Kinh Nghiệm Chăm Sóc Sầu Riêng Đạt Năng Suất Cao
Ngày đăng 28/06/2012
Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.
Theo chị Hà, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng phải đúng quy định và thời điểm. Một năm chị bón phân 3 lần, kết hợp phân hữu cơ và vô cơ. Đáng lưu ý là khi cây có trái, không phun các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao và chứa clo, vì làm thế lá non ra nhiều, chất dinh dưỡng của cây không tập trung để nuôi trái và trái dễ bị sượng.
Sầu riêng dễ mắc các loại bệnh: sâu đục thân, đục trái, nấm rễ cây, rỉ sắt, xì mủ... nếu phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ hết. Bên cạnh phương pháp chăm sóc hiện đại, chị dùng phương pháp thủ công thụ phấn cho hoa. Khi phát hiện trên thân cây có chỗ bị nhô lên, xì mủ thì khoét phần vỏ để tìm bắt sâu, sau đó quét nước thuốc vào phần khoét để dưỡng vết thương.
Chị Hà cho biết, kỹ thuật chăm sóc như trên thì hầu hết các chủ vườn sầu riêng đều biết. Chỉ khác ở liều lượng và thời gian sử dụng sao cho thích hợp. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản giúp vườn sầu riêng 14 năm tuổi của chị luôn xanh tốt, năng suất cao là đất luôn đảm bảo độ ẩm, thích hợp cả mùa khô lẫn mùa mưa.
Cách đây 8 năm, khi đến thăm vườn nhà một người bạn, từ sự quan sát tình cờ giữa những cây sầu riêng được làm cỏ sạch sẽ và những cây có cỏ mọc um tùm ở dưới đất, chị thấy khu đất cỏ mọc kín sầu riêng sai trái hơn. Từ đó, chị không dọn cỏ sạch như trước, mà để lại những loại cỏ dại sống tầng thấp, ít ăn phân (chủ yếu cây bọ xít), vì loại cỏ này là một trong những nguồn phân rất tốt khi chúng chết, lại giúp đất tơi xốp. Việc nhổ cỏ, phun thuốc xịt cỏ tập trung vào loại cỏ chỉ và cỏ mỹ, bởi loại ăn nhiều phân và phát triển mạnh.
Do vườn cây để cỏ tạo thành một lớp phủ dày trên mặt đất, nên vào mùa khô, mặt đất luôn được giữ ẩm lâu, thay vì 2 ngày phải tưới một lần thì nay là 4 ngày. Vào mùa mưa, không sợ úng nước, bởi lớp cỏ giữ vai trò hút nước. Một điểm nữa cũng cần lưu ý là không được dùng cuốc xới ở gốc cây sầu riêng, bởi rễ cây mọc sát mặt đất, nếu xới sẽ làm đứt rễ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây.
Với những kinh nghiệm trên, vườn sầu riêng của chị Hà luôn đạt năng suất cao, mỗi cây cho thu hoạch trung bình 200 - 250 kg/năm. Sầu riêng năm nay được giá, hiện chị bỏ mối 25 ngàn đồng/kg. Vì vậy, với 3 ha sầu riêng, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Do nắm được kinh nghiệm trồng sầu riêng và loại cây này cho thu nhập cao, nên chị Hà tiếp tục trồng thêm 2 ha. Theo chị, nếu biết cách chăm sóc thì trồng sầu riêng “khỏe” hơn và cho thu nhập cao hơn trồng cao su.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ