Kinh Nghiệm Hay Vềtổ Chức Quản Lý Vùng Nuôi Tôm Chân Trắng Trên Cát Ở Xã Phong Hải
Trong khi nhiều bà con ở nhiều địa phương thường chạy theo lợi ích trước mắt mà nuôi tôm không theo quy hoạch, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã khiến cho dịch bệnh dễ lây lan, gây ô nhiễm môi trường thì tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã áp dụng phương pháp tổ chức quy hoạch và quản lý vùng nuôi tôm chân trắng trên cát có tính minh bạch, rõ ràng, đã tạo được niềm tin cho người dân, mang lại hiệu quả rõ rệt trong nhiều năm qua. Đây là mô hình điển hình trong công tác quy hoạch vùng nuôi tôm đáng để các địa phương tham khảo, học tập.
Tổ chức công khai quy hoạch
Ông Nguyễn Tiến Từ - Chủ tịch UBND xã Phong Hải chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý quy hoạch, sản xuất vùng nuôi tôm trên cát của địa phương tại Diễn đàn KN @ NN "Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn, bền vững ở vùng cát ven biển các tỉnh miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.
Xác định thực hiện theo quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu để có thể đưa đất vào sử dụng đạt hiệu quả cao nhất, thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm cũng được xã chú trọng xây dựng bài bản theo khoa học. UBND xã trực tiếp chỉ đạo các hộ gia đình chú trọng đầu tư hạ tầng trong khu nuôi thủy sản như: ao lắng, ao nuôi, ao xử lý thải, giao thông nội vùng... Trong đó, việc xây dựng ao xử lý thải thực hiện theo từng tiểu khu nuôi và theo nhóm hộ nuôi trồng thủy sản.
Hình thành các Tổ tự quản, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản
Song song với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thực hiện quản lý, quy hoạch vùng nuôi, xã cũng tập trung vào công tác tổ chức sản xuất. Hiện tại xã Phong Hải có 1 cán bộ chuyên trách cấp xã theo dõi về hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp, 2 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và 13 tổ tự quản nuôi tôm trên cát.
Với đặc thù điều kiện của xã là hoạt động nuôi tôm trên cát chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, cá nhân nên quy mô sản xuất nhỏ, năng lực đầu tư của người dân hạn chế, vì vậy để sản xuất đạt hiệu quả, UBND xã thường xuyên đôn đốc Hợp tác xã, Tổ tự quản tăng cường công tác kiểm soát việc chấp hành đăng ký kiểm dịch giống thả nuôi, chấp hành đúng khung lịch thời vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Việc thành lập Tổ tự quản và Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở Phong Hải là chủ trương đúng đắn, giúp giải được “bài toán khó” trong việc vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất. Hiệu quả thấy rõ từ khi Tổ tự quản và Hợp tác xã đi vào hoạt động là minh chứng cho điều đó.
Hợp tác xã đi vào hoạt động đã tích cực chủ động tư vấn cho người nuôi tôm trong việc lựa chọn giống thả nuôi, lựa chọn quy trình nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời, xây dựng các mô hình dịch vụ hỗ trợ sản xuất như tổ dịch vụ cải tạo ao nuôi, tổ phục vụ thu hoạch.
Đối với tổ tự quản, thường xuyên kiểm tra việc thu gom và xử lý rác thải khu vực nuôi, kịp thời phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương khi có tình hình tôm bệnh để báo cáo cơ quan chuyên ngành kịp thời xử lý.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, công tác phòng ngừa và xử lý dịch ở Phong Hải luôn được chú trọng. UBND xã thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên ngành như: Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh để kịp thời có biện pháp phòng ngừa và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên, xã thường xuyên có một lượng thuốc (Chlorine) dự phòng sẵn sàng để kịp thời hỗ trợ cho người dân trong việc xử lý các ao nuôi tôm bị bệnh. Đây là một trong những phương án nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh từ nguồn nước ao nuôi bị bệnh thải ra môi trường.
Nhờ làm tốt công tác tổ chức và quản lý sản xuất, trong những năm gần đây ở Phong Hải đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra và nâng cao năng suất các vụ nuôi tôm. Năng suất nuôi tôm trên cát hiện nay tại xã Phong Hải đạt từ 27-30 tấn/ha/vụ.
Sau gần 9 năm triển khai thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, đến nay diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản của toàn xã đạt 134,86 ha, gồm 7 tiểu khu nuôi, trong đó diện tích đã đưa vào nuôi là 55,17 ha (chiếm 41%).
Theo kế hoạch, đến năm 2015 sẽ đưa thêm 35,6 ha đất vào nuôi mới, từ 2015-2020 diện tích nuôi mới 44,09ha và đến năm 2020 tổng diện tích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản của xã đạt 100% diện tích quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ