Tin nông nghiệp Kỹ sư chân đất chế máy làm kiềng hứng mủ cao su

Kỹ sư chân đất chế máy làm kiềng hứng mủ cao su

Tác giả Giang Phương, ngày đăng 07/12/2017

Kỹ sư chân đất chế máy làm kiềng hứng mủ cao su

Anh Bình điều chỉnh lại dàn máy làm kiềng "2 trong 1" do mình chế tạo ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Đến nay, đã có 9 chiếc máy làm kiềng đỡ chén hứng mủ cao su độc đáo của anh Nguyễn Thanh Bình (32 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh) chế tạo được xuất bán đi các tỉnh lân cận và sang Campuchia.

Tay ngang chế máy làm kiềng "2 trong 1"

Chứng kiến tận mắt dàn máy làm kiềng đỡ chén hứng mủ cao su "2 trong 1" do anh Bình chế tạo, ít ai dám nghĩ rằng anh là dân tay ngang. Anh Bình kể, anh sống bằng nghề trồng, chăm sóc cây mãng cầu. Một lần đi làm vườn thuê, anh thấy một người dân loay hoay sửa lại máy chặt kẽm, một công đoạn để làm kiềng đỡ chén hứng mủ cao su.

Tò mò, anh đứng lại quan sát và giúp chỉ ra được lỗi ở khâu dao chặt kẽm và người này sau đó đã sửa được. Khi được hỏi vì sao không đặt làm chiếc máy vừa chặt kẽm, vừa làm kiềng cho đỡ tốn công, người dân này thở dài nói đã đặt ở TP.HCM từ 2 năm trước nhưng vẫn không có máy nào như vậy. Nghe đến đây, anh Bình nghĩ ngay đến việc sẽ tự nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy "2 trong 1" này.

Nhiều tháng sau đó, ban ngày đi làm vườn, tối đến anh Bình lại mở điện thoại lên mạng internet tìm hiểu về nguyên lý hoạt động các loại máy móc. Anh liên tưởng đến những công đoạn làm thủ công trong khâu làm kiềng rồi phác thảo ra trong đầu. Sau đó, anh Bình mua sắt hình chữ V rồi nhờ thợ hàn về tận nhà hàn lại thành khung theo ý mình. Song song đó, anh tìm mua các thiết bị khác gồm trục, bạc đạn, bánh răng, dao chặt... Thiết bị nào không biết gọi tên thì anh tả hình dáng để các tiệm cơ khí bán. Chiếc máy hoàn thiện sau 11 tháng tự mày mò, nghiên cứu khiến anh Bình sụt 11 kg vì thiếu ngủ.

Chiếc máy sử dụng mô tơ 2 mã lực và hộp giảm tốc để điều chỉnh tốc độ quay. Từ hộp giảm tốc sẽ truyền lực kéo lên các trục xoay của máy. Kẽm từ ngoài vào qua bộ phận xoay để nắn thẳng dây kẽm rồi đến hai trục kéo kẽm. Từ đây kẽm được đưa đến dao chặt, rồi chuyển xuống bộ phận quấn kiềng. Đến đây, hai đầu kẽm được hai cần gạt uốn thành 2 chân kiềng nhỏ. Sau đó hai tay quay sẽ quay để quấn lỗ cột dây. Tiếp theo bộ phận cần đập sẽ dập xuống một lực tạo ra chiếc kiềng hoàn chỉnh. Một cần gạt nhỏ trong máy có tác dụng đẩy kiềng thành phẩm ra ngoài. Và dòng kẽm mới sẽ được đẩy vào để làm kiềng tiếp theo.

Anh Bình chia sẻ: "Kiềng để chén mủ là khâu khá quan trọng vì kiềng giúp giữ cố định chén chứa mủ. Nếu kiềng không tốt chén chứa mủ sẽ nghiêng dẫn đến mủ bị đổ, thất thu cho người trồng. Trong khi đó, làm thủ công năng suất thấp, sản phẩm ít dẫn đến không đủ cung cấp cho thị trường"

Cái khó ló cái khôn

Anh Bình tâm sự, nhờ những trục trặc khi làm máy nên anh mới hiểu và cải tiến được thành sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc đầu dao chặt không phù hợp nên kẽm đưa vào không chặt được. Đến khi sửa lại dao chặt được thì bộ phận quấn chân kiềng không đều nhau. Khi đã quấn chân được thì kiềng không tự rút chân được. Đến khi rút được thì đến bộ phận dập bị kẹt kẽm...

Hiện chiếc máy "2 trong 1" chỉ với một nhân công điều khiển có thể làm được 1.140 cái kiềng/ giờ. Trong khi nếu làm thủ công, công nhân phải trải qua công đoạn sử dụng máy chặt kẽm, sau đó đến các công đoạn uốn bằng tay, người giỏi cũng chỉ làm được 400 cái/giờ. Mặt khác, chiếc máy của anh Bình sử dụng mô tơ 2 mã lực bằng công suất của mô tơ máy chặt kẽm nhưng lại làm thêm được cả công đoạn làm kiềng nên tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất.

Do nhiều người tìm đến hỏi mua chiếc máy nên sau khi cân nhắc các chi phí, anh Bình quyết định bán dàn máy với giá 75 triệu đồng. Đồng thời, để giảm chi phí, anh Bình đã tự mày mò học làm các công đoạn hàn, tiện để chủ động. Hiện nay anh Bình có thể hoàn thiện một chiếc máy thành phẩm chỉ trong vòng 20 ngày.


Kỹ thuật trồng cây bơ và cách nhân giống đơn giản nhất Kỹ thuật trồng cây bơ và cách nhân… Tiệm cận nông nghiệp 4.0 Tiệm cận nông nghiệp 4.0