Mô hình kinh tế Không tốn phí lưu cont, lưu bãi khi nhập khẩu sản phẩm thủy sản

Không tốn phí lưu cont, lưu bãi khi nhập khẩu sản phẩm thủy sản

Ngày đăng 11/08/2015

Không tốn phí lưu cont, lưu bãi khi nhập khẩu sản phẩm thủy sản

Về quy định đăng ký kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thủy sản và trả chi phí lưu cont, lưu bãi khi hàng hóa về đến cảng biển?

Theo quy định tại khoảng 2, Điều 31 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y về kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thủy sản như sau: Khi nhập khẩu sản phẩm thủy sản có trong Danh mục sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch hoặc sản phẩm thủy sản lạ chưa có ở Việt Nam, phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan thú y có thẩm quyền là Cục Thú y (trước đây là Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản).

Trên cơ sở quy định của Nghị định 33 nêu trên, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 06 ngày 2/2/2010 để quy định cụ thể các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, việc đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản với Cục Thú y không liên quan đến việc chi phí của các doanh nghiệp do phải lưu cont, lưu bãi ở cửa khẩu nhập vào Việt Nam.

Việc này được thực hiện trước khoảng 4 tháng khi hàng hóa được đưa xuống tàu biển vận chuyển về Việt Nam, nhằm chủ động kiểm tra, giám sát ngăn chặn dịch bệnh thủy sản xâm nhiễm vào Việt Nam và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hiện nay, việc thực hiện đăng ký kiểm dịch với Cục Thú y rất thuận lợi (doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký qua hệ thống mạng internet, fax… hoặc đường bưu điện) và trong vòng khoảng 3 ngày (kể từ khi nhận được hồ sơ) là doanh nghiệp nhận được văn bản trả lời từ Cục Thú y (gửi qua thư điện tử). Do vậy, việc đăng ký kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam không liên quan đến phí lưu cont, lưu bãi ở khu vực cảng nhập.

Về thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng khi về đến cảng đã làm tăng phí lưu cont, lưu bãi hàng hóa tại cảng?

Việc khai báo kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thủy sản với các cơ quan thú y ở cửa khẩu để thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm thủy sản để tiêu thụ trong nước được thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 31 của Nghị định 33 nêu trên.

Các doanh nghiệp có hàng hóa chuẩn bị về đến cửa khẩu chỉ cần đăng ký về thời gian cụ thể với cơ quan thú y cửa khẩu và cơ quan thú y cửa khẩu sẽ bố trí thực hiện ngay việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của chủ hàng.

Trong vòng 3 ngày (từ khi lấy mẫu xét nghiệm), doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng để tiêu thụ trong nước.

Mặt khác, theo quy định tại Công văn số 1152/TTg-KTTH ngày 7/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu phải được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập để thực hiện việc kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu đảm bảo yêu cầu mới được thông quan hàng hóa.

Đồng thời, theo quy định của các hãng tàu biển vận tải hàng hóa từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam (đối với các loại hàng hóa chứa trong các container) không phải mất phí lưu cont, lưu bãi ở khu vực cảng nhập, nếu lưu giữ hàng hóa từ 4 đến 8 ngày ở cảng (tùy theo từng hãng tàu).

Như vậy, việc thực hiện kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho các lô hàng sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam không ảnh hưởng đến việc phát sinh tăng chi phí lưu cont, lưu bãi hàng hóa ở cảng (bởi vì việc thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chỉ có trong vòng 3 ngày; trong khi đó các hãng tàu cho phép lưu cont, lưu bãi ở cảng từ 4 đến 8 ngày không phải mất phí).

Về quy định khi nhập khẩu sản phẩm thủy sản vào Việt Nam phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y hoặc Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu?

Việc quy định sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận chất lượng của nước xuất khẩu là đúng theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, phù hợp với thương mại quốc tế đối với việc buôn bán sản phẩm thủy sản; nhằm đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản đã được cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người, đồng thời làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc khi phát hiện có sự cố mất an toàn thực phẩm, phát hiện có mầm bệnh.

Hiện nay, sản phẩm thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước, cơ quan thú y các nước đã đưa ra ngày càng nhiều yêu cầu rất khắt khe về hàng rào kỹ thuật trước khi cho phép Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào nước họ (như yêu cầu Việt Nam cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh thủy sản, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát việc sử dụng thuốc thú y trong phòng trị bệnh thủy sản…;

Chương trình giám sát dịch bệnh thủy sản; hệ thống, năng lực của cơ quan thú y trong việc giám sát dịch bệnh động vật thủy sản, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra để kiểm tra thực trạng các hoạt động của hệ thống thú y, cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm, các cơ sở nuôi trồng, chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu; quy định về mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu;…

Nếu đáp ứng các yêu cầu mới cho phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang các nước; thậm chí nhiều nước còn yêu cầu sản phẩm tôm của Việt Nam phải có nguồn gốc từ vùng hoặc cơ sở không có các bệnh trên tôm).

Đồng thời, cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu tiếp tục tổ chức kiểm soát chặt chẽ các lô hàng trước khi nhập khẩu vào nước họ để làm thực phẩm cho người, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận chất lượng thì lô hàng sẽ bị tiêu hủy hoặc bị trả về nước xuất khẩu.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như sau: Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với lô hàng sản phẩm thủy sản nhập khẩu nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (được quy định tại điểm a, khoản 7 của Điều này); đồng thời, lô hàng buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy (được quy định tại điểm d, khoản 9 của Điều này).

Trong thời gian vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2015, Cục Thú y đã tổ chức 3 cuộc họp đối thoại với các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thủy sản (ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội) và không có ý kiến nào phản ánh từ các doanh nghiệp về các nội dung nêu trên.


Giá đường rơi xuống mức thấp kỷ lục, cacao và cao su giảm giá Giá đường rơi xuống mức thấp kỷ lục,… Sản xuất, ương, nuôi thành công cá chép Koi tại Ninh Bình Sản xuất, ương, nuôi thành công cá chép…