Mô hình kinh tế Krông Nô, Các Cấp Hội Phụ Nữ Giúp Hội Viên Vươn Lên Trong Cuộc Sống

Krông Nô, Các Cấp Hội Phụ Nữ Giúp Hội Viên Vươn Lên Trong Cuộc Sống

Ngày đăng 24/09/2014

Krông Nô, Các Cấp Hội Phụ Nữ Giúp Hội Viên Vươn Lên Trong Cuộc Sống

Theo Hội LHPN huyện Krông Nô thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ huyện Krông Nô đã triển khai nhiều biện pháp, hình thức để giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.

Theo bà Võ Thị Hường, ở buôn K62, xã Đắk D’rô thì thời gian qua, bà đã tham gia tập huấn và đảm nhận việc xóa mù chữ cho 24 chị với đủ độ tuổi khác nhau, chủ yếu là dân tộc thiểu số, đến nay, hầu hết đều đã biết đọc, viết đơn giản và tính toán cộng trừ.

Hội phụ nữ xã các Nâm Nung và Tân Thành thì xây dựng được 2 mô hình trồng lúa nước cho 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Hội phụ nữ xã Đức Xuyên thì xây dựng mô hình phụ nữ người Kinh giúp phụ nữ đồng bào Mông phát triển kinh tế.

Bà Ngô Thị Hiếu, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đức Xuyên cho biết: “Mô hình này được thành lập từ năm 2013 với 10 hộ phụ nữ Kinh nhận giúp đỡ 2 hộ phụ nữ Mông bằng cách cho vay vốn không lấy lãi, cho mượn đất sản xuất, dụng cụ lao động. Mới đây, các hộ đã mua 4 con bò giao cho các hộ đồng bào Mông nuôi theo hình thức chia đôi số lượng bê con sinh ra”.

Các cơ sở hội còn vận động 65 chị có kinh tế khá hỗ trợ vốn không lấy lãi và nhiều loại cây, con giống có giá trị khác giúp cho 27 chị khó khăn…

Cùng với đó, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Qua đó, chị em đã biết áp dụng các kiến thức mới vào sản xuất để tăng hiệu quả. Như trường hợp chị Đinh Thị Lâm ở thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr, qua các lớp tập huấn do hội phối hợp tổ chức, chị đã biết đưa giống ngô mới vào trồng để tăng năng suất cũng như luân phiên thay đổi giống theo từng mùa vụ.

Chị Lâm cho biết: “Năm trước, tôi trồng giống ngô 6919, tuy trái to, đẹp, nhưng hạt lại nhỏ nên rất khó bán, năng suất lại không cao. Sau này, tôi được hướng dẫn trồng giống ngô K67 thì thấy năng suất cao hơn hẳn, không chỉ trái to, đẹp mà hạt lớn, nhất là dễ bán, giá cao hơn”.

Được biết, để công tác xóa đói giảm nghèo trong phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng đạt kết quả thì hàng năm, Huyện hội đều xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để giúp đỡ thoát nghèo.

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, toàn huyện đã vận động được 104 hộ đăng ký thoát nghèo (trong đó có có 27 hộ dân tộc, 15 hộ tôn giáo) và giao cho các cơ sở hội có kế hoạch giúp đỡ cụ thể đến từng đối tượng bằng các hình thức như vốn, cây con giống, ngày công... Vì vậy, đến nay đã giúp cho 42 hộ hội viên thoát được nghèo.


Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Mắc Ca Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Mắc… Xuất Khẩu Rau Quả Tăng Kim Ngạch Ở Thị Trường Lớn Xuất Khẩu Rau Quả Tăng Kim Ngạch Ở…