Không Thể Trông Vào Một Thị Trường
Việc kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm không còn là vấn đề mới mẻ, tuy nhiên vẫn còn bị cho là chậm trễ và chưa thật sự hiệu quả. Trong khi đó thiếu liên kết cũng đẩy nhà vườn lâm vào khó khăn.
Bộ Công thương vừa tổ chức kết nối cho trái vải thiều tại khu vực Đông và Tây Nam bộ. Có mặt tại buổi kết nối tổ chức ở TP.HCM, hầu hết đơn vị bán lẻ đều sốt sắng nói rằng: chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện hết sức.
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay còn mở thêm khu vực đậu xe cho các thương lái, nhà vườn vận chuyển hàng từ các tỉnh phía Bắc đến chợ trực tiếp kinh doanh. Tuy nhiên, người kinh doanh ở chợ này cũng tiếc rẻ: “Nếu các tỉnh làm sớm hơn thì sẽ rất thuận lợi vì thời gian tiêu thụ kéo dài, đến thời điểm này nhiều đầu mối kinh doanh đã ký kết hợp đồng hết rồi”.
Một tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức cũng rỉ tai với người viết rằng nếu làm sớm từ đầu vụ thì hay quá. “Bây giờ chợ lẻ mỗi người nhập 50-60kg/ngày về kinh doanh đều đều, mối quen, giá ổn thì làm sao họ dứt mối ngang xương như vậy được” - tiểu thương này phân tích. Bản thân lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng ngỡ ngàng khi Saigon Co.op cho biết đầu mối thu mua đặc sản vải thiều lại từ một đơn vị phân phối tại... Ninh Thuận.
Ở một câu chuyện khác, chúng tôi nhận được rất nhiều tiếng kêu của bà con trồng nông sản tại Đức Trọng, Đơn Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng). “Hàng Trung Quốc giết chết bà con rồi” - chủ một nhà vườn tại khu Thánh Mẫu xót xa nói. Không phải một, hai nhà vườn mà có tới hàng chục nhà vườn tại đây đang lâm vào cảnh thu hoạch xong rồi đổ đi, không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Mỗi vườn hàng trăm tấn hành tây, hàng chục tấn khoai tây cứ nằm chật ních nhà mà không tiêu thụ được. “Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào hành, thu về xong chạy vạy khắp nơi cũng không ai chịu bán giùm. Ngày ngày nhìn cả chục bao tải hành thúi, rồi thuê người bới ra cho hành nỏ coi như lỗ nặng” - chị Quyên, một nhà vườn tại Đức Trọng (Lâm Đồng) than vãn. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, nhiều tiểu thương cũng khẳng định đành phải từ chối hàng Đà Lạt khi hàng Trung Quốc đang rộ, được giá lại mẫu mã đẹp hơn khiến hàng Đà Lạt khó cạnh tranh, khó bán.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh - giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng - cho rằng tỉnh vẫn khuyến khích nông dân liên kết với các liên minh hợp tác xã và làm việc thông qua hợp đồng sản xuất. Hiện nay, phần lớn nguồn rau củ xuất đi các chợ, siêu thị tại TP.HCM đều thông qua các hợp tác xã. Làm việc qua hợp đồng là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết đầu ra cho nông sản. “Sản xuất mà không biết đầu ra thế nào, buôn bán kiểu đánh bạc như thế thì cuối cùng người nông dân chịu thiệt thòi” - ông Cảnh khẳng định.
Không riêng gì củ hành hay trái vải, hiện nay rất nhiều mặt hàng nông sản vẫn gặp nhiều khúc mắc với đầu ra, lúc thừa lúc thiếu khiến người thiệt thòi cuối cùng vẫn là nông dân. Để giải quyết được chuyện này, ngoài vai trò đứng ra là đầu mối kết nối của các cơ quan có trách nhiệm là sở ngành các tỉnh, thành phố còn cần sự giúp sức của các đầu mối, thương lái chủ động sớm liên kết với các nhà vườn, tạo điều kiện về giá cả, ổn định đầu ra.
Tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là bài toán cần phải được tính toán kỹ, nếu không muốn cả vụ nuôi trồng đổ sông đổ bể. Ông Nguyễn Anh Cương, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã nói rằng: bây giờ không thể phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào, phải có tính toán đường dài. “Một trứng phải có 2-3 giỏ chứ không thể chăm chăm vào 1 giỏ được” - ông Cương ví von. “Chỉ có liên kết, liên kết thật chặt chẽ mới chống lại được hàng Trung Quốc kém chất lượng tràn lan ngày càng nhiều hiện nay” - ông Cương nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ