Khuyến khích nuôi tôm theo hướng VietGAP
Áp dụng VietGAP trong nuôi tôm nước lợ là hướng phát triển bền vững, khắc phục tình trạng bấp bênh, rủi ro kéo dài trong thời gian qua. Quảng Nam đã ban hành cơ chế ưu đãi để có thể triển khai mô hình sản xuất này.
Nhiều mô hình nuôi tôm sạch trên địa bàn tỉnh cho năng suất cao. Ảnh: N.Q.V
Nhiều ưu điểm
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã phối hợp với một số hộ nuôi tôm để triển khai mô hình VietGAP trên tổng diện tích 13ha ở các xã Bình Hải (Thăng Bình), Tam Hòa, Tam Nghĩa (Núi Thành). Thực chất của mô hình này là sản xuất an toàn, dựa trên 4 tiêu chí an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc tôm thương phẩm. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm tôm có nhãn hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hiện có rất ít sản phẩm tôm nuôi bán ở các siêu thị, chợ đầu mối được gắn tem, nhãn, bao bì rõ ràng, được công khai về quy trình kiểm soát chất lượng. Với sản phẩm tôm trên thị trường, không biết dựa vào đâu để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, tuyên truyền để người nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là hết sức cần thiết.
Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm VietGAP
Theo cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản Quảng Nam (giai đoạn 2016 - 2020) thì sẽ có nhiều hình thức hỗ trợ cho nông hộ, nhóm nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ cộng đồng nuôi tôm và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm theo quy trình VietGAP. Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xây dựng vùng nuôi tôm được chứng nhận VietGAP; mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án. Nhà nước hỗ trợ 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo để làm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ; mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án. Ngoài ra, còn có hỗ trợ kinh phí thuê tổ chức thực hiện chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP với mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/dự án và hỗ trợ chi phí lẫy mẫu giám sát dịch bệnh, cấp giấy chứng nhận vùng nuôi an toàn dịch bệnh với mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/dự án. Các điều kiện để được nhận hỗ trợ là dự án phải có diện tích tối thiểu 3ha/vùng/dự án đối với nuôi tôm lót bạt thâm canh hoặc tối thiểu 5ha/vùng/dự án đối với nuôi tôm ở vùng triều.
Triển khai nuôi tôm theo hướng VietGAP, ông Nguyễn Văn Tùng (thôn Phước An, xã Bình Hải) đã được ngành thủy sản hỗ trợ kinh phí đầu tư ao chứa lắng; ao xử lý nước thải; mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch. Trong quá trình nuôi tôm, ông Tùng đã ghi chép đầy đủ các thông tin chế độ cho ăn, loại thức ăn, thuốc thú y, các vật tư nuôi tôm. Đó là phần việc quan trọng để có thể truy xuất nguồn gốc tôm thương phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Mô hình đầu tư cũng rất thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe con người cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Con giống tốt là điều kiện cần đầu tiên để có thể kỳ vọng nuôi tôm thành công. Muốn tôm phát triển tốt thì môi trường nước phải đảm bảo nên tôi đầu tư ao lắng, ao xử lý nước thải, chăm sóc tôm đúng quy trình, sử dụng vật tư nuôi tôm chất lượng. Với năng suất đạt 30 tấn/ha, chỉ 1 vụ nuôi trong vòng 3 tháng, tôi đã thu được 1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí” - ông Tùng nói.
Hỗ trợ người nuôi
Các mô hình hỗ trợ nuôi tôm theo hướng VietGAP được triển khai ở các hộ ông Trần Công Thành (xã Tam Hòa, Núi Thành) và Nguyễn Tiến (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) cũng đem lại hiệu quả cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong vòng 5 năm trở lại đây, ở Quảng Nam chỉ mới có 3 mô hình nuôi tôm VietGAP này tồn tại mà không được nhân rộng trên địa bàn tỉnh? Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, trước hết là quỹ đất của nông hộ nhỏ lẻ nên rất khó đầu tư ao chứa lắng, ao xử lý nước thải chiếm đến gần 50% diện tích sản xuất; trong khi đó, nông dân Quảng Nam vẫn còn giữ tập quán sản xuất “ăn xổi” nên hầu như không chịu đầu tư lớn. Nuôi tôm VietGAP đòi hỏi phải ghi chép cẩn thận suốt quá trình nuôi tôm, không dùng kháng sinh, hóa chất, nhưng nông hộ thì không từ bỏ “thói quen” này. “Nuôi tôm VietGAP đòi hỏi phải đầu tư lớn, trong khi đó đến thời điểm này hoạt động nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam vẫn còn nhỏ lẻ, được chăng hay chớ nên rất khó nhân rộng. Cả thị trường nội địa lẫn thế giới đều đòi hỏi tôm phải chất lượng, đảm bảo vệ sinh, có xuất xứ rõ ràng nên chưa nhân rộng được cách nuôi tôm theo hướng VietGAP là rất tiếc và cần đẩy mạnh tuyên truyền trong thời gian tới” - bà Tâm nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp đang khảo sát, rà soát, xác lập lại các vùng nuôi tôm tập trung ở vùng triều, có quy mô từ 10ha trở lên để có thể nuôi tôm theo hướng VietGAP. Đối với những vùng nuôi tôm tập trung thuộc sở hữu của nhiều hộ nông dân thì khuyến khích họ phối hợp cùng nhau, thành lập tổ hợp tác, tổ cộng đồng nuôi tôm để tiếp cận cơ chế hỗ trợ nuôi tôm VietGAP của tỉnh, qua đó nâng cấp vùng nuôi, đầu tư nuôi tôm hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập. Đối với các vùng nuôi tôm tập trung mà Nhà nước có thể thuê lại của người dân trong thời gian dài thì thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp sản xuất theo hướng VietGAP với nhiều ưu đãi. “Các vùng nuôi tôm của tỉnh quá manh mún, phân tán, môi trường sinh thái xung quanh bị ô nhiễm, nguồn nước suy thoái nên bắt buộc phải sản xuất tập trung theo vùng bằng mô hình VietGAP. Các quy chuẩn nuôi tôm theo hướng này, hài hòa lợi ích kinh tế của người sản xuất, lợi ích môi trường, xã hội và lợi ích trên thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm” - ông Ngô Tấn nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ