Kinh Nghiệm Nuôi Ba Ba Của Anh Thuận Ở Bắc Giang
Nhờ năng động phát triển kinh tế, anh Nguyễn Đức Thuận ở thôn Tân Tiến, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) đã biến khu đồng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc thành trang trại nuôi ba ba có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Đức Thuận sinh năm 1974. Sau khi tốt nghiệp THPT, không có điều kiện học đại học như các bạn cùng trang lứa, anh đã đi nhiều nơi và làm các nghề thợ may, phu hồ đến buôn bán vải thiều, sấy nhãn... nhưng thu nhập thấp, không ổn định.
Bởi vậy, anh luôn trăn trở, suy tính tìm hướng làm giàu. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường và thấy ba ba là giống dễ nuôi, vốn đầu tư ban đầu thấp, hiệu quả kinh tế mang lại cao, năm 2004, anh mạnh dạn dồn đổi toàn bộ 3.200m2 ruộng của gia đình cho các hộ trong thôn lấy khu đồng trũng gần nhà để nuôi ba ba.
Bằng vốn gia đình tự tích luỹ, anh vay thêm bạn bè, ngân hàng đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy móc, nhân công cải tạo khu đồng trũng thành khu nuôi ba ba kiên cố với nhiều bể riêng biệt có bờ bao chắc chắn.
Anh đã thử nghiệm cho ba ba Hoa Sông Hồng lai với ba ba lai F1 Đài Loan để tạo ra giống ba ba lớn nhanh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và có khả năng chống chịu bệnh tốt. Sau ba năm nuôi hiệu quả, anh mạnh dạn cho lai hàng loạt để nhân giống và mở rộng quy mô nuôi .
Mấy năm gần đây, anh mở rộng quy mô nuôi ba ba lên 25 bể như: ba ba thương phẩm, sinh sản và ương ba ba giống ước tính hơn 4 vạn con/năm. Nói về kinh nghiệm nuôi ba ba, anh Thuận cho biết: "Nuôi ba ba không khó nhưng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ việc chọn giống đến nuôi và thu hoạch.
Để ba ba lớn nhanh, cần cho ba ba ăn cá tươi, tôm, giun đất xay nhỏ thả trên máng tre hoặc gỗ để quản lý lượng thức ăn dư thừa, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước làm ba ba bị dịch bệnh. Hễ thấy ba ba nổi trên mặt nước hoặc bò lên bờ tức là nguồn nước đã bị ô nhiễm cần thay nước mới, khử trùng bằng vôi bột".
Ngoài ra, anh Thuận luôn chú trọng phòng bệnh cho ba ba vào thời gian giao mùa. Anh nghiền nhỏ cá mè trộn với thức ăn công nghiệp và thuốc kháng sinh, mỗi tháng cho ba ba ăn ba ngày liên tục để phòng bệnh. Với cách làm như vậy, ba ba phát triển mạnh, chất lượng bảo đảm được khách hàng khắp các tỉnh về mua.
Với 7 nghìn đồng/con ba ba giống và 320-380 nghìn đồng/kg ba ba thương phẩm, ba năm gần đây, gia đình anh thu lãi 250-350 triệu đồng/năm. Từ nuôi ba ba, gia đình anh cũng giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thuận còn tận tình hướng dẫn các hộ trong vùng kinh nghiệm nuôi ba ba để cùng phát triển kinh tế. Anh đã tự biên soạn và in thành 500 cuốn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba phát cho các hộ trong vùng. Nhờ đó đến nay, trong xã có nhiều hộ dân mạnh dạn nuôi ba ba có thu nhập cao.
Với uy tín và trách nhiệm, anh được bầu làm trưởng thôn. Ghi nhận thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển thuỷ sản, năm 2009, anh được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen. Dự kiến năm nay, gia đình anh thu nhập 500 triệu đồng từ nuôi ba ba.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ