Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng trong lồng
Điêu hồng được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, là loài cá dễ nuôi có khả năng thích nghi môi trường nước ngọt, nước lợ và mặn. Cá có thể nuôi trong ao đất, bể hoặc lồng bè trên sông, hồ chứa nước... Người nuôi cá điêu hồng trong lồng cần chú ý một số yêu cầu kỹ thuật cơ bản.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để có những điều chỉnh kịp thời. Ảnh: ST
Lồng nuôi cá
Lồng nuôi cá có kích thước dài x rộng x sâu phổ biến là 9x6x2,5 (m). Các lồng được liên kết với nhau thành cụm 10 - 50 lồng. Trên cụm lồng thiết kế nhà ở, kho cám và đường đi giúp dễ dàng vận chuyển cá giống, cá thu hoạch và thức ăn cho cá. Để đề phòng các trường hợp thiếu ôxy hòa tan trong những ngày nước đứng, các lồng cá nên lắp đặt kèm hệ thống sục khí.
Vị trí và môi trường nước nơi đặt lồng
Vị trí đặt lồng nuôi là khu vực sông, hồ có thủy chế an toàn, không có nước chảy xiết, có khả năng an toàn trong mùa lũ và đủ nước trong mùa cạn. Nguồn nước sạch sẽ, không bị nhiễm phèn, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp...
Mực nước phải đảm bảo sâu hơn đáy lồng 0,5 - 1 m, có dòng nước chảy liên tục, lưu tốc thích hợp là 0,2 - 0,5 m/s. Môi trường nước phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 - 8,5; ôxy hòa tan > 5 mg/l; NH3 < 0,01 mg/l; H2S < 0,01 mg/l, nhiệt độ nước từ 20 - 330C. Khoảng cách lồng đặt cách bờ tối thiểu 5 m để dòng chảy được lưu thông qua lồng dễ dàng và tiện cho việc chăm sóc quản lý. Khoảng cách giữa các lồng trong cùng một cụm là 1 - 3 m và khoảng cách giữa các cụm lồng 30 - 50 m. Nên đặt so le các lồng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đồng thời hạn chế làm cản dòng chảy.
Chọn và thả cá giống
Giống cá điêu hồng được thả nuôi phải đảm bảo chất lượng (khỏe mạnh, bơi nhanh, màu sắc tươi sáng, không bị dị hình không có dấu hiệu bệnh tật, không xây xát, không bị mất nhớt...). Cỡ cá giống thích hợp thả vào lồng là 30 - 100 g/con. Mật độ thả thích hợp là 40 - 50 con/m3. Nên thả cá giống vào lồng lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2% trong 10 - 15 phút để tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó, ngâm túi cá trong lồng khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ trước khi thả.
Thức ăn
Nên sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để nuôi cá và chọn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Chương trình dinh dưỡng nên được chọn sẵn và tuân thủ trong suốt chu kỳ nuôi, hàm lượng đạm từ 40% giảm dần xuống còn 30% khi thu hoạch. Khẩu phần ăn của lồng cá thay đổi tùy giai đoạn phát triển, giai đoạn cá giống khẩu phần ăn hàng ngày khoảng 5 - 7% lượng cá và giảm dần xuống còn 2 - 3% lượng cá khi đến tuổi thu hoạch. Quan sát lượng ăn của cá hàng ngày để điều chỉnh tăng hoặc giảm khẩu phần phù hợp. Nên giảm lượng ăn trong những ngày thời tiết thay đổi hoặc dòng chảy kém.
Chăm sóc và quản lý
Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá trong lồng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường xảy ra như: thiếu ôxy, ký sinh trùng và dịch bệnh… Kiểm tra lưới lồng tránh thất thoát cá, kiểm tra dây neo đặc biệt vào mùa mưa lũ. Treo túi vôi hoặc các bó lá xoan quanh lồng là cách rẻ tiền để phòng bệnh cho cá.
Cách phòng và trị một số bệnh thường gặp
Bệnh xuất huyết do liên cầu khuẩn: Do vi khuẩn Streptococcus sp gây nên. Biểu hiện cá có màu sắc đen tối, bơi lội không bình thường, mắt lồi và đục, xuất huyết ở các vây và xương nắp mang. Các vết xuất huyết lan rộng thành lở loét, nhưng các vết loét thường nông hơn các bệnh có lở loét khác.
Bệnh viêm ruột: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, gram âm gây ra. Biểu hiện cá bơi yếu, lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ, mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết, máu loãng, thận, gan, lá lách dịch hoá (mềm nhũn). Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to, chứa đầy hơi.
Cả 2 loại bệnh đều do vi khuẩn nên có cách phòng và trị bệnh giống nhau:
+ Cải thiện môi trường nuôi ổn định, không để cá nuôi bị sốc do các yếu tố môi trường;
+ Định kỳ 1 tháng/lần bổ sung Vitamin C vào thức ăn, liều dùng 2 - 3 g/100 kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục trong thời gian từ 5 - 7 ngày;
+ Khi cá bị bệnh, sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn cho cá điêu hồng. Chất lượng các loại thức ăn khác nhau ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức đề kháng của cá nuôi và sự bền vững của môi trường ao, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả, lợi nhuận. Người nuôi cá nên chọn sử dụng các nhãn hiệu thức ăn sản xuất bởi các ông ty uy tín sản xuất và được chứng minh nang suất hiệu quả qua nhiều năm, như: C.P, Uni-President, Thăng Long, Ewos…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ