Tin nông nghiệp Không để giá dịch vụ thủy lợi gây khó sản xuất

Không để giá dịch vụ thủy lợi gây khó sản xuất

Tác giả Lương Kết, ngày đăng 16/11/2016

Không để giá dịch vụ thủy lợi gây khó sản xuất

“Hiện nay chi phí trong sản xuất nông nghiệp rất cao lợi nhuận thấp và biến động, nếu dự luật quy định biến đổi về phí sang giá có thể tạo thêm khó khăn cho nông dân” - đó là ý kiến của đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Phương khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủy lợi sáng 14.11.

Đề phòng rủi ro, bất ngờ

Trong phần phát biểu góp ý, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) dẫn báo cáo của Bộ NNPTNT cho biêtết, từ nay đến năm 2030 nhu cầu đầu tư cho thủy lợi khoảng 25.000 công trình. Theo ĐB Hội trong số này chắc chắn sẽ có những công trình lớn, công trình trọng điểm ở vùng quốc phòng, an ninh. "Giả thiết chỉ có 4-5 phần nghìn thì cũng đã có hàng trăm công trình, như vậy chúng ta phải tính đến tính lưỡng dụng của nó. Vấn đề đặt ra về chiến lược quy hoạch, kế hoạch đầu tư các công trình quy mô lớn, công trình ở khu vực trọng điểm quốc phòng, an ninh cần có hành lang pháp lý, có chế tài cụ thể để thực hiện chức năng lưỡng dụng của mỗi công trình, phục vụ thủy lợi dân sinh, kết hợp với xây dựng khu vực phòng thủ" - ĐB Hội góp ý.

Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đình Nam

ĐB Nguyễn Văn Cảnh lấy ví dụ, bình thường nông dân sử dụng 5.000 lít nước để tạo ra 1kg lúa, nhưng nếu họ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, có thể sử dụng 3.500 lít nước tạo ra 1kg lúa. Như vậy, nếu xác định định mức từ 3.500 lít nước trở lên mà người dân tạo ra một 1kg lúa thì chúng ta mới bắt đầu thu giá theo thị trường, như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học, công nghệ, tạo điều kiện tiết kiệm nước.

ĐB Hội cũng dẫn chứng, quốc gia láng giềng với nước ta cũng xây dựng nhiều công trình thủy lợi dân sinh đều có yếu tố quốc phòng. Từ phân tích trên, ĐB này đề nghị, trong quy định trong dự thảo luật cần có nội hàm đảm bảo khi xây dựng công trình thủy lợi có sự kết hợp chặt chẽ giữa phục vụ sản xuất với xây dựng khu vực phòng thủ. Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Mặc dù dự luật đã thiết kế một điều nhưng vấn đề ĐB Hội nêu phải làm sâu sắc hơn. Bởi toàn bộ biên giới Tây Nam và Tây Bắc, tất cả các mặt liên quan đến quốc phòng trong đó có công tác thủy lợi.

"Chúng ta có trên 2000 đảo, có 11 huyện đảo, có 2.600km bờ biển. Ngoài ra, chúng ta còn có trên 2.000 hồ lớn, có những hồ hàng chục tỷ mét khối nước mà công tác an ninh, quốc phòng không được đặt ra trong luật này thì chắc chắn sau này có những sự cố xảy ra, đặc biệt là an ninh nguồn nước hiện nay" - Bộ trưởng Cường cho biết.

Vẫn theo ông Cường, Việt Nam có 2 hệ thống sông lớn, sông Hồng ở phía Bắc, sông Mekong ở phía Nam. "Hai con sông này hiện nay hoạt động của phía thượng nguồn mà chúng ta lại lệ thuộc 65% lượng nước từ nước ngoài và các hoạt động này hiện nay không trong tầm kiểm soát của ta, dễ dẫn đến hệ lụy. Sông Hồng cách đây 10 ngày xả lũ ở thượng nguồn, Lào Cai, Yên Bái nước sông lên báo động cấp 1, rất bất ngờ. Do đó, cần phải làm cụ thể hơn để đề phòng những vấn đề rủi ro, bất ngờ sau này" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Giá dịch vụ phải đảm bảo khả thi

Quy định của dự thảo luật chuyển từ phí thủy lợi sang giá dịch vụ cũng được nhiều ĐB cho ý kiến. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) băn khoăn về tác động của việc chuyển đổi thủy lợi phí sang giá dịch vụ thủy lợi đến cộng đồng, người sản xuất nông nghiệp. "Bởi lẽ hiện nay chi phí trong sản xuất nông nghiệp rất cao lợi nhuận thấp và biến động, nếu dự luật quy định biến đổi về phí sang giá có thể tạo thêm khó khăn cho nông dân" - ĐB Phương nói.

Theo ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cần đánh giá tác động việc thay thủy lợi phí bằng giá dịch vụ thủy lợi, lộ trình nếu thực hiện đánh giá tính khả thi. "Thực tế hiện nay tổng chi phí cho nông nghiệp của nông dân rất cao, trong khi các nước như Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Trung Quốc, Ấn Độ có lợi nhuận khoảng 0,2- 0,3USD/kg lúa thì nông nhân Việt Nam có lợi nhuận chưa đầy 0,1USD/kg lúa. Nhưng chi phí tại Việt Nam cao gấp 2,5 lần so với Thái Lan. Việt Nam tốn 27 USD/tấn trong khi Thái Lan chỉ tốn 12 USD/tấn" - ĐB Bình dẫn chứng.

Với góc nhìn so sánh, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho hay, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về miễn giảm đất nông nghiệp, việc chuyển phí sang giá đối với các đối tượng này so với nghị quyết có thể nói chưa hoàn toàn hợp lý. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp đối với nông dân, nông thôn cần nhất quán.

"Theo tôi mục đích chính của việc chuyển từ phí sang giá là để người dân ý thức hơn việc sử dụng nước tiết kiệm. Khi người dân sử dụng nước bình thường thì vẫn thu giá nhưng chỉ tính giá tương đương với mức phí trước đây. Đối với người dân nào sử dụng vượt quá mức bình quân thì lúc đó bắt đầu thu giá dịch vụ thủy lợi theo thị trường" - ĐB Cảnh đề xuất.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, theo thị trường việc chuyển từ phí sang giá là đúng. Tuy nhiên trước tình hình hiện nay khi thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đang tập trung ưu tiên những đối tượng như người làm nông nghiệp, người ở vùng kinh tế khó khăn, vùng miền núi... Cho nên dự thảo luật phải thể hiện vấn đề này như thế nào cho phù hợp.

"Tính được việc này rất khó, nhưng không vì khó mà bỏ qua. Chúng ta phải làm kỹ vấn đề này để một mặt tiếp cận được với quy luật về giá, một mặt đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp cho có tính khả thi" - Bộ trưởng Cường khẳng định. 


Cấp đủ nước, tiêu úng nhanh cho đồng ruộng Cấp đủ nước, tiêu úng nhanh cho đồng… Bí quyết không cần ngâm ủ, lúa vẫn nảy mầm như thường Bí quyết không cần ngâm ủ, lúa vẫn…