Trồng lúa Kỹ Thuật Che Phủ Khi Trồng Ngô Trên Đất Dốc

Kỹ Thuật Che Phủ Khi Trồng Ngô Trên Đất Dốc

Ngày đăng 24/08/2013

Kỹ Thuật Che Phủ Khi Trồng Ngô Trên Đất Dốc

1. Chuẩn bị ruộng:

- Đối với đất còn tơi xốp: Không cần cày bừa mà chỉ dọn cỏ dại, khụng đốt tàn dư cỏ dại và cây trồng vụ trước. Mang vật liệu đến để che phủ bổ sung cho kín mặt đất với bề dày 10 - 15 cm. Chờ 10 - 15 ngày để lớp phủ xẹp xuống rồi tiến hành gieo thẳng qua lớp phủ.

- Đối với đất rắn hay đã bị nén chặt: Phải cày bừa đất ở vụ đầu, sau đó che phủ đất và thực hiện mọi thao tác như đã nêu ở trên. ( Từ các vụ sau, do đất đã trở nên tơi xốp nên không cần phải cày bừa làm đất).

2. Cách che phủ:

- Che phủ kín: Rải đều lớp phủ để bề mặt ruộng được che phủ đồng đều. Nếu thời gian cho phép thì che phủ 10 đến 15 ngày trước khi gieo. Làm như vậy, lớp phủ thực vật sẽ bị xẹp xuống và định vị tốt hơn, ẩm độ đất cao hơn nên sẽ tạo điều tốt hơn cho hạt nảy mầm và thoát ra khỏi lớp che phủ.

- Che phủ theo băng đồng mức: Rải các vật liệu che phủ đất theo các băng rộng 40 – 50 cm và để lại những khoảng trống rộng 20 cm. Với cách làm này thì có thể gieo ngô theo cách làm thông thường (đánh rạch, bổ lỗ vào những khoảng trống và gieo hạt ngay sau khi che phủ đất). Khi bón phân, vun gốc thì vun luôn vật liệu che phủ vào gốc ngô.

- Che phủ đất kết hợp trồng các đường đồng mức: Trên đất dốc hơn 20 độ, có thể có nguy cơ vật liệu che phủ bị nước mưa cuốn trôi, vì vậy nên trồng các hàng cây cốt khí (hoặc các loài cây bụi khác) theo các đường đồng mức cách nhau 6 - 7 mét để giảm dòng chảy và giữ không để vật liệu che phủ bị trôi xuống dốc. Đất giữa các đường đồng mức được che phủ như đã nêu ở trên.

* Chú ý:

- Nếu vật liệu che phủ là thân ngô vụ trước thì không nên chặt mà nên đạp đổ thân ngô rồi tiến hành gieo hạt. Có thể gieo ngay sau khi thu hoạch, không phải chờ đất khô và không cần cày bừa.

- Trong trường hợp cần gieo cho kịp thời vụ, nhất là ngô vụ đông thì có thể trồng gối vụ. Cách làm như sau: Khi ngô đã đen râu, cần cắt lá và phần thân cây phía trên bắp để che phủ đất, sau đó gieo hạt vào giữa các hàng ngô cũ. Tiến hành thu hoạch ngô cũ vào thời điểm thích hợp và chăm sóc ngô mới như đã nêu trên.

3. Lượng vật liệu che phủ:

Rơm rạ, xác thực vật khô 5 - 7 tấn/1ha. Nên tận dụng tàn dư cây trồng của vụ trước, các loài cây họ đậu và các loài cây dại sẵn có tại địa phương. Cỏ Lào và cúc quì (cúc đắng) là những cây cho vật liệu che phủ rất tốt vì chúng chứa một hàm lượng kali và lân rất cao. Tuy nhiên, vì chúng phân huỷ rất nhanh nên tác dụng ngăn chặn cỏ dại và chống xói mòn đất giảm. Do vậy nên dùng vật liệu che phủ hỗn hợp để duy trì lớp phủ được lâu hơn.

4. Cách gieo thẳng trên nền đất đã được che phủ:

Dùng gậy có đầu vót nhọn chọc lỗ sâu 3-5 cm rồi gieo tra hạt vào lỗ. Chú ý không để vật liệu che phủ lấp kín miệng lỗ sau khi gieo. Có thể dùng cuốc bổ lỗ rồi gieo hạt, sau đó lấp đất nhẹ. Mật độ gieo tùy vào quy trình canh tác của từng giống.

5. Chăm sóc cây trồng:

Chăm sóc bình thường theo quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống. Tuy nhiên, khi bón phân có thể bón vãi lên lớp che phủ. Phân bón sẽ lọt xuống mặt đất hoặc bị hòa tan rồi thấm vào các vật liệu che phủ hoặc chọc lỗ rồi bón phân vào các lỗ đó. Do lớp vật liệu che phủ có khả năng ngăn chặn cỏ dại nên không cần làm cỏ bằng cào cuốc mà chỉ nhổ các cây cỏ lớn. Có thể vun gốc nhưng thực tế cho thấy khi áp dụng SCV thì rễ kiềng mọc khỏe hơn nên không cần vun gốc.


Cách Dùng Phân Bón NPK Văn Điển Cho Cây Lúa Tại Quảng Nam Cách Dùng Phân Bón NPK Văn Điển Cho… Vai Trò Của Phân Đạm Đối Với Lúa Vai Trò Của Phân Đạm Đối Với Lúa