Kỹ Thuật Chăm Sóc Và Phòng Trừ Sâu Bệnh Ở Lúa Xuân
Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho việc cấy lúa xuân. Nhiệt độ bình quân trong ngày kể từ đầu tháng 2 đến nay đều đạt trên 15oC, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa xuân bén rễ hồi xanh. Đến 23-2 diện tích cấy lúa xuân cơ bản hoàn thành.
Diện tích đã cấy 72.768ha, đạt 94%; có nhiều huyện trong tỉnh hoàn thành cấy xuân trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Chăm sóc đúng kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời là tiền đề để đảm bảo cho lúa xuân đạt năng suất cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa xuân.
Dặm tỉa: Những chỗ mất khóm để đảm bảo mật độ. Những ruộng chưa bón đủ phân lót thì khẩn trương bón ngay, giữ mực nước thường xuyên để lúa chóng bén rễ.
Bón phân thúc đẻ, làm cỏ sục bùn: Khi lúa có lá mới xuất hiện (khoảng sau cấy 10-12 ngày), nhiệt độ bình quân trong ngày trên 15oC thì tiến hành bón thúc để lúa đẻ nhánh sớm (lượng bón theo quy trình cụ thể của từng loại phân bón) bón xong làm cỏ sục bùn ngay nhằm phá vỡ tầng ôxy hóa trên mặt bùn, để phân bón được trộn đều sâu trong đất, tránh mất phân. Mặt khác làm cỏ sục bùn còn có tác dụng làm tăng lượng ôxy trong đất, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi.
Điều tiết nước: Sau khi bón phân thúc đẻ từ 3-5 ngày, nếu nhiệt độ bình quân/ngày > 15oC thì tiến hành tháo nước hoặc để tự cạn, sau đó tưới tháo nước xen kẽ giữ đủ ẩm để lúa đẻ nhánh được thuận lợi. Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản (khoảng 300 - 350 dảnh/m2) sau cấy khoảng 30 - 35 ngày thì tiến hành tháo nước lộ ruộng.
Yâu cầu của lộ ruộng: Mặt ruộng khô, cứng có thể đi giầy được trên mặt ruộng và các chỉ tiêu cần đạt được là: Lá thẳng, màu lá từ xanh sẫm chuyển sang xanh nhạt, rễ trắng ăn lên trên mặt ruộng.
Khi lúa có đòng non đưa nước trở lại và bón phân đón đòng, lượng bón theo quy trình của từng loại phân, giữ nước cho đến khi lúa đỏ đuôi thì tháo cạn để khi thu hoạch được thuận lợi.
Lưu ý: trước khi lúa trỗ 1- 20 ngày nếu thấy lúa xấu có thể bổ sung phân bón qua lá: Komix, phân bón qua lá đầu trâu 702... tạo cho lúa trỗ bông phơi màu được thuận lợi, hạt chắc, mẩy, cho năng suất cao.
Phòng trừ sâu bệnh: Các biện pháp kỹ thuật đã nêu ở trên về cơ bản đã tạo điều kiện giúp cây lúa khỏe chống chịu sâu bệnh tốt, tuy nhiên tùy điều kiện cụ thể ở từng nơi, từng lúc, cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh chính sau:
*Bệnh nghẹt rễ: Sau khi bón thúc khoảng 5-7 ngày, cần kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy lúa đẻ nhánh kém, ở những phần ruộng trũng, ruộng mất nước... Nhổ khóm lúa lên thấy rễ thâm đen bó lại, có mùi tanh là biểu hiện của bệnh lúa nghẹt rễ.
Khắc phục bằng cách bón lân Supe và tro bếp hoặc vôi bột từ 15- 20kg/sào, kết hợp với tháo nước, sục bùn lại. Tuyệt đối không bón thêm đạm, chỉ khi nào có lá mới màu nõn chuối xuất hiện mới được bón đạm.
*Bọ trĩ: Thường xuất hiện ở những ruộng cấy mạ non, cấy muộn trong điều kiện thời tiết âm u, gây hại ở thời kỳ bén rễ, hồi xanh đến đẻ nhánh, lúa bị bọ trĩ hại thường phát triển chậm, nếu bị nặng ngừng sinh trưởng. Phát hiện bằng cách nhúng ướt bàn tay, khua nhẹ trên ngọn lúa, bọ trĩ như các mảnh trấu nhỏ dính vào tay, căn cứ vào đó ta có thể xác định được mức độ gây hại. Bọ trĩ rất dễ trừ chỉ cần phun thuốc đúng nồng độ, phun 1 lần ướt đẫm lá lúa là trừ được. Để phòng, chống cần dùng các loại thuốc như: Actara, Regent pha 1 gói thuốc với 10 lít nước phun cho 1 sào.
*Bệnh đạo ôn: Thường phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa đẻ nhánh làm đòng đến trỗ bông, thời tiết âm u, mưa phùn là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan phát triển. Để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cần phát hiện sớm.
Chú ý thời điểm lúa làm đòng, nhất là những giống nhiễm, những ruộng bị bệnh nặng ở vụ trước, những ruộng lúa xanh đậm, điều kiện thời tiết âm u, có mưa phùn... Khi phát hiện có bệnh cần giữ nước trên ruộng, dừng bón các loại phân kể phân bón lá, phun phòng bằng thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Tryzobe... Sau khi lúa trỗ, nếu thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phải phun thuốc nhắc lại lần 2, cần phun đủ lượng nước thuốc cần thiết 30 lít nước thuốc/sào.
*Chuột: Là đối tượng gây hại nguy hiểm nhất. Sau khi cấy xong cần tập trung diệt chuột đồng loạt, bằng các loại bẫy bả hoặc đánh bắt, tổ chức đánh bắt thường xuyên tích cực huy dộng toàn dân tham gia chiến dịch diệt chuột.
Để có 1 vụ lúa xuân thắng lợi bà con cần chú ý chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đây là điều quan trọng đảm bảo cho lúa xuân đạt năng suất
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ