Kiệt Quệ Vì Tôm
Vụ tôm chính năm nay, nhiều hộ dân ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã phải nếm “trái đắng” khi tôm chết hàng loạt...
Trắng tay ngay vụ chính
Người nuôi tôm ở phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa trong những ngày này như ngồi trên đống lửa. Tôm thả được khoảng 2 tháng thì bỗng nhiên chết hàng loạt. Nhiều hộ nuôi bị mất trắng mấy chục vạn tôm, không vớt vát được đồng nào.
Ông Trần Văn Phước (thôn Hà Liên, phường Ninh Hà) buồn rầu: “Gia đình tôi đầu tư mấy chục triệu đồng để thả nuôi 80 vạn tôm chân trắng trên 4 đìa tôm. Thế nhưng, tôm nuôi được gần 2 tháng bỗng dưng chết đỏ ao. Hiện giờ đã chết trắng 3 đìa, còn lại 1 đìa cũng đang bắt đầu chết rải rác. Mới tính tiền giống đã mất gần 30 triệu đồng, kể cả các chi phí khác thì mất gần trăm triệu”.
Theo ông Phước, nếu như vụ nuôi thuận lợi, tôm phát triển bình thường thì với 4 đìa, gia đình ông sẽ thu hoạch được 7 - 8 tấn tôm, lợi nhuận vài trăm triệu đồng; nhưng vụ này coi như mất trắng. Toàn bộ số tiền để đầu tư nuôi tôm đều vay mượn, giờ gia đình ông chưa biết xoay xở thế nào để có tiền trả nợ.
Ở phường Ninh Hà, trong tổng số hơn 350 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thì có đến 70% số hộ nuôi có tôm bị chết. Một số hộ còn lại cũng phải bán tôm non để “chạy bệnh”. Phần lớn tôm xuất bán đều là tôm mới khoảng 50 ngày tuổi nên kích cỡ còn nhỏ, bán không được giá.
Các hộ may mắn còn tôm bán cũng chỉ hòa vốn, số có lãi chút ít chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn thua lỗ, hộ ít vài chục triệu đồng, hộ nhiều thì vài trăm triệu đồng. “Gia đình tôi thả nuôi 20 vạn con giống. Tôm không chỉ chết mà số còn sống cũng rất chậm lớn.
Tuy đã nuôi hơn 50 ngày nhưng kích cỡ chỉ đạt 200 con/kg (bình thường khoảng 140 con/kg) nên giá bán rất thấp, chỉ 56.000 đồng/kg, lỗ gần 40 triệu đồng. Hiện nay phần lớn các gia đình không ai dám thả nuôi nữa. Bởi nợ cũ chưa trả được, bây giờ không thể vay ở đâu được mấy chục triệu để đầu tư nuôi tiếp”, ông Võ Văn Hiền (thôn Hà Liên, phường Ninh Hà) chia sẻ.
Tôm chết do nắng, nóng
Tôm ở Ninh Hà chết hàng loạt, song theo người dân thì không phải do dịch bệnh. Dựa trên những đặc điểm của các mẫu bệnh phẩm, tôm chết chỉ có thể do nguồn nước hoặc bị sốc thời tiết.
Vụ nuôi này, tất cả giống đều được người nông dân lấy từ các trại tôm giống ở địa phương hoặc các công ty cung ứng tôm giống hàng đầu trong vùng như Công ty CP, Việt Úc... nhưng không hiểu vì sao tỷ lệ tôm chết vẫn rất cao.
Tôm thẻ chân trắng và tôm sú thả nuôi được khoảng 10 ngày thì bắt đầu có hiện tượng bỏ ăn, dạt vào quanh bờ đìa. Khi kiểm tra dưới đáy ao, người nuôi phát hiện tôm chết rải rác. Tôm không có dấu hiệu đỏ thân, đốm trắng hay dấu hiệu bất thường khác. Tôm chết có kích cỡ khoảng 400 - 500 con/kg.
Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cho biết: “Hiện phường Ninh Hà đã có 150ha đìa tôm bị thiệt hại hoàn toàn, phần còn lại tỉ lệ tôm sống cũng không cao. Khi tôm bị chết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm nhưng không phát hiện bệnh gây chết tôm.
Từ đó có thể thấy, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do thời tiết nắng nóng gay gắt, sự biến động quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm gây sốc cho tôm. Hơn nữa, khi trời nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh làm cho mực nước trong ao xuống thấp, nhưng người nuôi không chủ động được ao lắng nên không thể cấp bù kịp thời. Thời gian tới, nếu không có mưa, chắc chắn số tôm còn lại sẽ bị chết hết”.
Cũng theo ông Nhật, đa số các hộ nuôi tôm ở Ninh Hà đều đang nợ ngân hàng trên 10 năm. Giờ tôm chết hàng loạt, người dân không có nguồn vay nào để có thể tiếp tục tái đầu tư cho những vụ mới.
Được biết, ngay sau khi ở Ninh Hà có hiện tượng tôm chết hàng loạt, cán bộ Trạm Nuôi trồng thủy sản thị xã Ninh Hòa đã đến hiện trường nắm bắt tình hình, đồng thời thu mẫu để xác định nguyên nhân.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cũng như chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo: người nuôi tôm cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi đã được hướng dẫn. Đồng thời, trước khi xuống giống phải căn cứ vào thời tiết thực tế để chọn thời điểm thả thích hợp.
Nếu tôm nuôi có dấu hiệu bất thường và chết, người nuôi cần thông báo, cung cấp thông tin ngay cho cơ quan chức năng như: Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường, Trạm nuôi trồng thủy sản; đồng thời phải vớt ngay tôm chết ra khỏi ao và tiến hành tiêu hủy, hạn chế lây lan ra môi trường xung quanh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ