Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 5

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 5

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 26/01/2018

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 5

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

1/ Phương pháp sạ thẳng

1.1 Sạ ướt (sạ gát)

• Chuẩn bị đất 

- Vụ hè thu: Đất phải được cài ải để diệt cỏ, diệt mầm sâu bệnh và ngăn sự bốc phèn, bốc mặn lên tầng đất mặt. Khi mùa mưa đến, để cho nước mưa rửa bớt phèn mặn lôi đi. Đến khi mưa nhiều, nước mưa đọng lại làm mềm đất người ta tiến hành bừa trục cho tơi nhuyễn ra, dọn sạch cỏ, đánh rãnh thoát nước, nhất là ở chổ trũng, chia miếng ruộng thành từng luống để đảm bảo rút cạn nước trong ruộng. Bề mặt các luống phải được san bằng, không để nước đọng vũng, sẽ làm chết mầm, lúa lên không đều. 

- Vụ thu đông và đông xuân: Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu cần cày vùi rơm rạ, cỏ dại rồi trục một lần cho đất nhuyễn ra, xong ngâm nước ít nhất 2 tuần lễ cho rơm rạ, xác cỏ dại phân hũy ra không làm hại rễ lúa non sau này. Đến khi sạ, người ta trục lại cho đất thật nhuyễn có một lớp bùn mềm dầy ở trên mặt. Rút nước ra cạn, đánh rãnh, san bằng mặt luống và sạ. Ở nơi nào phải sạ liền không có thời gian ngâm đất thì phải dọn hết rơm rạ và cỏ dại đem ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Vì rơm rạ, cỏ dại tươi bị phân giải trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra chất độc (acid hữu cơ với nồng độ cao) làm hại rễ lúa (hiện tượng ngộ độc hữu cơ). 

• Chuẩn bị hạt giống 

Cần chọn giống lúa thích nghi tốt với điều kiện địa phương cho năng suất cao, ổn định, kháng một số đối tượng sâu bệnh chính trong vùng và có phẩm chất gạo tốt đạt yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hạt giống cần phải phơi khô, đãi sạch hạt lép lửng, hạt cỏ, ngâm trong nước sạch 24 giờ, ủ 36-48 giờ. Trong quá trình ngâm, cần thay nước ít nhất 1 lần để loại nước chua. Để giúp hạt mau nẩy mầm và nẩy mầm đều, khi ủ cần đảo trộn để nhiệt độ đống ủ được phân phối đều, sao cho nhiệt độ đống ủ được giữ ở khoảng 27-37oC; tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đống ủ. Nếu nhiệt độ không khí thấp, cần pha nước ấm để tưới hoặc phơi nắng cho hạt hấp thụ nhiệt, tăng nhiệt độ và giúp cho đống ủ giữ nhiệt tốt. Nếu nhiệt độ đống ủ quá cao, cần trải mỏng hạt giống ra và đảo trộn để làm giảm nhiệt độ đống ủ. Có thể trộn hạt giống với một loại thuốc trừ sâu để bảo vệ hạt. 

• Sạ 

Lượng hạt giống cần cho mỗi hecta tùy loại đất, giống lúa, tỉ lệ nẩy mầm của hạt và mùa vụ gieo trồng, trung bình từ 100-150 kg/ha. Để cho mầm ra dài hay ngắn tùy tình trạng đất chuẩn bị tốt hay xấu, miễn bảo đảm khi sạ xuống 2/3 hạt lúa lún trong đất là tốt nhất. Mầm ngắn, đất mềm nhão, hột lún quá sâu mầm lúa không ngoi lên được; ngược lại, mầm dài đất cứng hạt nằm khơi ở trên mặt không bám được vào đất, nắng sẽ làm quéo mầm. Có thể sạ vãi bằng tay hoặc sạ hàng bằng công cụ sạ hàng (Hình 6.5).

Hình 6.5. Sạ vãi và sạ hàng rất phổ biến ở ĐBSCL hiện nay

• Bón phân 

Đối với lúa sạ ướt có thể bón phân như sau: 

- Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/2 lượng phân Kali, trộn phân vào đất. 

- Bón thúc lần 1: (7-10 ngày sau khi sạ) bón 1/5 lượng phân đạm giúp cây lúa non sớm phát triển, có chồi sớm và khỏe, mau đạt được chồi tối đa và lấn át cỏ dại. 

- Bón thúc lần 2: (20-25 ngày sau sạ tức 10-15 ngày sau khi bón thúc lần 1) 2/5 lượng phân đạm cung cấp cho lúa nở bụi tích cực. Lúc này cây lúa đã lớn, đẻ nhánh tích cực nên có nhu cầu cao hơn. 

- Bón nuôi đòng: (18-20 ngày trước khi trổ) lúa đòng đòng dài khoảng 1-2 cm trong bẹ lá: 1/5 lượng đạm và 1/2 lượng Kali để giảm số hạt thối hoá, tăng số hạt trên bông.  

- Bón nuôi hạt: (Khi lúa trổ đều) 1/5 lượng đạm để tăng tỉ lệ hạt chắc và trọng lượng hạt. 

Nếu có sử dụng phân DAP (Diammonium Photphate) thì nên bón vào lần bón thúc thứ nhất và hai, bảo đảm đủ lượng phân lân cần thiết và tính toán bổ sung N bằng phân Urea để thoả mãn các yêu cầu trên. Tổng lượng phân các loại cần thiết cho một vụ lúa cao sản ngắn ngày (100-120 ngày) tùy thuộc vào giống lúa, độ phì của đất, mùa vụ trồng và mức độ thâm canh. Nói chung, trên hầu hết các loại đất phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long, công thức phân 90-40-30 (kgN, P2O5, K2O/ha) có thể xem như mức khuyến cáo tổng quát cho đa số các giống lúa ngắn ngày. Tùy điều kiện cụ thể từng nơi, từng vụ, từng giống mà gia giảm số lượng và loại phân cho phù hợp.

Hình 6.6. Các thời kỳ bón phân và điều chỉnh mực nước ruộng cho lúa sạ ướt, với giống có thời gian sinh trưởng 100 ngày 

Trong thực hành, có thể bón phân theo quy trình canh tác ở hình 6.6 với công thức gồm DAP (100kg/ha), Urea (150kg/ha) và KCl (50kg/ha) (phần trên hình) hoặc theo hướng dẫn cơ bản (phần dưới hình).

• Chăm sóc 

- Giữ nước: 3 – 4 ngày sau khi sạ, cho nước vào từ từ theo chiều cao cây lúa, không để mặt đất bị khô và giữ cố định 5-10 cm đến khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch. Cho nước vào trễ đất sẽ bị khô, dẽ cứng lại rễ khó phát triển và cỏ dại sẽ mọc nhiều. 

- Làm cỏ: 20-25 ngày sau khi sạ có thể xịt thuốc diệt cỏ và làm cỏ bằng tay khi cần thiết để bảo đảm lúa phát triển thuận lợi. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ tiền và hậu nẩy mầm rất hiệu quả sẳn có trên thị trường. Thuốc cỏ tiền nẩy mầm dùng xử lý cỏ trước khi hạt cỏ nẩy mầm, còn hậu nẩy mầm thì xử lý sau khi cỏ đã mọc còn non. Liều lượng, thời gian và phương pháp xử lý tuân theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất thì mới đạt hiệu quả tốt. 

- Phòng trừ sâu bệnh: Lúa sạ có mật độ cây/đơn vị diện tích dầy hơn lúa cấy nên sâu bệnh dễ phát triển làm hại lúa. Do đó, cần thăm ruộng thường xuyên để phát hiện kịp thời và phòng trừ đúng mức. Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pest Management – IPM) cần được đặc biệt chú ý trong công tác bảo vệ lúa. 


Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 6 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 6 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 4 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 4