Kỹ thuật chọn giống thỏ
Chọn giống thỏ tốt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của người nuôi, theo đó cần nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản.
Các giống thỏ phổ biến
Giống thỏ tốt có nghĩa là giống thỏ thuần chủng, được thuần hóa lâu đời tại địa phương, thỏ phải có khả năng thích nghi cao, dễ nuôi và khả năng sinh sản tốt. Tùy vào điều kiện kinh tế và khí hậu tại địa phương để người nuôi có thể lựa chọn con giống nào cho thích hợp. Tại nước ta, hiện đã có một số giống thỏ được thuần hóa và nuôi thành công tại nhiều địa phương trên cả nước như:
Thỏ New Zealand: Là giống thỏ có bộ lông dày màu trắng toát, mắt hột lựu có nguồn gốc tại New Zealand, nhưng từ lâu đã được nuôi phổ biến tại nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ… Giống thỏ to con này được nhập vào nước ta từ năm 1978 và được nhiều người chăn nuôi ưa thích. Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như thích hợp với điều kiện khí hậu nước ta, lớn nhanh (có con đạt trên 5 kg/con), thỏ cái mắn đẻ, để nhiều và biết cách chăm sóc con. Ngoài ra, tỷ lệ thịt của thỏ khá cao 52 - 55%).
Thỏ Pháp hay thỏ Flemish Giant: Đây là giống thỏ xuất xứ tại Pháp. Thỏ có bộ lông vàng nâu, mình dài, cặp tai dày và dài, chân cao và khỏe. Nhiều con các phần ức, bụng, bốn bàn chân và đuôi lông màu trắng. Giống thỏ này có kích thước rất lớn, thể trọng lên tới 6 -10 kg. Thỏ Pháp được nuôi tại nước ta trước năm 1960, nhưng mãi sau này mới được nuôi phổ biến và được dùng để lai tạo các giống thỏ khác.
Thỏ Panon: Được nhập từ Hungary, đây là giống thỏ thuộc một dòng của New Zealand nên có các đặc điểm giống như giống thỏ New Zealand nhưng tăng trọng cao hơn và khối lượng khi trưởng thành cũng cao hơn, đạt 5,5 - 6,2 kg/con.
Thỏ California: Xuất xứ từ Mỹ, toàn thân trắng toát, trừ các bộ phận như tai, chót mũi, cẳng chân và đuôi có lông đen. Đây là giống thỏ có trọng lượng lớn, được nuôi lấy thịt là chủ yếu. Thỏ California là giống dễ nuôi, ít bệnh tật, mắn đẻ và nhiều sữa.
Thỏ Angora: Là giống thỏ nguồn gốc từ Pháp, có bộ lông xù màu trắng hay khoang. Thỏ Angora nuôi con kém, khả năng thích nghi kém nên không được nuôi lấy thịt tại nước ta.
Chọn theo gia phả
Sau khi lựa chọn được giống nuôi thích hợp, người nuôi còn có thể căn cứ vào gia phả để lựa chọn được con giống có chất lượng tốt. Đây là cách chọn giống dựa vào sổ sách, lý lịch duợc ghi chép lại của các thế hệ trước (ông bà, cụ kỵ, cha mẹ…), các thế hệ cùng thời (anh, chị, em…), chủ yếu căn cứ khả năng sinh truởng, sinh sản. Bằng cách thông qua số liệu ghi chép chọn từ những đàn mà thỏ mẹ có tỷ lệ thụ thai trên 70%, đẻ 6 - 7 lứa/năm, mỗi lứa bình quân đạt 6 - 7 con. Tỷ lệ nuôi sống thỏ con (từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi) đạt 80% trở lên, khả năng thích nghi với điều kiện môi truờng tốt, khỏe mạnh, không bệnh tật, tăng trọng bình quân 30 g/con/ngày. Chỉ chọn thỏ giống từ những dàn con ở lứa thứ 2 - 3 trở đi.
Chọn theo cá thể
Việc chọn được giống tốt trong nuôi công nghiệp hay nuôi trang trại, cần lựa chọn kĩ lượng từng cá thể nuôi. Để từ đó tạo được đàn thỏ nuôi đảm bảo cho các thế hệ sau và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tránh được các rủi ro không cần thiết. Việc chọn theo cá thể cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau: Những con được chọn theo tiêu chuẩn phải có ngoại hình khỏe mạnh, cơ bắp vạm vỡ, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, ăn uống bình thường, tổ chức liên kết dưới da chặt chẽ, tứ chi khỏe mạnh, không khuyết tật. Cơ quan sinh dục phát triển cân đối, hoàn chỉnh.
Đối với chọn thỏ đực: Chọn thỏ đực tương đối quan trọng vì nó có khả năng truyền đặc tính của mình rộng rãi hơn thỏ cái. Thỏ đực phải đạt các tiêu chuẩn sau: To con, đầu to vừa phải; Ngực, mông và vai to; Lưng rộng; Chân sau to; Phải đạt tiêu chuẩn về trọng lượng quy định cho mỗi giống thỏ. Thỏ đực giống phải là con có đầu to thô hơn, hai má hơi phình ra, hai tai dày, cứng, dựng đứng theo hình chữ V, lưng phẳng hơi khum vồng lên về phía hông, hai mông và đùi sau nở nang, rắn chắc, không bị loét gan bàn chân, hai dịch hoàn to đều, dương vật hiện rõ, thẳng, có niêm mạc màu hồng nhạt, không bị lở loét hoặc có vảy rộp. Thỏ có tính hăng nhưng không ác tính.
Đối với chọn thỏ cái: Phải là con có lưng phẳng, bốn chân khỏe vững chắc, mông nở, xương chậu rộng, có 8 - 10 vú cân đối. Chọn thỏ to con nhưng không quá mập; Dài và rộng ngang nhau, nhất là phần mông; Đầu tương đối nhẹ; Lông mướt mịn. Cần chọn những con thỏ cái có tỷ lệ thụ thai (đối với con đực xác định là tốt) đạt trên 70% vào mùa hè (tỷ lệ thụ thai thường thấp hơn các mùa khác trong năm). Thông thường thỏ mẹ phải đẻ được 5 - 6 lứa/năm. Số con sơ sinh sống sau 15 giờ phải đạt 7 con trở lên và tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa 6 con trở lên mà có thể lực tốt. Căn cứ vào trọng lượng của thỏ con lúc 21 ngày tuổi để đánh giá khả năng tiết sữa của thỏ mẹ.
Chọn thỏ con làm giống: Chọn thỏ con nhanh nhẹn trong bầy có cha, mẹ tốt. Thỏ làm giống có thể cai sữa muộn hơn khoảng 6 tuần tuổi thay vì 3 - 4 tuần.
Sau khi đã cai sữa nên tách riêng con cái và đực ngay hoặc có thể lùi lại 1 - 2 tuần sau. Khi cai sữa thỏ con, bắt thỏ mẹ ra khỏi chuồng và để thỏ con ở lại chuồng cũ để tránh kích xúc về mặt chuồng trại, di chuyển. Tiêm phòng cho thỏ phải tránh lúc thỏ yếu và 2 lần tiêm cách nhau khoảng 1 tháng. Chọn thỏ con lúc 21 ngày tuổi đạt trọng lượng trên 250 g/con và sức sinh trưởng lúc 30 - 70 ngày tuổi đạt trên 30 g/con/ngày. Khi thỏ được 4 tháng thì tách riêng từng con và nuôi trong lồng riêng; sau đó đánh số cho thỏ giống để phân biệt và lập phiếu kiểm soát sinh trưởng; sinh sản của thỏ cái và thỏ đực.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ