Tin thủy sản Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Ninh: Còn nhiều gian nan

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Ninh: Còn nhiều gian nan

Tác giả Nguyễn Quý, ngày đăng 16/05/2017

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Ninh: Còn nhiều gian nan

Hai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh được kỳ vọng làm thay đổi tập quán sản xuất và tạo ra một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện hoạt động tại 2 đơn vị này còn khá nhiều gian nan, hiện tại mới chỉ có dự án của VinEco đi vào hoạt động trên diện tích 60ha.

Dự án Trung tâm Phát triển giống tôm công nghệ cao và nuôi thử nghiệm giống hải sản tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà).  Ảnh:  N.Q 

Dự án của VinEco đã đi vào hoạt động

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có 2 dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh (tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) của Tập đoàn BIM và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Quảng Ninh (tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều) của Tập đoàn Vingroup.

Ông Phan Văn Cần - Trưởng phòng Kỹ thuật - Môi trường (Sở NNPTNT Quảng Ninh): Mỗi năm toàn tỉnh cần đến gần 5 tỷ giống thủy sản các loại, trong đó giống tôm cần trên 3 tỷ con, tuy nhiên hiện mới chỉ sản xuất tại chỗ được chưa đầy 25% nhu cầu giống thủy sản. Trong đó về giống tôm thẻ chân trắng, đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở sản xuất được tại chỗ và với sản lượng còn hạn chế, trên dưới 100 triệu con/năm. Việc sản xuất, cung ứng giống chất lượng cao cũng như mô hình trồng hiện đại, hàm lượng khoa học cao phục vụ 18 vùng sản xuất tập trung của tỉnh hiện vẫn đang ở dạng tự phát, nhỏ lẻ.

Đối với dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco của Tập đoàn Vingroup, mục tiêu ban đầu là hình thành khu ương tạo, thử nghiệm công nghệ nông nghiệp, từ đó nhân rộng, chuyển giao cho người dân, phục vụ phát triển 18 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của toàn tỉnh. Theo đó, khu vực này sẽ được chia thành các vùng diện tích nhỏ để ương tạo giống, trồng thử nghiệm, sau khi thành công sẽ được nhân rộng tạo thành các vùng sản xuất thương phẩm.

Đến nay, hoạt động của dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco có nhiều thay đổi, theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thương phẩm. Trong đó doanh nghiệp đã sản xuất thương phẩm trên diện tích gần 60ha.

Một dự án khác là: Trung tâm Phát triển giống tôm công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản, bắt đầu triển khai đầu năm 2014 tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà) do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (thuộc Tập đoàn BIM) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch được duyệt, dự án có quy mô 125ha, trong đó: Khu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng rộng 20ha; khu sản xuất giống cá biển (chủ yếu cá song) rộng 5ha; khu sản xuất giống nhuyễn thể (ngao) 5ha; khu ương gieo (bể trong nhà, ao ngoài trời có mái che rộng 30ha); khu trình diễn mô hình (ao nuôi dưỡng, nuôi thử nghiệm rộng 40ha). Còn lại là các hạng mục hạ tầng khác như giao thông, kênh thoát nước, hồ chứa nước, khu văn phòng... Tổng vốn đầu tư dự án 200 tỷ đồng (trong đó vốn hỗ trợ theo chính sách khuyến khích ưu đãi của tỉnh 50 tỷ đồng). Đây được xác định là trung tâm sản xuất giống thủy sản với công suất lớn, mỗi năm sản xuất 3,5 tỷ giống tôm thẻ chân trắng; 2,5 - 3 triệu giống cá biển; 5 - 7 triệu giống nhuyễn thể. Với sản lượng này, có thể đáp ứng nhu cầu giống thủy sản cho toàn tỉnh.

Nguy cơ chuyển mục tiêu

Tuy nhiên sau 3 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này, Trung tâm giống thủy sản BIM mới sản xuất được duy nhất gống tôm thẻ chân trắng với sản lượng 200 triệu con/năm và cũng mới chỉ ở dạng nhập con giống từ nơi khác về để ương dưỡng và cung cấp cho chính đơn vị mình nuôi thương phẩm chứ chưa tự sản xuất được tại chỗ cũng như cung ứng cho người dân. Theo giới chuyên môn, với sản lượng như trên, năng lực sản xuất hiện tại của Trung tâm giống thủy sản BIM mới đạt tỷ lệ rất nhỏ bé, chưa tới 7% kế hoạch sản xuất giống tôm cả năm của đơn vị và cũng chưa đúng mới mục tiêu ban đầu là sản xuất giống tại chỗ để cung ứng cho người dân. Thực tế, hiện nay đơn vị này cũng chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phục vụ sản xuất giống như nhà sản xuất giống, nhà dưỡng giống, khu ương, gieo giống… Hồ sơ nhập khẩu giống, thủ tục sản xuất cũng như tiêu chuẩn chất lượng sản xuất giống của đơn vị cũng chưa hoàn thiện; doanh nghiệp chưa huy động, bố trí đội ngũ nhân lực kỹ thuật chuyên về giống và hệ thống thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất giống…

Theo đại diện Sở NNPTNT Quảng Ninh, với hiện trạng như hiện nay, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư và xây dựng trong thời gian gần 1 năm nữa mới có thể tiến hành sản xuất giống theo đúng quy trình được. Trong khi đó, theo quy định đến cuối năm 2017 này nếu dự án Trung tâm giống thủy sản BIM không đi vào hoạt động theo đúng cam kết ban đầu, có thể sẽ bị thu hồi dự án hoặc là phải chuyển mục tiêu dự án từ sản xuất giống sang nuôi thương phẩm.

Có thể thấy, đến thời điểm này, mặc dù được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, dự án là Trung tâm giống thủy sản BIM vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh về một nền sản xuất giống thủy sản cũng như các mô hình nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao.


Cá lóc bông dễ nuôi, lãi khá Cá lóc bông dễ nuôi, lãi khá Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020 Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ…