Khoai tây Kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông

Kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông

Tác giả Ks. Trần Thị Liên, ngày đăng 15/11/2018

Kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông

Khoai tây vụ đông đã được nhiều địa phương chú trọng vì cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, lại có thị trường tiềm năng cho chế biến…

Thu hoạch khoai tây vụ đông 2015 tại Nam Sách, Hải Dương

Hiện đang là thời vụ trồng khoai tây đông ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Xin lưu ý một số khâu kĩ thuật cần tác động đến cây trồng này nhằm mang lại một kết quả cao như sau:

- Thời vụ: Khoai tây là cây trồng có nguồn gốc ôn đới (nhiệt độ thích hợp nhất 15-220C). Vì vậy trong vụ đông bố trí trồng từ 15/10 - 30/11 là thích hợp nhất thậm chí có thể kéo dài đến 15/12 DL. Trồng sớm quá, thời tiết vẫn còn mưa lớn xen kẽ nắng nóng sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của khoai, khoai không cho năng suất cao.

- Xử lý và cắt củ trước trồng: Chỉ nên cắt củ khi khối lượng củ trên 50g. Củ giống đem cắt phải hết thời gian ngủ nghỉ (đã phát mầm). Củ có độ trẻ về sinh lý (mầm củ nhú được 1 - 1,5cm, bề mặt củ còn nhẵn, không teo tóp). Tốt nhất là dùng củ giống từ nguồn nhập khẩu hoặc được bảo quản trong kho lạnh 40C. Khi cắt củ giống nông dân nên chọn dao có lưỡi mỏng, sắc, được hơ trên ngọn nến sau mỗi lần cắt củ. Cắt dọc củ theo chiều của mầm đỉnh với tiết diện miếng cắt là nhỏ nhất. Không nên cắt dời mà để dính củ 2 - 3mm rồi úp lại như lúc đầu chưa cắt cho củ sớm lành sẹo. Không nên xử lý giống sau khi cắt với bất kì hóa chất nào như nông dân vẫn làm (chấm xi măng, tro bếp…).

Để đảm bảo cho năng suất củ sau này mỗi miếng cắt phải có tối thiểu 2 mầm, mỗi củ chỉ nên cắt thành 2 miếng không nên cắt làm 3 - 4 miếng. Sau cắt 7 - 10 ngày, củ lành lại vết thương thì tách củ ra làm đôi để 1 - 2 ngày cho lành hẳn rồi đem trồng

- Chọn và làm đất, bón phân: Chân đất cát pha hoặc thịt nhẹ, có tầng canh tác dày, tưới tiêu thuận lợi, độ màu mỡ cao, được luân canh với lúa nước nên chọn để trồng khoai tây. Đất được xử lý bằng vôi tả hoặc chế phẩm calcium hypochlorite (1kg/sào). Cần cày sâu hết tầng canh tác đất để lên luống cao 30 - 35cm, mặt luống rộng 80 - 90cm (trồng hàng đôi cho thuận tiện).

Ngoài nguồn phân chuồng hoai mục người trồng có thể sử dụng phân đơn hoặc phân tổng hợp để lót và thúc cho khoai tây. Song thực tế cho thấy, sử dụng phân NPK khép kín cho hiệu quả cao hơn so với bón phân đơn (lãi so với đối chứng bón phân đơn là 223.000 đồng/sào). Cụ thể là:

+ Bón lót: 500kg phân chuồng mục + 25kg NPK 5:10:3.

+ Thúc lần 1 (sau trồng 15-20 ngày): 20kg NPK 12:5:10 kết hợp vun lần 1

+ Thúc lần 2 (sau lần 1 từ 15-20 ngày): 20kg NPK 12:5:10 kết hợp vun lần 2  

- Trồng và chăm sóc: Tốt nhất nên trồng khoai theo kiểu so le hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 30cm đảm bảo đạt 5 củ/m2 (1.800 củ/sào Bắc Bộ 360m2). Củ giống được đặt sao cho mặt cắt nghiêng 450C để củ không bị thối hỏng khi gặp mưa hoặc tưới nước. Cần phân loại củ to, nhỏ riêng ra để trồng sẽ dễ chăm sóc sau này. Phân lót được rải theo rạch đánh sẵn, lấp đất mỏng rồi mới đặt khoai.

* Lưu ý:

+ Nông dân không nên lấp đất quá mỏng sẽ làm cây ít thân, ít củ vì mầm khỏe bật lên sớm sẽ hạn chế mầm sau phát triển. Phủ dày 5-7cm đối với đất thịt pha cát và 10-12cm với đất cát sẽ giúp cây có nhiều tầng rễ khiến cây nhiều mầm và có nhiều củ sau này, củ cũng sẽ không bị xanh vai… Không đặt củ tiếp xúc với phân và ra mép ngoài luống.

+ Phải kết thúc bón phân cho khoai tây vào thời điểm sau trồng 35 - 40 ngày. Khi bón thúc phân hóa học cần kết hợp với vun xới và tưới nước giữ ẩm cho cây. Nên áp dụng phương pháp tưới rãnh là tốt nhất. Cho nước vào các rãnh ngập 1/3 luống đất (đất thịt nhẹ) và 1/2 luống đối với đất cát. Cần khử lẫn giống và loại bỏ các cây bị bệnh vi khuẩn héo xanh và cây bị virus đem tiêu hủy.

+ Để giảm thiểu tỷ lệ thối hỏng củ sau trồng cũng như hạn chế phân hóa học gây thối rễ sau bón thúc, vun xới người trồng cần lưu ý không nên tưới nước ngay cho khoai tây sau trồng hoặc sau vun xới. Nên tưới nước giữ ẩm cho khoai sau trồng hoặc sau vun xới 2-3 ngày vì lúc này cây đã ổn định bộ rễ.

- Phòng trừ sâu bệnh: Khoai tây vụ đông hay bị sâu xám, bọ trĩ, nhện hại đầu vụ, bệnh xoăn lùn, khảm lá, héo xanh và mốc sương giai đoạn giữa đến cuối vụ. Nông dân cần phòng trừ theo hướng tổng hợp, loại bỏ các cây bị bệnh nặng đem tiêu hủy, dùng thuốc hóa học phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng.

Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương


Một số lưu ý trồng khoai tây đông Một số lưu ý trồng khoai tây đông Giống khoai tây cho mùa mưa Giống khoai tây cho mùa mưa