Kỹ thuật nuôi cá hô thương phẩm
Không những là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, ít bệnh, cá hô còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng trưởng nhanh. Hiện, mô hình nuôi thương phẩm đang được xem là hướng đi mới tại nhiều địa phương.
Cá hô là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, ít bệnh
Ao nuôi
Diện tích: Ao nuôi cá hô có diện tích càng lớn càng thuận lợi cho tăng trưởng của cá; diện tích tối thiểu từ 1.000 m2 trở lên, độ sâu ao 1,5 - 2 m.
Vị trí: Ao ở vị trí giao thông thuận tiện, gần nguồn nước sạch để dễ dàng thay nước và thêm nước trong quá trình nuôi; Ao không quá rợp để tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp các sinh vật là thức ăn cho cá phát triển tốt và tránh lá cây rụng xuống làm thối nước ao ảnh hưởng đến cá nuôi.
Đáy ao: Nên bằng phẳng, dốc về một phía cống thoát để dễ tháo nước và thu hoạch cá. Độ bùn đáy ao nuôi công nghiệp nên để khoảng 15 - 20 cm là phù hợp. Đáy ao phải được nạo vét bùn hàng năm, không nên để quá dày và không để bùn đen thối sẽ sinh nhiều khí độc.
Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn. Sau đó, dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp; liều lượng dùng 7 - 10 kg/100 m2, phơi nắng 3 - 5 ngày. Ao sau khi cải tạo, cấp đủ lượng nước vào ao từ 1,5 - 1,8 m, nước cấp phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn.
Mùa vụ và mật độ thả
Mùa vụ: Cá hô là loài cá vùng nhiệt đới, nhiệt độ nóng, vì vậy ở miền Nam có thể thả nuôi quanh năm do khí hậu ấm áp. Miền Bắc do có khí hậu lạnh nên nếu nuôi cá hô phải tính toán đến việc lưu giữ cá qua mùa đông và làm nhà trú đông cho cá.
Mật độ: Nếu nuôi mật độ thưa 0,05 - 0,1 con/m2, thả ghép thêm cá mè trắng, mè hoa, sặc rằn với tỷ lệ 20% tổng số lượng cá thả trong ao (số lượng cá hô chiếm 80%). Nếu nuôi đơn, thì mật độ cao là 1 con/m2 (sau khi cá đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con cần tăng cường hệ thống ôxy dưới đáy để giúp cá tăng trưởng tốt hơn).
Con giống
Chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng tốt. Cá giống khỏe mạnh, vây, vẩy hoàn chỉnh, không xây xát, không mất nhớt, kích cỡ cá đồng đều. Trạng thái hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn; không có dấu hiệu bệnh.
Cỡ cá thả giống: Cỡ cá thả > 10 g/con. Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển đến ao, lồng nuôi mới hoặc san thưa, cần ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Vận chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối.
Cho ăn, chăm sóc
Cho ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp 30% đạm, cho cá ăn 2 lần/ngày, khẩu phần ăn hàng ngày 5 - 7% trọng lượng cơ thể. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm ao nuôi.
Chăm sóc: Cần xác định các tiêu chuẩn của cá trong quá trình nuôi như sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn, quản lý dịch bệnh. Theo dõi sự thay đổi của môi trường, dòng chảy, tốc độ, màu sắc và độ trong của nước; vệ sinh thường xuyên; kiểm soát sự thất thoát của cá; vào buổi sáng theo dõi hoạt động bơi lội, màu sắc và sự tăng trưởng của cá để đánh giá chính xác tỷ lệ sống, tình trạng sức khỏe và sức ăn. Cần giữ nước ao luôn sạch bằng cách quản lý thức ăn tốt, khi thấy nước bẩn, cần thay nước khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao. Kiểm tra cống, bờ ao và lưới bao xung quanh bờ, đầu mùa mưa dùng vôi bột (10 kg/100 m2) rải xung quanh bờ, hạn chế nước mưa xung quanh rửa trôi xuống ao. Định kỳ 15 ngày một lần, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá về chiều dài và trọng lượng để điều chỉnh lượng thức ăn.
Thu hoạch
Cá hô sau 18 tháng nuôi có thể thu hoạch. Ông Mai Bá Đẳng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, hiện cá hô thương phẩm có giá khá cao, trên 300.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ rất tốt, cung không đủ cầu. Thời gian nuôi khá dài, ít nhất là 18 tháng, hoặc đến 2 - 3 năm… Càng nuôi lâu cá càng lớn thì giá trị càng cao. Cá hô nuôi đến năm thứ ba có thể đạt trọng lượng 3 - 5 kg, có giá trị 900.000 - 1.500.000 đồng/con.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ