Kinh nghiệm nuôi gà Đông Tảo sinh sản trong nhà lạnh
Bằng thụ tinh nhân tạo, nhà nông có thể tạo ra số lượng lớn gà Đông Tảo có nhiều đặc điểm quý hiếm: chân to, mã đẹp, thể trọng lớn, giá thành hạ…
Anh Thắng nuôi gà Đông Tảo trong nhà lạnh
Anh Nguyễn Tiến Thắng ở thôn Ninh Vũ, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) là người tiên phong áp dụng thành công phối giống nhân tạo cho gà Đông Tảo và nuôi gà sinh sản trong nhà lạnh. Anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm:
1. Xây dựng chuồng trại
Tùy theo khả năng đầu tư của nhà nông, để quyết định quy mô xây dựng nhà lạnh nuôi gà sinh sản. Phù hợp nhất nên làm nhà lạnh nuôi 1.500 – 2.500 con. Nhà lạnh cần có tường bao kín cố định, mái lợp fibrô ximăng che mưa nắng, trần (nhựa) cách nhiệt, hệ thống làm mát, sưởi ấm, thắp sáng và quạt gió hút mùi thông khí (chuyên dụng). Có máy phát điện dự phòng. Nền chuồng được cứng hóa láng bóng, dễ dàng cho vệ sinh chuồng trại.
Để tận dụng không gian trại nuôi, cần thiết kế hệ thống lồng nuôi 2 tầng, rộng 1 -1,2m, dài bằng chiều dọc nhà. Mỗi tầng ngăn chia các ô lồng nuôi gà kích thước 40 x 40 x 40cm. Khoảng cách nền nhà tới đáy lồng tầng 1 tối thiểu 0,5m. Sàn lồng cần dốc ra ngoài 15 – 20 độ, để sau gà đẻ trứng lăn tự nhiên ra nơi quy định, tiện thu gom, tránh dập vỡ và dính phân. Máng ăn, nước uống cần thiết kế tiện dụng cho gà ăn, uống và người làm vệ sinh trong ngày. Lối đi lại chăm sóc giữa 2 dãy lồng 0,8 – 1m.
2. Chọn giống nuôi đẻ
Chọn con giống khỏe, không dịch bệnh. Con trống có trọng lượng 4,5 – 5kg. Mã lông dài mượt, màu tía đỏ, da đỏ, đầu to, mỏ đỏ tươi, mào sít, vai rộng, ngực nở, lườn trắm, đít thót, có yếm miệng, bàn chân tù và dày, ngón chân ngắn, ống chân ngắn, to (đường kính > 3,5cm). Dọc ống chân có các lớp vảy thịt xếp gối nhau thẳng hàng. Con mái có trọng lượng từ 3kg trở lên, màu lông nâu sáng, da đỏ, mào và yếm miệng teo nhỏ…
3. Thụ tinh nhân tạo
Gà Đông Tảo có đặc điểm thể trọng lớn, chân to và ngắn, để giao phối tự nhiên tỷ lệ trứng có phôi rất thấp, khó tạo được con giống mang các tính trạng mong muốn. Nhưng thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục hoàn toàn các hạn chế đã nêu.
Gà Đông Tảo nuôi 6 – 7 tháng có thể cho lấy tinh và thụ tinh. Phải có người chuyên lấy tinh. Người lấy tinh thường xuyên gần gũi vuốt ve, thân thiện với con gà và biết mát xa tạo hưng phấn cho gà trống. Trong ngày cần lấy tinh con trống từ 4 – 5 giờ chiều. Sau lấy tinh nên truyền ngay cho gà mái.
Lấy tinh gà trống: Ngoài người chuyên lấy tinh, cần thêm người 1 phụ việc. Người lấy tinh đặt con gà trống đầu hướng vào trong lòng mình, để cho gà thoải mái. Tay trái luồn bên dưới lườn gà. Ngón tay nắm cẳng trái. Tay phải vuốt từ lưng đến đuôi. Ngón tay trái xoa bóp dưới bụng. Sau 3 – 4 lần vuốt mạnh, chuyển tay phải từ lưng xuống huyệt đạo. Dùng ngón cái và ngón trỏ day bóp 2 bên huyệt. Đồng thời ngón trái bóp vào vùng bụng, gà xuất tinh và người phụ việc đưa chén vào hứng.
Thụ tinh cho gà mái: Người chuyên lấy tinh ôm gà mái nhẹ nhàng hướng đầu vào lòng mình. Làm các thao tác vuốt, giữ gà mái tương tự như làm với gà trống. Huyệt đạo gà sẽ chuyển động, miệng vòi trứng xuất hiện ở bên trái. Người phụ việc dùng ống pipet hút tinh từ trong chén, đưa sâu vào trong vòi trứng 1 – 2cm, bóp đầu pipet nhỏ 0,1cc tinh vào vòi. Nới lỏng tay giữ gà cho huyệt đạo trở lại bình thường. Chú ý, chén hứng tinh và pipét dẫn tinh phải đảm bảo vô trùng.
Gà mái định kỳ 3 – 5 ngày/ 1 lần thụ tinh nhắc lại. Những trứng đẻ từ ngày thứ 5 (kể từ ngày thụ tinh đầu tiên) mới đưa vào ấp nở. Trứng đẻ 4 ngày trước đó dùng làm thương phẩm.
Cơ cấu nuôi trống/mái trong đàn gà sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo là 1/12 – 15 (phối giống tự nhiên là 1/6 – 7).
Trong thụ tinh nhân tạo gà Đông Tảo, tỷ lệ trứng có phôi khi ấp nở đạt > 90% (phối giống tự nhiên 50 – 55%). Gà con ấp nở khỏe hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, khi trưởng thành chân to, mã đẹp, thể trọng lớn…
4. Nuôi gà trong giai đoạn đẻ trứng
Gà hậu bị nuôi đến báo đẻ (4 – 5 tháng) thì đưa vào lồng nuôi nhà lạnh. Gà trống nuôi riêng, mái riêng nhưng phải nhìn thấy nhau. Gà mái nuôi 3 – 4 con/1 lồng. Gà trống 1 – 2 con/1 lồng. Duy trì nhiệt độ trong nhà 23 – 25 độ C. Thời gian chiếu sáng trong ngày 12 – 16 giờ. Ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều). Dùng thức ăn công nghiệp chuyên cho gà đẻ, mua từ các nhà sản xuất có uy tín. Riêng gà trống định kỳ 1 tuần 3 lần cho ăn thêm giá đỗ, mầm thóc (tự chế) để tăng lượng tinh. Nhặt trứng ngay sau khi gà đẻ, phân loại, đánh dấu, xếp vào khay.
5. Ấp nở
Ấp trứng bằng máy. Tuân thủ chặt chẽ quy trình ấp nở trứng gà bằng máy của ngành chăn nuôi. Chú ý, cần đặt máy trong phòng cách xa nhà chăn nuôi. Vệ sinh vô trùng trong ngoài máy trước và sau mỗi lần ấp nở. Tiệt trùng trứng khi đưa vào máy ấp bằng formol. Không đưa vào vào ấp những quả trứng quá to, quá nhỏ, có hình dạng khác thường. Soi trứng để loại bỏ những ruột quả có dị tật (có cục máu, bọt khí nằm không đúng vị trí…). Những ngày nóng > 35 độ C cần mở phòng máy, phun nước làm mát phòng…
6. Vệ sinh phòng dịch
Rửa chuồng ngày 2 lần (sáng và tối). Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Định kỳ 10 – 15 ngày/lần tẩy trùng chuồng nuôi (tường, trần, nền, lồng, máng ăn, uống) bằng nước vôi trong. Rắc vôi bột 1 tháng/ lần xung quanh trại nuôi. Các chất thải chăn nuôi phải xử lý qua hầm biogas. Hạn chế người lạ ra vào gia trại. Vaccine phòng bệnh cho gà đúng lịch theo khuyến có của ngành thú y. Cho gà uống kháng sinh phòng bệnh khi thời tiết thay đổi. Nuôi cách ly kịp thời những con gà có dấu hiệu kém ăn, ủ rũ, đẻ ít…
Nhờ các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi này. Chỉ với 250 m2 gia trại nhà lạnh. Mỗi năm vợ chồng Nguyễn Tiến Thắng (ĐT: 0977.573.390) đã sản xuất được trên 1 vạn gà con bóc trứng chân to, trọng lượng lớn, nhưng giá bán bình dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ