Táo Kỹ thuật chăm sóc cây táo

Kỹ thuật chăm sóc cây táo

Author KS. Dương Văn Vinh, publish date Wednesday. May 22nd, 2019

Kỹ thuật chăm sóc cây táo

1. Kỹ thuật  đốn táo, cắt tỉa, tạo hình

Công tác đốn cành tạo tán sau thu hoạch sẽ giúp cho cây trẻ lại, vụ sau ra hoa kết quả tốt hơn, cây cho năng suất cao và chất lượng tốt. Cách đốn táo như sau: Táo 1 tuổi cắt cành ghép chính 20 – 25 cm kết hợp với tạo tán; táo 2 tuổi đốn thấp 40cm để lại 3 cành chính thế chân kiềng; táo 3 tuổi trở lên đốn đuổi cách vết đốn năm trước 15 – 20 cm.

Ngoài ra, để cây táo tăng năng suất cần khoanh vỏ; lưu ý phải chọn thời điểm hoa táo ra rộ, chọn cành cho hoa ít hoặc không ra hoa thì ta tiến hành khoanh vỏ. Khoanh lớp vỏ rộng khoảng 2 cm quanh thân cây táo, mục đích để cắt đường vận chuyển nhựa luyện từ trên lá xuống phần gốc, lúc này chất dinh dưỡng dồn cả vào các cành mang hoa, cây sẽ nhiều quả hơn, quả táo sẽ to hơn. Chú ý, cành táo giòn, dễ gãy, trên cành nhiều quả, quả to nên chống cành, nhất là mùa mưa bão.

2. Bón phân 

Cây 1 năm tuổi: Bón cho mỗi cây 10 - 20 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 1,5 kg NPK loại 16-16-8+TE. 

Cây 2 năm tuổi trở lên: Bón cho mỗi cây 10 - 20 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 2,5 kg NPK loại 6-16-8+TE. 

Cách bón: 

Phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh bón 1 lần; 

NPK chia làm 3 lần, mỗi lần bón 1/3 lượng phân vào các thời điểm sau: Lần 1 ngay sau khi đốn táo; lần 2 trước khi cây ra hoa rộ; lần 3 sau khi cây đậu quả xong. Khi bón nên đào rãnh hoặc đào hốc xung quanh tán cây bón phân và lấp đất lại.

3. Chăm sóc

Tưới nước: Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. 

Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ mùa xuân tháng 1 - 2 và mùa thu tháng 8 - 9, xới sạch toàn bộ diện tích.

Cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành dưới tán, sau đó quét vôi. Có thể đốn tái sinh để rải vụ thu họach, nhưng cần tránh đốn vào mùa mưa.

Nên trồng xen một số lọai cây rau màu, đậu (đỗ) khi đốn tái sinh cây táo để tăng thu nhập và hạn chế bớt cỏ dại.

4. Phòng trừ sâu bệnh cho cây táo

Ruồi đục trái: Ruồi trưởng thành có màu nâu nhạt, đẻ trứng vào vỏ trái táo, trứng nở thành sâu (dòi) đục vào bên trong thịt quả, sau đó làm nhộng trong đất. Sâu tấn công và gây hại từ lúc quả nhỏ (quả bằng ngón tay cái) và gây thiệt hại nặng nhất vào lúc quả sắp thu hoạch. Khi bị sâu hại, quả thường bị thối rất nhanh. 

- Biện pháp phòng trị: Sau khi thu hoạch quả nên cắt tỉa những cành bị sâu bệnh, những cành già không cho trái nằm khuất trong tán cây cho vườn luôn thông  thoáng. Thu gom và tiêu hủy quả bị nhiễm bằng cách ngâm trong nước hoặc chôn sâu dưới đất để diệt nhộng. Có thể dùng thuốc hóa học, bẫy mồi để diệt ruồi. 

Rệp sáp: Gây hại bằng cách chích hút trên các đọt non, cuống hoa, làm cho đầu cành bị quăn queo, không phát triển, hoa và trái bị rụng. Sử dụng thuốc Suprathion 40EC, Bi 58, Actata 25WG, Applaud 10WP, …để phun trừ rệp.

Sâu đục trái: Sử dụng thuốc Regent 800WG, …. khi trái còn non.

Bệnh thối trái: (do nhiều loại nấm gây ra): Cần thu gom và tiêu hủy trái bị bệnh; sử dụng thuốc để phun như: Carbenvil 50SC, Benomyl, Ridomil Gold 68WG, Aliette 800WG,….

Bệnh phấn trắng: Phòng trừ bằng cắt bỏ tiêu huỷ bộ phận bị bệnh; phun các thuốc gốc đồng, lưu huỳnh, Anvil 5SC, Metaxyl, Rovral 50WP, Rovral750WG,. Topsin M 70WP.

Bệnh sương mai: Khi bệnh gây hại trên quả, cuống làm quả táo chuyển màu vàng, đỏ và rụng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Cần phun phòng trừ bệnh sương mai sớm ngay từ khi cây ra hoa bằng các loại thuốc như: Daconin, Rhidomin,…


Trùm lưới màng cho vườn táo Trùm lưới màng cho vườn táo Kỹ thuật trồng thâm canh cho cây táo Kỹ thuật trồng thâm canh cho cây táo