Trồng lúa Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy

Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy

Tác giả Khánh Trung, ngày đăng 16/09/2019

Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy

Hiện nay, đa phần nông dân còn sạ lúa bằng tay và sử dụng lượng giống quá nhiều, làm tăng chi phí... Ruộng lúa gieo sạ với mật độ quá cao thường dễ bị sâu bệnh tấn công và đổ ngã do mưa bão. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân cần thay đổi thói quen sạ dày, tăng cường gieo cấy lúa bằng máy để giảm lượng sử dụng lúa giống, sạ thưa để hạn chế sâu bệnh.

Ruộng lúa được cấy máy và áp dụng kỹ thuật  “1 phải, 5 giảm” trong vụ hè thu 2019 của nông dân tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Kết quả khả quan

TP Cần Thơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 114.720ha, trong đó có trên 83.000ha đất trồng lúa. Nhờ thâm canh tăng vụ, nhiều diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm, mỗi năm Cần Thơ gieo trồng được trên 232.000ha lúa, sản lượng lúa trên 1,4 triệu tấn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết hình thành các “cánh đồng lớn” và đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa. Trong đó, việc sử dụng nguồn giống chất lượng và giảm lượng sử dụng giống được quan tâm hàng đầu. Nông dân được tăng cường tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, gieo sạ “né rầy, ôm nước”, ứng dụng công nghệ sinh thái trồng hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy, giúp giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học trên đồng ruộng. Đồng thời, việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã được chú trọng thông qua Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 3-11-2016 của UBND TP Cần Thơ về việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo. Đến nay, toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 92% diện tích lúa đông xuân; 98% diện tích lúa hè thu và 100% diện tích lúa thu đông. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh… chiếm 50-60%. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thông qua Dự án VnSAT, từ năm 2016 đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình giảm giống gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự án VnSAT đã hỗ trợ nông dân trồng lúa tại nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và “cánh đồng lớn” ở TP Cần Thơ thực hiện giảm lượng sử dụng giống bằng nhiều phương thức xuống giống khác nhau như: Sạ tay, sạ bằng dụng cụ kéo hàng, máy phun hạt, máy cấy. Qua đó, giúp nông dân có sự so sánh và lựa chọn được phương pháp phù hợp cho điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Kết quả cho thấy, dù mật độ sạ thấp từ 40-130 kg/ha tùy mô hình, nhưng lúa vẫn trúng và lợi nhuận của nông dân còn được tăng cao nhờ giảm được nhiều chi phí đầu vào. Đáng chú ý, việc cơ giới hóa khâu gieo trồng lúa bằng máy cấy đã giúp giảm mạnh được lượng sử dụng giống, nông dân chỉ sử dụng 40kg/ha.

Tiếp tục phát huy

Gần đây, lượng sử dụng giống trong sản xuất lúa của nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ đã giảm đáng kể so với trước, nhưng vẫn được đánh giá là còn ở mức cao, cần tiếp tục kéo giảm mạnh hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm, ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “HTX có 40 xã viên, với diện tích đất canh tác lúa 340ha. Nhìn chung, hiện các xã viên HTX và hộ dân canh tác lúa tại địa phương đã giảm lượng sử dụng giống so với trước đây, với lượng sử dụng trung bình khoảng 120kg/ha trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu và thu đông bà con sợ hao hụt do mưa nên sử dụng khoảng 150 kg/ha. Mức sử dụng giống như trên đã giảm rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn cao và có thể kéo giảm xuống 80kg/ha”. Theo anh Huấn, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT thành phố và Dự án VnSAT, vụ đông xuân và hè thu 2019, có 20ha lúa của 7 hộ dân tại HTX thực hiện giảm lượng giống gieo sạ còn từ 80kg trở xuống, lúa vẫn đạt năng suất cao như bình thường, lại giảm được chi phí tiền giống.

Kết quả điều tra kỹ thuật sản xuất lúa của nông dân từ năm 2015 đến năm 2018 của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cho thấy, lượng giống bình quân được nông dân tại các quận, huyện của thành phố sử dụng từ 179-201 kg/ha, trong đó bình quân năm 2018 là 179 kg/ha, giảm 22kg/ha so với năm 2015. Mật độ gieo sạ lúa còn cao do nông dân có tâm lý gieo sạ “trừ hao” lúa chết do bị ngập nước và ốc bươu vàng cắn phá, nhất là trong vụ lúa hè thu và thu đông. Mặt bằng đồng ruộng tại nhiều nơi chưa bằng phẳng, nông dân còn sạ lúa thủ công bằng tay khó đồng đều. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để giảm lượng giống gieo sạ, thành phố có nhiều nỗ lực thúc đẩy nông dân thực hiện và đã có cải thiện nhưng vẫn còn chậm. Theo số liệu thống kê trong vụ hè thu 2019, mới có 23% diện tích gieo sạ sử dụng lượng giống ít hơn 100 kg/ha, 46% sử dụng lượng giống từ 100-150 kg/ha, 31% diện tích sử dụng lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha. Để giảm lượng sử dụng giống trong gieo trồng lúa, tới đây thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ giới, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cánh đồng lớn và thực hành nông nghiệp tốt, từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng.

Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy được nhiều chuyên gia cho rằng là giải pháp rất quan trọng để có thể giảm mạnh lượng sử dụng giống trong sản xuất lúa. Nông dân cần tăng cường liên kết  hình thành các “cánh đồng lớn” và chuẩn bị kỹ khâu làm đất để đồng ruộng bằng phẳng, gieo cấy lúa bằng máy dễ hơn, hạn chế được hao hụt giống và thuận lợi cho cả quá trình chăm sóc, thu hoạch lúa.

Ông Đỗ Văn Vấn, Phó Giám Đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, do đồng ruộng tại nhiều nơi không bằng phẳng, sợ lúa khi gieo sạ bị hao hụt tại những nơi trũng thấp do ngập nước nên nhiều nông dân còn tâm lý gieo sạ dày để “trừ hao”, ít tốn công giặm lúa. Do đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hỗ trợ nông dân thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, áp dụng máy cấy, máy phun hạt, máy sạ hàng trong khâu gieo trồng lúa…


Bệnh hại lúa mùa thường gặp trong tháng 9 Bệnh hại lúa mùa thường gặp trong tháng… Cấy lúa bằng máy giảm lượng giống Cấy lúa bằng máy giảm lượng giống