Mô hình kinh tế Ký Gửi Cà Phê Tại Ngân Hàng Giải Pháp Hạn Chế Rủi Ro

Ký Gửi Cà Phê Tại Ngân Hàng Giải Pháp Hạn Chế Rủi Ro

Ngày đăng 27/03/2014

Ký Gửi Cà Phê Tại Ngân Hàng Giải Pháp Hạn Chế Rủi Ro

Với nhiều ưu điểm, cả doanh nghiệp thu mua và người trồng cà phê kỳ vọng, mô hình này có thể là giải pháp để hạn chế những vụ vỡ nợ dây chuyền thời gian qua.

Gần đây, nhiều nông dân tại Đăk Lăk đang bàn tán về việc một ngân hàng trực tiếp đứng ra nhận ký gửi cà phê. Đây là lần đầu tiên có ngân hàng thực hiện nghiệp vụ này. Với nhiều ưu điểm, cả doanh nghiệp thu mua và người trồng cà phê kỳ vọng, mô hình này có thể là giải pháp để hạn chế những vụ vỡ nợ dây chuyền của các đại lý ký gửi đã từng xảy ra từ nhiều năm qua.

Ông Hoàng Trọng Đạt vẫn còn nhớ như in cái ngày cách đây hơn 1 năm, ông và nhiều người dân ở Đăk Lăk đã mất trắng hàng trăm tấn cà phê khi các đại lý ký gửi tuyên bố vỡ nợ. Vụ năm nay, gia đình ông thu hoạch được hơn 7 tấn cà phê. Nghe tin có ngân hàng mở kho nhận ký gửi, ông đã đến để tìm hiểu.

“Trước đây ký gửi cho các đại lý rất rủi ro, chẳng biết họ bán lúc nào. Thực tế thì nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra. Ký gửi cho ngân hàng có thể sẽ yên tâm hơn”, ông Hoàng Trọng Đạt, nông dân trồng cà phê ở Đăk Lăk chia sẻ.

Mô hình ký gửi cà phê do ngân hàng thực hiện theo quy trình như sau: Người nông dân, hay doanh nghiệp thu mua cà phê mang cà phê đến ký gửi tại kho của ngân hàng, 3 tháng đầu ngân hàng sẽ không thu phí ký gửi. Sau khi kiểm định chất lượng, họ có thể vay vốn tối đa 70-80% giá trị cà phê ký gửi. Việc mua hay bán ở vào thời điểm nào là do người gửi quyết định, ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ môi giới.

Ông Phan Ngọc Diễn, Giám đốc Ngân hàng HDBank Chi nhánh Đăk Lăk cho biết: “Trước đây, sở dĩ các đại lý ký gửi cà phê vỡ nợ là do các đại lý nhận ký gửi nhưng tự ý bán, đến khi giá cà phê cao hơn, người nông dân đến đòi cà phê thì đã không còn trong kho, dẫn tới đại lý thu mua vỡ nợ. Còn chúng tôi không kinh doanh, mà chỉ là khâu trung gian, lưu kho và môi giới”.

Đứng trên góc độ chuyên môn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mô hình này hoàn toàn khả thi, không chỉ hạn chế rủi ro mà còn giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng.

“Mô hình này hoàn toàn có thể làm được, nó có lợi cho cả ngân hàng và người nông dân, doanh nghiệp. Ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng, họ “cầm đằng chuôi” nên không bị rủi ro”, TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia Kinh tế nói.

Thực tế, việc ngân hàng xây kho ký gửi hàng hóa không phải là mới, thậm chí còn là nghiệp vụ cơ bản. Nhưng từ trước tới nay, các ngân hàng có nhiều cách để tăng trưởng tín dụng nên không mấy mặn mà. Giai đoạn đó đã qua, nay trước áp lực tăng trưởng tín dụng và sự cạnh tranh trong khối ngân hàng thì việc mở rộng nghiệp vụ để nhắm tới thị trường nông sản là điều cần thiết.


Năm 2014 Thị Xã Bình Minh (Vĩnh Long) Sản Xuất Gần 1.000 Ha Lúa Theo Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Năm 2014 Thị Xã Bình Minh (Vĩnh Long)… Thành Phố Hồ Chí Minh Bắt Đầu Thu Mua Tạm Trữ Sản Phẩm Gia Cầm Thành Phố Hồ Chí Minh Bắt Đầu Thu…