Kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm
Cá lóc là loài ăn tạp, có sức sống cao, khả năng chịu đựng tốt với môi trường; đây đang là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.
Nuôi cá lóc trong ao đất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PTC
Điều kiện ao
Cá lóc có thể nuôi được nhiều các hình thức như: Nuôi thâm canh trong ao đất, nuôi bè, mương vườn, nuôi trong giai... Tuy nhiên, mô hình nuôi trong ao đất được nuôi phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để nuôi theo mô hình này, người nuôi cần chuẩn bị:
Ao: Ao có sẵn hay ao mới đào đều có thể cải tạo để nuôi cá. Tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình để xây dựng ao phù hợp với diện tích thích hợp, dao động trong khoảng 500 - 2.000 m2; ao hình chữ nhật và có độ sâu khoảng 1,5 - 2 m.
Vị trí: Gần nguồn nước sạch để dễ dàng trao đổi nước khi cần. Chọn khu vực để ao có thể tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cho các sinh vật là thức ăn cho cá phát triển tốt. Nếu có điều kiện nên bố trí ao nuôi gần nhà để tiện cho quá trình chăm sóc và quản lý. Cá lóc có khả năng phóng cao hơn 1 m khỏi mặt nước. Vì thế, để đề phòng thất thoát, bờ ao phải cao, chắc chắn và được bao lưới quanh bờ (dùng lưới kích cỡ 1,6 - 1,8 m), nhất là đoạn bờ gần cống cấp nước vào.
Ao cần được cải tạo kỹ, vét sạch lớp bùn đáy, càng sạch càng tốt. Bón phân hữu cơ 5 - 10 kg/100 m2 ao nuôi, phân hóa học (NPK) 3 - 4 kg/1.000 m2; sau 4 - 6 ngày thấy nước có màu xanh và có nhiều động vật nhỏ (phiêu sinh động vật) ở quanh bờ vào buổi sáng là có thể thả cá.
Con giống
Yêu cầu: Con giống khỏe mạnh, cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không dị tật hay xây xát. Bên ngoài cơ thể bóng mượt, màu xám sáng (không chọn cá có màu đen đậm). Cỡ cá thả khoảng 80 - 100 con/kg. Nên chọn mua tại cơ sở có uy tín, trách nhiệm và bảo hành sản phẩm cá giống đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cung cấp người nuôi; không nên mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; ưu tiên các cơ sở gần để hạn chế thời gian vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt của cá.
Mùa vụ: Mùa vụ chính thả giống là từ tháng 5 - 8 hàng năm, lúc này nguồn cá giống và nguồn nước cũng dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay có thể chủ động về nguồn thức ăn nên người nuôi cũng có thể thả giống quanh năm, tùy điều kiện nguồn nước, con giống và chi phí.
Thả giống: Để phòng trị bệnh ký sinh trùng trên cá giống, trước khi thả cần xử lý cá bằng NaCl 2% (2 kg NaCl/100 lít nước) trong 2 - 3 phút. Quan sát và loại bỏ những cá yếu, cá bị xây xát. Trước khi thả, cần ngâm bao cá xuống nước ao khoảng 15 - 20 phút mới thả cá ra bên ngoài để tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt. Thời điểm thả cá thích hợp là buổi sáng hay chiều mát.
Mật độ: Do cá lóc có cơ quan hô hấp phụ nên có thể nuôi với mật độ cao, thông thường trung bình khoảng 30 - 50 con/m2. Có thể thả giống theo bảng sau (tùy theo kích cỡ).
Thức ăn
Hiện nay đã có thức ăn dành cho cá lóc nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của cá. Ở giai đoạn cá nhỏ có thể sử dụng sàng ăn để tập cho cá ăn nhằm kiểm soát thức ăn. Chia thức ăn ra nhiều lần, giúp cá ăn nhanh và triệt để hơn. Do cá giống mới thả còn nhỏ, chưa quen với việc ăn bằng cám viên công nghiệp nên việc tập cho cá chuyển đổi loại thức ăn cần tiến hành theo các bước sau:
Giai đoạn 1: Tập cho cá quen với mùi vị thức ăn công nghiệp. Thức ăn gồm 70% cá tạp tươi + 30% thức ăn công nghiệp. Viên thức ăn công nghiệp cần được ngâm qua nước sau đó trộn chung với cá tạp theo tỷ lệ rồi xay nhuyễn. Hỗn hợp thức ăn được cho vào sàng để cá vào ăn. Ban đầu có thể cá chưa quen sẽ nhả thức ăn ra, trường hợp như vậy cần tập tiếp với tỷ lệ phối trộn như trên thêm 2 - 3 ngày nữa cho đến khi cá không còn nhả thức ăn ra nữa thì thôi. Những ngày sau đó thì lượng cám viên tiếp tục tăng lên 10%/ngày đồng thời thời gian ngâm nước cũng ngắn dần cho đến khi không ngâm nữa (cho cá ăn quen với thức ăn viên cứng).
Giai đoạn 2: Cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên công nghiệp. Từ tháng thứ hai đến khi thu hoạch, cá đã ăn mùi vị của thức ăn công nghiệp thì người nuôi cho ăn hoàn toàn bằng loại thức ăn này. Khẩu phần thức ăn dao động khoảng 3 - 7% trọng lượng thân, tùy giai đoạn phát triển của cá. Do chất lượng của thức ăn khác nhau, vì vậy người nuôi nên cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đạt hiệu quả tốt nhất. Cũng bắt đầu ở giai đoạn này, thức ăn sẽ được rải trực tiếp xuống ao.
Quản lý, chăm sóc
Hàng ngày bơm bổ sung thêm nước mới cho ao, cứ 10 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay từ 1/3 - 1/2 thể tích nước ao. Chú ý quan sát không để màu nước có nhiều bọt khí và màu xanh đậm. Thường xuyên vệ sinh ao. Quản lý thức ăn đủ nhu cầu, hợp lý tránh dư thừa.
Tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi định kỳ bằng cách bổ sung Vitamin C và khoáng chất cho cá, giúp cá có đề kháng tốt trong điều kiện môi trường thay đổi và khả năng hạn chế dịch bệnh cao.
Thường xuyên bắt cá kiểm tra tốc độ sinh trưởng và phát triển của cá.
Định kỳ 1 tháng/lần dùng vôi Ca(OH)2, liều lượng 6 - 8 kg/100 m2, hòa nước và tạt đều khắp ao.
Sau thời gian nuôi khoảng 6 - 8 tháng, cá có thể đạt cỡ trung bình 400 - 600 g/con. Nên tiến hành thu hoạch 1 lần và thu hoạch toàn bộ. Dùng lưới kéo từng phần để thu, không nên kéo dồn một lúc sẽ làm cá xây xát và chết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ