Tin nông nghiệp Kỹ thuật gây trồng bạch đàn urô (phần 2)

Kỹ thuật gây trồng bạch đàn urô (phần 2)

Tác giả Nguyễn Đức Hải, ngày đăng 08/06/2020

Kỹ thuật gây trồng bạch đàn urô (phần 2)

Bạch đàn urô là một trong những loài cây chủ lực để trồng rừng công nghiệp cung cấp nguyên liệu giấy, sợi, dăm, cột điện, trụ mỏ và củi đun,... Ngoài ra, cũng có thể trồng rừng bạch đàn urô với chu kỳ 15-20 năm lấy gỗ đường kính 25-30 cm cung cấp ván làm nhà, đóng đồ gia dụng, làm cầu, gỗ xây dụng,...

Bạch đàn urô trồng tại tỉnh Hà Nam

 

Bạch đàn urô có tán lá dày, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất tốt hơn các loài bạch đàn khác. Hình dáng đẹp có thể trồng làm cây bóng mát, hoa để nuôi ong.

5. Gây trồng

-  Thời vụ trồng: Vụ xuân hè trồng tháng 3-5, vụ thu đông trồng tháng 8-10.

- Phương thức và mật độ trồng: Trồng thuần loài, 1.110 cây/ha (cự ly 3x3 m) hoặc 1.660 cây/ha (cự ly 3x2 m).

- Xử lý thực bì:

Cỏ may, cỏ lông lợn, cây bụi thưa sinh trưởng kém: Phát trắng theo băng rộng 2m. Nếu dốc dưới 150 dùng cày ngầm kết hợp dọn thực bì và làm đất.

Tế guột hoặc cây bụi dày hay tế guột rải rác xen cây bụi: Phát dọn sạch băng trồng rộng 2m, nếu dùng cày ngầm thì không cần phải dọn.

Nứa tép xen ít cây bụi, cỏ, cây bụi xen cỏ, lau chít chè vè: Phát trắng, cuốc lật các gốc lau chít, chè vè, xếp thành đống hoặc thành băng ngang dốc.

- Làm đất: Nơi dốc dưới 200 tiến hành cày ngầm 1 lưỡi sâu 60-70 cm, rồi cuốc hố 30x30x30 cm. Nơi dốc trên 200 có thể cuốc thủ công theo hố kích thước 40x40x40 cm.

- Bón lót: Kết hợp khi lấp hố bón 300 g phân vi sinh và 200 g NPK (25:58:17) cho 1 hố.

6. Chăm sóc rừng

Trồng dặm cây chết ngay sau khi trồng 10-15 ngày, có thể phải tiến hành 2-3 đợt để đảm bảo tỷ lệ sống trong năm đầu đạt trên 95%.

Chăm sóc 3 năm liền:

- Năm đầu chăm sóc 2 lần: Lần đầu sau khi trồng 1-2 tháng, phát thực bì toàn diện, dẫy cỏ và vun xới quanh gốc với đường kính rộng 80 cm. Lần 2 vào tháng 10-11, phát thực bì, cắt dây leo, vun xới quanh gốc cây với đường kính 80 cm. Cây trồng vụ thu - đông chỉ chăm sóc 1 lần vào tháng 10-11.

- Năm thứ 2 chăm sóc 3 lần: Lần 1 vào tháng 3-4 như chăm sóc lần 1 năm đầu. Bón thúc lần đầu 200 g NPK (5:10:3) cho 1 gốc. Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì toàn diện, vun xới quanh gốc đường kính 1 m, tỉa bỏ các cành trong tầm cao 1 m. Lần 3 vào tháng 10-11, phát thực bì cạnh tranh cây trồng.

- Năm thứ 3 chăm sóc 2 lần: Lần 1 vào tháng 3-4, phát thực bì trên toàn diện tích, tỉa cành đến tầm cao 1,5-2,0 m, dãy cỏ quanh gốc 1 m. Bón thúc lần hai 200 g NPK/cây. Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì cạnh tranh cây trồng trên toàn diện tích, chặt cây sâu bệnh, phát dẫy sạch cỏ quanh gốc cây.

- Bảo vệ rừng: Tuỳ mức độ nhiễm bệnh phải nhổ, cắt, đốt các cây bị bệnh hoặc phải bắt, diệt, phun thuốc phòng trừ hay phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp. Phải làm các băng trắng cản lửa, rộng 10-12 m. Trước mùa khô phải ủi hoặc phát dọn thực bì, đưa ra khỏi băng. Cấm trâu bò phá hoại rừng.

7. Khai thác

+ Tuổi khai thác chính của rừng cung cấp nguyên liệu giấy sợi, ván nhân tạo là 7-8 năm. Năng suất rừng đạt 20 m3/ha/năm, sản lượng trung bình 80-140 m3/ha gỗ.

+ Mùa khai thác từ cuối mùa khô đến đầu mùa mưa để kết hợp tái sinh chồi.

+ Phương thức khai thác chính là chặt trắng trên toàn bộ diện tích.

+ Chặt sát gốc, gốc chặt không cao quá 7-10 cm, gốc chặt không bị bong vỏ. Mặt cắt phải phẳng và hơi nghiêng. Đưa toàn gỗ và cành lá ra khỏi rừng. 

8. Chọn và tỉa chồi tái sinh

+ Sau khi chặt, chồi mọc được 8-10 tuần, cao 80-100 cm thì chọn, tỉa chồi.

+ Chọn và giữ lại 1 chồi mập, thẳng nhất mọc sát đất ở hướng đón gió. Tỉa nhiều lần để loại bỏ các chồi khác cho tới khi chồi giữ lại cao trên 2 m.

9. Chăm sóc, bảo vệ rừng chồi

+ Chăm sóc rừng chồi trong 2 năm liền: Năm đầu chăm sóc 2 lần, lần 1 vào tháng 3 và lần 2 vào trước mùa khô. Phát cây bụi, dây leo chèn ép cây chồi. Vun xới quanh gốc cây và vun đất vào gốc rộng 0,8 m và lấp kín gốc chồi. Năm thứ 2 chăm sóc 1 lần như năm thứ nhất vào đầu mùa mưa.

+ Bảo vệ rừng chồi áp dụng như rừng trồng ban đầu đến khi khép tán.


Những lưu ý chăm sóc trâu bò trong mùa nắng nóng Những lưu ý chăm sóc trâu bò trong… Kỹ thuật gây trồng bạch đàn urô (phần 1) Kỹ thuật gây trồng bạch đàn urô (phần…