Tin thủy sản Kích dục tố trong sản xuất cá giống

Kích dục tố trong sản xuất cá giống

Tác giả Hoàng Yến (Tổng hợp), ngày đăng 28/04/2017

Kích dục tố trong sản xuất cá giống

Sử dụng kích dục tố (KDT) trong việc kích thích sinh sản nhân tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất giống các loài cá nuôi. Nắm bắt được các loại KDT và cách sử dụng là điều cần thiết.

Trong ảnh: Kiểm tra cá giống Ảnh: Huy Hùng 

Đặc điểm

Kích dục tố (KDT) là những glycoprotein kích thích sự phát triển tuyến sinh dục (tinh sào và buồng trứng) một cách trực tiếp. Sử dụng KDT trong sản xuất cá giống giúp chủ động về thời gian, thời điểm bố trí sinh sản. Ngoài ra, việc dùng KDT còn kích thích cá đẻ đồng loạt, đẻ róc, cho tỷ lệ đẻ, tỷ lệ trứng thụ tinh, tỷ lệ nở, sức sinh sản tuyệt đối rất cao và hiệu quả hơn nhiều so với việc không dùng KDT.

KDT gồm 2 loại là KDT tự nhiên có nguồn gốc là tuyến yên và các hoạt chất khác cũng được gọi là KDT do tính năng sinh lý của chúng trong các thí nghiệm nội tiết hoặc mặc dù chức năng sinh lý tự nhiên của chúng là duy trì thể vàng. KDT tự nhiên gồm: FSH (Follicle Stimulating Hormone) là hormon kích thích nang trứng; Giúp nang trứng và noãn bào đều phát triển. LH (Luteinzing Hormone) là hormon hoàng thể hóa. Có chức năng gây chín noãn bào và rụng trứng. Sự rụng trứng là hiện tượng nang trứng vỡ để noãn bào thoát ra ngoài, đi vào ống dẫn trứng. Nang trứng vỡ ở lại buồng trứng rồi biến thành thể bào nên được gọi là hoàng thể hóa. Tuy nhiên, chế phẩm KDT được dùng trong sinh sản nhân tạp cá phổ biến hiện này là dịch chiết từ tuyến yên cá và HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Ngoài ra, còn có một số loại KDT khác như LRHa, Proland B… Trong đó, HCG là hoạt chất được dùng phổ biến nhất do sự phong phú về nguồn và sự ổn định của hoạt tính.

Các yếu tố ảnh hưởng

Để việc sử dụng KDT mang lại hiệu quả tối ưu nhất, khi sử dụng KDT phải lưu ý đến những yếu tố ảnh hưởng như:

Loài cá: Tùy vào loài cá, tùy vào cấu trúc buồng trứng, túi tinh… mà sử dụng loại KDT tương ứng. Có loài sau khi tiêm KDT thì tự sinh sản, có loài phải vuốt trứng, vuốt tinh, có loài thì phải mổ con đực lấy tinh hoàn để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Liều lượng tiêm ở từng loài cũng khác nhau, có loài chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất gọi là liều quyết định.

Vị trí tiêm: Vị trí tiêm khác nhau ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá bố mẹ sau khi tiêm, thời gian hiệu ứng thuốc, cũng như cường độ tác động. Mỗi một vị trí tiêm khác nhau sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau và chỉ phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Thông thường, đối với các loài cá có kích cỡ lớn thường tiêm ở gốc vây lưng. Bởi, với cách thức này, mặc dù thời gian thuốc tác động chậm, thời gian hiệu ứng thuốc dài, nhưng an toàn cho cá bố mẹ sau khi tiêm. Trong khi đó, phương pháp tiêm ngay tại gốc vây ngực cho thời gian hiệu ứng nhanh hơn, cường độ tác động mạnh hơn, nhưng cũng dễ gây chết cá bố mẹ nếu kim đâm trúng tim.

Các yếu tố khác: Tác động của từng loại KDT khác nhau còn chịu ảnh hưởng bới các yếu tố khác như nguồn gốc cá, chất lượng nuôi vỗ, chế độ chăm sóc, yếu tố mùa vụ, tuổi, trọng lượng thân, kỹ thuật pha chế thuốc, kỹ thuật chích và các yếu tố môi trường liên quan…

Cách sử dụng

Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh, để mang lại kết quả cao khi sử dụng KDT trong sản xuất cá giống cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Xác định được tuổi, trọng lượng cá, chọn cá đạt yêu cầu về ngoại hình, chọn môi trường nuôi vỗ tối ưu, phù hợp với đặc tính sinh học từng loài cá về thức ăn, môi trường sống, thay nước chăm sóc.

Để thúc đẩy quá trình chuyển pha trứng nhanh và đồng loạt hơn có thể sử dụng các biện pháp thay nước, tăng cường chu kỳ quang bằng cách dùng ánh sáng đèn cao áp, tạo dòng chảy xoáy áp lực hoặc làm mưa nhân tạo cùng với việc đưa thêm vào thức ăn một số thành phần như giá sống, mầm lúa…

Trước khi tiêm KDT cần dùng que thăm trứng, lấy trứng ra đánh giá sơ bộ mức chuyển hóa của pha trứng thông qua màu sắc, độ căng tròn, độ rời và cực của nhân… Từ đó, tuyển lựa cá bố mẹ (đặc biệt là cá mẹ) đạt đủ yêu cầu để tiến hành tiêm KDT.

Chọn đúng loại KDT thích ứng với từng loại cá, thích ứng cho từng liều cụ thể (liều sơ bộ, liều quyết định). Liều sơ bộ để tiêm cho các loài cá hợp lý thường cách nhau 6 - 8 giờ. Trước khi tiêm liều quyết định, cần theo dõi thường xuyên diễn biến về ngoại hình của cá, kết hợp thăm trứng, đánh giá độ phân cực của nhân, độ căng tròn của màng trứng, độ rời. Sau khi tiêm liều quyết định cần thăm trứng thường xuyên để can thiệp kịp thời như bố trí bể đẻ, vuốt trứng, vuốt tinh…

Lựa chọn thời điểm tiêm hợp lý, trách các tác động của môi trường. Ngoài ra, để tăng cường hoạt tính của từng loại thuốc sử dụng, người sản xuất giống nên kết hợp thêm DOM (Doperidom). 


Công nghệ - chìa khóa thành công trong phân tích, kiểm định Công nghệ - chìa khóa thành công trong… Kích cầu tiêu thụ thủy sản trong siêu thị Kích cầu tiêu thụ thủy sản trong siêu…