Mô hình kinh tế Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới

Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới

Ngày đăng 11/11/2015

Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra các nhóm giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đưa Kỳ Anh cơ bản trở thành huyện NTM.

Những kết quả bước đầu

Cũng như nhiều địa phương khác, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Kỳ Anh gặp không ít khó khăn.

Trong năm đầu triển khai, qua soát xét, phần lớn các xã, thị trấn chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.

Theo Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM huyện Kỳ Anh - Nguyễn Minh Diễn, trên cơ sở nhận thức được những khó khăn, cùng với bám sát thực hiện các văn bản, chủ trương của T.Ư, của tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện đã chú trọng huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp về tinh thần và vật chất của nhân dân.

Xác định vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân để tích cực, tự giác, đồng sức, đồng lòng tham gia.

Nhờ đó, trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn huyện đã thực hiện 60 công trình xây dựng (trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa...); bê tông hóa 466,36/1.483,6 km đường giao thông do xã quản lý; kiên cố hóa 231,45 km kênh mương nội đồng; nâng cấp, làm mới 10 trạm biến áp, 75 km đường dây điện...

Từ năm 2011 đến nay, đã thành lập mới 884 mô hình SXKD doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên; 157 doanh nghiệp, 66 HTX, 205 tổ hợp tác...

Cùng với 2 xã: Kỳ Tân, Kỳ Trung đã về đích, hiện nay, các xã: Kỳ Bắc, Kỳ Đồng và Kỳ Thư đang nỗ lực phấn đấu về đích trong năm 2015.

Hướng đi mới

Theo Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh - Nguyễn Văn Danh, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh có lợi thế về đất đai, tài nguyên, có nhiều vùng sinh thái đa dạng, phong phú, với vị trí chiến lược nằm giữa Khu kinh tế Vũng Áng và TP Hà Tĩnh, có QL 1A, QL 12 đi qua, sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của cả khu vực.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra các nhóm giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đưa Kỳ Anh cơ bản trở thành huyện NTM.

Mô hình nuôi thỏ ở Kỳ Lâm bước đầu phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hùng cho biết, từ thực tiễn triển khai chương trình xây dựng NTM thời gian qua và quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thời gian tới, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững, coi đây là khâu đột phá, quyết định sự thành công của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Theo đó, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; rà soát, tận dụng tối đa quỹ đất nông nghiệp;

Phát huy tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo hướng liên kết bền vững theo chuỗi giá trị hoặc liên kết một số khâu trong sản xuất, trong đó, ưu tiên liên kết phát triển một số sản phẩm chủ lực.

Bên cạnh đó, địa phương chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giống; triển khai có hiệu quả dự án bưởi BATO, cam Cam Phong; hình thành các vùng sản xuất cam quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, tiến tới xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện khai thác tối đa các bãi bồi ven sông để trồng rau màu, ớt, lạc, đậu, ngô và các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao;

Tập trung phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tiếp tục phát triển chăn nuôi quy mô lớn, vừa, trang trại theo quy hoạch; phát triển quy mô nhỏ, gia trại, đảm bảo môi trường.

Chuyển đổi mạnh mẽ diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cỏ phục vụ nuôi bò; liên kết với các doanh nghiệp như Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai..., hình thành các vùng nguyên liệu để cung ứng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.


Nông dân Bà Rịa Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm tại Hà Tĩnh Nông dân Bà Rịa Vũng Tàu học hỏi… Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia súc gia cầm Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia…