Kiếm hàng triệu đô la từ xuất khẩu... rác nông sản
Những thứ phụ phẩm nông sản tưởng chừng như bỏ đi nhưng chỉ qua một số khâu trong chế biến, đã trở thành các loại nguyên liệu xuất khẩu, giúp doanh nghiệp thu về hàng triệu đôla…
Ông Đàm Văn Hoạt đang giới thiệu phụ phẩm nông sản xuất khẩu. Ảnh: Đặng Thư.
Bán rác nào cũng có tiền
Củ khoai mì, ngoài phần chính phẩm chế biến tinh bột mì cho người ăn, hay chế biến mì lát làm thức ăn chăn nuôi, làm cồn sinh học…, phần phụ phẩm còn lại là bã mì, lâu nay, cứ tưởng phải đổ bỏ nhưng không. Bã mì được chế biến thành bã mì ép viên, bã mì bột hay rỉ mật bã mì ép viên… để xuất khẩu, thu về hàng chục triệu đôla.
Tương tự, các loại phụ phẩm như cây dứa (khóm), lõi bắp, thân cây bắp, cây mía, rỉ mật đường, vỏ hạt cà phê hoặc bất cứ một loại phế phẩm nông sản nào khác, cũng đang được VietFarm nghiên cứu hòng tận dụng, đưa vào chế biến để xuất khẩu. Trước đó, những phụ phẩm này vốn là rác thải của các nhà máy chế biến nông sản nên khi bỏ đi, còn phải tốn tiền tiêu huỷ.
Một ngày cuối tuần, dẫn chúng tôi thăm một vòng nhà máy chế biến phụ phẩm nông sản xuất khẩu ở Tây Ninh, ông Đàm Văn Hoạt, Tổng Giám đốc VietFarm nói nhà máy này mới chạy ra sản phẩm xuất khẩu được hai năm nay, nhưng hiện đã hết công suất (8.000 tấn thành phẩm/tháng) nên chuẩn bị xây thêm một nhà máy lớn gấp 3 ngay bên cạnh.
Quy trình “biến” rác thải nông sản ở nhà máy không có gì cầu kỳ. Đầu tiên, phụ phẩm tươi được thu gom từ các nhà máy đưa vào các máy sấy khô, sau đó, đưa vào hệ thống máy ép viên, rồi vào các máy đóng bao để xuất khẩu.
Tuy đơn giản, nhưng quy trình “biến rác thành tiền” đòi hỏi sự tính toán chính xác thành phần dinh dưỡng, khoáng chất chứa bên trong từng viên thành phẩm. Để có được sự chính xác này, VietFarm đã đầu tư phòng thí nghiệm riêng, tuyển nhân viên phân tích có trình độ chuyên môn. Mỗi loại phụ phẩm, đều được đưa vào phân tích, đánh giá trước khi đưa vào chế biến, giới thiệu đến khách hàng.
“Chúng tôi bỏ công sức nghiên cứu và làm tăng giá trị phụ phẩm trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ chế biến hiện đại vào!”, ông Hoạt khẳng định. Ý tưởng này đến với ông Hoạt từ những đơn hàng tưởng như rất kỳ quặc của nhà nhập khẩu. Một ngày nọ, có ông khách người Nhật Bản sau khi đọc được thông tin đã tới công ty yêu cầu nhập lõi bắp ép viên về làm nấm. Một nhà nhập khẩu từ Bangladesh muốn mua rỉ mật đường ép viên cung cấp cho các trang trại bò và lạc đà ở vùng Trung Đông. Bã mì ép viên cũng được các nước Ả Rập ưa chuộng làm nguyên liệu thức ăn cho cừu...
Sau khi nhận được đơn hàng, ông Hoạt, vốn có sẵn kinh nghiệm kinh doanh nguyên liệu thức ăn, lại là dân học Đại học Nông lâm, nhận thấy rất dễ làm, bởi phụ phẩm nông sản trong nước rất dồi dào. Lõi bắp thì trồng quanh năm ở các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Chỉ việc gom về, nghiền nát rồi đưa vào ép viên. Còn bã mì ở vùng Tây Ninh, thậm chí Campuchia cũng có nhiều. Rỉ mật đường hay hèm bia thì cũng không hiếm… Vậy là, nhà máy chế biến phụ phẩm nông sản ra đời, theo ông Hoạt, nó không “đụng hàng” với bất cứ nhà máy nào!
Tại sao nước giàu thích nhập thứ bỏ đi?
Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Hoạt nói công ty không bán giá trị dinh dưỡng trong các loại phụ phẩm nông sản vì tỷ lệ này khá thấp, mà chủ yếu bán… chất xơ. Nhiều loại gia súc tại các nước như lạc đà, trâu, bò, dê, cừu, ngựa… lại cần nguồn thức ăn này để hỗ trợ tiêu hoá. Đặc biệt ở những nước Trung Đông, nơi diện tích đất canh tác hạn chế nên phụ phẩm nhập về có thể cho gia súc ăn trực tiếp hoặc tưới nước cho mềm rồi phối trộn với các loại thức ăn chăn nuôi khác.
Một số loại thức ăn gia súc chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp của VietFarm. Ảnh: NNVN
Dù làm từ “rác”, nhưng giá trị đem lại không hề nhỏ. Đơn cử, giá tinh bột mì hiện chưa tới 700 đồng, nhưng giá 1kg bã mì ép viên bán ra đã lên tới 2.600 – 2.700 đồng/kg. Ông Hoạt cho biết, trong số 8.000 tấn sản phẩm sản xuất ra mỗi tháng, 60% trong số đó tiêu thụ ngay tại nội địa, còn lại là xuất khẩu đi các nước, thu hàng triệu đôla.
“Có rất, rất nhiều loại “rác” nông sản ở Việt Nam có thể trở thành những sản phẩm xuất khẩu cho lợi nhuận cao!”, ông Hoạt tâm sự. Đó có thể là vỏ cà phê, ca cao, vỏ trái cây… Những thứ này, hàng năm các nhà máy thải ra khối lượng khổng lồ, nếu không làm nguyên liệu thức ăn, có thể biến chúng thành thành phần hữu cơ có giá trị xuất khẩu cao. Vậy mà ít có doanh nghiệp nào làm.
Thật ra, ở đâu có ngành nông nghiệp phát triển, nơi đó đều có rác phụ phẩm nông nghiệp. Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á đều đang dư ra lượng rác thải loại này khá lớn, nhưng theo ông Hoạt, sở dĩ doanh nghiệp Nhật Bản chuộng nhập lõi bắp để làm giá thể trồng các loại nấm sạch; người Arập, Kuwait, Iraq… chuộng bã mì, rỉ mật, bã mía… từ Việt Nam, mà không phải nguồn hàng từ Hoa Kỳ hay một số nước phát triển, vì họ biết chúng chưa bị ảnh hưởng bởi các nguồn giống biến đổi gen (GMO).
Cho đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia chưa phổ biến cây trồng GMO, đây là điều các quốc gia như Nhật, Trung Đông cần tìm nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Sản lượng rác nông sản ở Việt Nam phong phú, số lượng nhiều, chế biến dạng ép viên dễ vận chuyển… cũng là lợi thế cho các nhà nhập khẩu tìm đến.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ