Cá điêu hồng Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng trong lồng

Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng trong lồng

Tác giả 2LUA.VN tổng hợp, ngày đăng 02/12/2016

Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng trong lồng

1. THIẾT KẾ KHUNG, LỒNG LƯỚI NUÔI CÁ

1.1. Vật liệu làm khung lồng

Vật liệu để làm khung lồng là gỗ, tre, hóp, luồng già có đường kính 12 -15 cm, hoặc ống kẽm, ống sắt mạ có đường kính 27 - 32 mm. Phao làm bằng thùng phuy 200 lít. Dùng mỏ neo và dây neo cố định cụm lồng bè để không bị nước lũ cuốn trôi và giông bão phá hủy.

1.2 Thiết kế khung lồng

Lồng cá điêu hồng

- Khung lồng có kích thước 7,8 x 6 m. Mỗi khung có 2 khoang trống, mỗi khoang 6,6 x 2,2 m để treo được 3 lồng nuôi kích thước 2 x 2 x 2 m.

- Khung lồng có 2 mặt, trên và dưới, mỗi mặt làm bằng 10 cây tre (mỗi khung lồng cần 20 cây tre). Cố định các góc nối của khung lồng bằng dây thép đường kính 8 mm

- Phao: Thùng phuy làm phao có đường kính 0,5 m và chiều dài 1,2 m. Các phao được cột chặt vào khung lồng bằng 4 cây tre, 2 cây ở mặt trên khung và 2 cây ở mặt dưới khung, được cố định bằng các dây thép đường kính 8 mm. Do thùng phuy hình trụ nên dùng dây thép đường kính 2 mm cột chặt với khung tre. Mặt dưới khung lồng chìm dưới nước, mặt trên khung lồng lát cây tre hoặc ván gỗ để làm đường đi lại.

1.3. Thiết kế lồng lưới

Lồng nuôi làm bằng lưới sợi ni-lông mắt lưới A10, sợi 210/9 có kích thước 2 x 2 x 2 m.

2. CHỌN ĐỊA ĐIỂM ĐẶT LỒNG NUÔI CÁ

Địa điểm đặt lồng nuôi cá là khu vực sông, hồ thông thoáng có độ sâu ít nhất 3 - 4 m nước (tính ở thời điểm mực nước xuống thấp nhất), có nước sạch, lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3 m/giây, không bị bóng cây che nắng, không bị nhiễm phèn hoặc ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Không đặt lồng ở những nơi cuốỉ eo ngách trong hồ.

Môi trường nước nuôi phải đảm bảo các chỉ tiêu: pH 7,5 - 8,0; ôxy hoà tan > 5 mg/lít; amoniac < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít.

Chọn địa điểm đặt lòng nuôi cá

Số lượng lồng nuôi đặt trên đoạn sông phải đảm bảo để dòng chảy lưu thông qua tất cả các lồng. Mỗi cụm lồng không quá 50 lồng, các cụm lồng đặt cách nhau 10 -15 m. Nên đặt lồng ở nơi nước sông chảy nhẹ, nước ngập trong lồng từ 3/4 - 4/5 chiều cao của lồng, tránh nơi nước xoáy, nơi có nhiều tàu thuyền qua lại. Đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5 m Nếu nuôi trong hồ, tổng diện tích lồng nuôi chiếm không qua 5% diện tích mặt hồ.

Địa điểm đặt lồng nuôi cá phải không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đến dòng chảy và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Nên chọn những vị trí giao thông thuận lợi, có nguồn điện lưới và trật tự an ninh đảm bảo.

3. THẢ CÁ GIỐNG

Thả cá giống cỡ tối thiểu 25 - 30 g/con, mật độ thả tối đa 100 con/m3 (lồng ngập nước).

Mùa vụ thả giống bắt đầu từ tháng 3 khi nhiệt độ nước trên 20°C, chậm nhất là tháng 4 - 5 (ở các tỉnh phía Bắc). Ở những vùng hay bị ngập lụt, nên thả cá sau khi hết mùa mưa và thu hoạch trước mùa mưa năm sau.

Chọn cá giống khỏe mạnh thả nuôi

4. CHO CÁ ĂN VÀ CHĂM SÓC

- Thức ăn: Dùng thức ăn công nghiệp (hay tự chế) có hàm lượng đạm thô từ 20 - 26%. Chế độ cho ăn như trong bảng 2.

Bảng 2. Chế độ cho cá ăn khi nuôi bằng thức ăn viên nổi

Cỡ cá (g/con) Hàm lượng đạm thô của thức ăn (%) Lượng thức ăn/Trọng lượng cá/ngày (%) Số lần cho ăn/Ngày
20 - 50 26 7 3
50 - 200 26 5 3
200 - 300 20 3 3
> 300 20 1,5 - 2,0 2

- Khi cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, phải có màng chắn lồng làm bằng lưới có cỡ mắt lưới nhỏ hơn viên thức ăn để ngăn thức ăn không trôi ra ngoài lồng.

- Thành phần thức ăn tự chế để nuôi cá trong lồng gồm: Cám gạo 60%, bột đậu tương 10%, bột cá 10%, rau xanh 15%, khoáng, vitamin 5%; hoặc: Cám gạo 40%, khô dầu lạc 40%, bột cá 20%. Hỗn hợp thức ăn tự chế trộn theo công thức trên đã nấu chín, đùn viên hoặc để nguội nắm thành bánh cho cá ăn.

- Khi cho cá ăn bằng thức ăn tự chế hoặc thức ăn dạng viên chìm, phải dùng lưới cước có mắt lưới dày để làm mặt đáy lồng nhằm ngăn thức ăn không lọt qua đáy lồng rơi xuống đáy sông, hồ. Đưa thức ăn xuống lồng thành nhiều đợt để tất cả cá nuôi trong lồng đều được ăn. Cho cá ăn từ từ, ít một để cá ăn hết thức ăn, không để cá tranh ăn làm tan thức ăn hoặc rơi ra ngoài lồng, gây thất thoát thức ăn và ô nhiễm nước. Quan sát sự bắt môi và mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vớt thức ăn cũ còn thừa trong lồng trước khi cho thức ăn mới.

Thức ăn cho cá

Cho cá ăn

• Chăm sóc:

- Hàng ngày quan sát hoạt động của cá, chú ý các hiện tượng bất thường của cá trong lồng.

- Mỗi tuần làm vệ sinh lồng một lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới. Mỗi lồng nên thường xuyên treo 1 - 2 túi vôi ngập trong nước, mỗi túi chứa 2 - 3 kg vôi.

- Cần kiểm tra lồng khi làm vệ sinh, phát hiện các mắt lưới gần rách để vá lại ngay nhằm hạn chế cá thoát ra khỏi lồng.

- Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào nơi an toàn khi có bão, lũ và nước chảy siết.

- Trước khi thả cá và sau mỗi đợt thu hoạch, đưa lồng lên cạn, dùng vôi quét mặt trong và ngoài lồng, sau đó phơi khô 1 - 2 ngày.

5. THU HOẠCH

Sau 4 - 5 tháng nuôi, tiến hành thu tỉa cá đạt cỡ thương phẩm (500 g/con) và tiếp tục nuôi các cá nhỏ hơn còn lại để đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.

Cũng có thể nuôi 5-6 tháng để tất cả cá trong lồng đạt cỡ thương phẩm, khi đó tiến hành thu hoạch toàn bộ.

Sản phẩm sau thu hoạch có thể được tiêu thụ ngay tại địa phương hoặc vận chuyển đi bán ở các vùng lân cận. Nếu thu hoạch được sản lượng lớn cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, có thể bán cho các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng

Cá điêu hồng

Thu hoạch cá điêu hồng


Nguyên tắc chung nuôi cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Nguyên tắc chung nuôi cá đảm bảo vệ… Một số bệnh thường gặp ở cá điêu hồng và cách điều trị Một số bệnh thường gặp ở cá điêu…