc

Tác giả Huỳnh Xây, ngày đăng 05/11/2016

Không có việc thử nghiệm giống lúa chịu mặn Trung Quốc

Một số thông tin trên báo chí gần đây cho biết, với sự hợp tác của các đơn vị Việt Nam, một số giống lúa chịu mặn của Trung Quốc đang được cấy “thử nghiệm” tại tỉnh Kiên Giang và TP.Cần Thơ để theo dõi, nghiên cứu và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, ngành chức năng 2 địa phương lại phủ nhận thông tin này...

Địa phương phản ứng

Khi phóng viên NTNN hỏi về vấn đề thử nghiệm giống lúa chịu mặn của Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang cho biết không có chuyện này. “Có đoàn bên Trung Quốc đến Kiên Giang đề nghị được sản xuất thử nghiệm nhưng thực tế chưa làm, vì độ mặn trên đồng thời gian qua vẫn còn cao, hiện vẫn còn  từ 5-6 ‰. Trong khi đó hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên chúng tôi đề nghị chưa được thực hiện” – ông Tâm khẳng định.

Trong ảnh: Người dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh tham quan ruộng lúa giống. Ảnh: H.X

Xứ mình nhiều chủng loại lúa giống chất lượng cao, khả năng kháng mặn, kháng rầy tốt và được bà con nông dân tin tưởng, lựa chọn, do đó nếu thử nghiệm giống lúa lai chịu mặn Trung Quốc thì tôi thấy không khả thi”. Nông dân Tám Thành

Để tìm hiểu rõ hơn về thông tin trên, phóng viên NTNN đã liên hệ ông Trần Quang Giàu - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Kiên Giang. Ông Giàu cũng khẳng định: “Chúng tôi chưa cho chuyên gia Trung Quốc thử nghiệm giống lai chịu mặn. Đến nay, họ cũng đã về nước, không còn ở Kiên Giang”.

Cũng theo ông Giàu, sau khi nhận được thông tin phía đơn vị Trung Quốc có nhu cầu làm thử nghiệm lúa lai chịu mặn và xét điều kiện thực tế ở địa phương, Chi cục BVTV đã có công văn nêu quan điểm chưa đồng ý gửi đến Sở NNPTNT. Từ đó, Sở NNPTNT có ý kiến sang Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang để họ làm việc với phía Trung Quốc.

Còn theo ông Phù Khí Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, vụ hè thu vừa qua có một công ty tư nhân đến khảo sát vùng trồng lúa ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao và dự định trồng lúa lai. Tuy nhiên, ông Nguyên không rõ là có trồng lúa lai Trung Quốc hay không bởi họ không thông báo với trung tâm.

Khi được hỏi về thông tin lúa lai chịu mặn Trung Quốc được trồng thử nghiệm và mang lại kết quả khả quan trên địa bàn TP.Cần Thơ, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV TP.Cần Thơ thông tin: “Chúng tôi chưa nắm được và sẽ chỉ đạo rà soát lại thông tin này. Thực tế nhiều năm qua, vùng trồng lúa của thành phố không nhiễm mặn cũng như chưa bị thiệt hại do mặn gây ra. Vậy nên, nói thử nghiệm lúa lai chịu mặn ở đây là khó có thể xảy ra”.

Phi thực tế?

Trước thông tin một số địa phương trồng thử giống lúa chịu mặn của Trung Quốc, lão nông Tám Thành, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phản ứng: “Xứ mình nhiều chủng loại lúa giống chất lượng cao, khả năng kháng mặn, kháng rầy tốt và được bà con nông dân tin tưởng, lựa chọn, do đó nếu thử nghiệm giống lúa lai chịu mặn Trung Quốc thì tôi thấy không khả thi”.

Giống lúa lai chịu mặn Trung Quốc có thời gian sinh trưởng từ 100 – 110 ngày và cho năng suất từ 8-9 tấn/ha (tương đương với giống lúa cao sản và cao hơn lúa chịu mặn ở ĐBSCL). Theo các nhà khoa học, lúa lai chịu mặn Trung Quốc có năng suất cao như vậy là do phải tốn nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, giống lúa này giá rất cao, lên đến 150.000 đồng/kg, trong khi lúa giống thuần ở địa phương chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. 

Theo PGS-TS Võ Công Thành - Trưởng Bộ môn Di truyền giống (Trường ĐH Cần Thơ), trước đây nhiều năm, giống lúa lai chịu mặn Trung Quốc được trồng nhiều ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) với diện tích khá lớn, khoảng 10.000ha. Sau đó, do quá trình triển khai gặp nhiều bất cập về cung cấp giống, bị nhiễm bệnh, chất lượng hạt gạo không như ý nên 3 năm nay, giống lúa này không còn được trồng ở đây nữa.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu cho biết thêm, ở TP.Cần Thơ nói riêng cũng như ĐBSCL nói chung, thời gian qua người chuyên nghiên cứu về lúa chịu mặn là PGS-TS Võ Công Thành và PGS-TS Nguyễn Thị Lan (Viện Lúa ĐBSCL). Thế nhưng, những chuyên gia này chỉ thực hiện việc nghiên cứu ở những vùng trồng lúa ven biển chứ không phải ở vùng nước ngọt quanh năm như TP.Cần Thơ.

Trao đổi với NTNN, PGS-TS Nguyễn Thị Lan khẳng định, ở TP.Cần Thơ chưa trồng lúa lai chịu mặn Trung Quốc, đồng thời bà Lan cũng nhấn mạnh việc làm lúa lai tại ĐBSCL là không khả thi bởi nhiều lý do: Giống lúa lai chịu mặn rất đắt tiền, giá có thể gấp đôi lúa thường, trong khi nhiều nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo, bà con lấy tiền đâu mà mua giống trồng.

“Cách chăm sóc lúa lai Trung Quốc rất phức tạp, không khéo sẽ bị lép hạt bởi đó là giống F1, vốn khó trồng. Thời gian qua, ở miền Bắc có trồng nhưng không bền vững và thực tế đang giảm diện tích trồng lúa lai có nguồn gốc từ Trung Quốc” – bà Lan thông tin thêm.


Mưa nhiều, dừa tươi giảm giá 2.000 đồng/quả Mưa nhiều, dừa tươi giảm giá 2.000 đồng/quả Thơm nức hạt dẻ Tứ Sơn Thơm nức hạt dẻ Tứ Sơn