Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 9

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 9

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 29/01/2018

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 9

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

1/ Phương pháp sạ thẳng

1.5 Sạ gởi 

• Chuẩn bị đất 

Đất được chuẩn bị tùy kiểu sạ ướt hay sạ khô.  

• Chuẩn bị hạt giống 

Cách chuẩn bị hạt giống như sạ uớt hoặc như sạ khô. Điều quan trọng là nên chọn giống lúa thích hợp để giảm sự cạnh tranh lẫn nhau khi sạ chung trên cùng một diện tích, trong cùng một thời gian. Yêu cầu chung đối với giống lúa ngắn ngày, ngoài các đặc tính mong muốn thông thường như ở các phương pháp sạ khác, phải nở bụi mạnh và sớm để bảo đảm ổn định số bông trên đơn vị diện tích càng sớm càng tốt. Giống lúa mùa phải có đặc tính tăng trưởng chậm trong thời gian đầu (ít nhất là 2 tháng), có bộ lá gọn thân thẳng đứng để ít ảnh hưởng che rợp và lấn áp trên lúa ngắn ngày; đồng thời phải có đặc tính phát triển nhanh, ra chồi mạnh trong thời gian 1 – 1,5 tháng sau khi vừa thu hoạch lúa ngắn ngày để có thể bảo đảm đủ số bông trên đơn vị diện tích sau nầy.  

Hạt giống lúa ngắn ngày và lúa mùa, sau khi chuẩn bị kỹ theo yêu cầu từng phương pháp sạ, được trộn đều theo tỉ lệ 4:1 hoặc 5:1 (tức là 200 kg giống lúa ngắn ngày với 4-5 kg giống lúa mùa cho mỗi ha). Tỉ lệ nầy có thể gia giảm tùy điều kiện đất đai, đặc tính của hai giống lúa. Ở xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) năm 1989, hơn 20 ha lúa sạ gởi đã sử dụng các giống lúa ngắn ngày như IR9729, IR19660, MTL30… với các giống lúa mùa lỡ thu hoạch vào tháng 12 dl như Ba Thiệt, Móng Chim, Hai Hoành, Đỏ Mồ Côi, Một Bụi… Lượng giống sạ phổ biến là 200 – 250 kg giống ngắn ngày và 3-4 kg giống lúa mùa. 

• Sạ: Cách thức sạ như đối với các phương pháp sạ ướt hoặc sạ khô. 

• Bón phân 

- Vụ lúa ngắn ngày được bón phân như đối với sạ ướt hoặc sạ khô về cả lượng phân và thời kỳ bón. 

- Vụ lúa mùa: Khi thu hoạch lúa ngắn ngày, cây lúa mùa vẫn còn ở giai đoạn tăng trưởng, nên khi cắt lúa, chỉ phần bẹ lá và phiến lá của cây lúa mùa được cắt đi. Cây lúa mùa có bộ rễ đã phát triển mạnh trong thời gian đầu, sau khi bị cắt lá lúc thu hoạch lúa ngắn ngày, nó sẽ ra lá mới và vươn lên mạnh mẽ chịu đựng điều kiện ngập lũ tốt hơn, không bị chết nước như trường hợp lúa mới sạ hoặc cấy lấp vụ. 

Hình 6.10. Các thời kỳ bón phân và điều chỉnh mực nước ruộng cho lúa sạ gởi, giữa giống lúa có thời gian sinh trưởng 100 ngày và giống lúa mùa địa phương  Ngay sau khi thu hoạch lúa ngắn ngày, tiếp tục giữ nước trong ruộng vừa phải, bón thúc 50 kg Urea/ha để kích thích lá non vươn lên nhanh chóng và các mầm chồi ngủ phát triển sớm. Sau đó 15 ngày bón tiếp 50-70 kg Urea và 50 kg KCl cho lúa nở bụi mạnh và cứng cáp chống đổ ngã. Đối với lúa mùa, thời điểm cây lúa phân hóa đòng trùng với thời điểm mực nước ruộng cao và thân cây lúa cũng cao, nên việc bón phân nuôi đòng thường không thực tế. Tuy nhiên, ở nơi nào đất cao, mực nước lũ không sâu lắm (dưới 30 cm), thì việc bón phân nuôi đòng và nuôi hạt rất có tác dụng tăng năng suất. Có thể phun dung dịch phân loãng lên lá nếu mực nước ruộng cao và việc rải phân khó khăn. 

• Chăm sóc 

Giữ nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh cho lúa ngắn ngày cũng giống như đối với các phương pháp sạ khác. Riêng đối với lúa mùa, khi thu hoạch lúa ngắn ngày cần chú ý: 

- Không nên cắt quá thấp: cắt cách mặt đất 30 cm là vừa. 

- Nên hạn chế giẫm đạp gây thiệt hại cho thân và gốc lúa mùa. 

- Nên chú ý làm cỏ trong vòng 20 ngày sau khi thu hoạch lúa ngắn ngày. Sau đó lúa đã cao hơn, nước nhiều cỏ dại thường không phát triển được, việc làm cỏ không còn cần thiết nữa. 

- Tránh để rơm rạ, xác bả cỏ dại trong ruộng, vì chúng sẽ nổi trên mặt nước và có thể đè chết lúa.


Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 10 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 10 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 8 Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 8