Cá rô phi Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đực trong ao

Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đực trong ao

Tác giả TS.Lê Quang Khôi, ngày đăng 08/12/2016

Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đực trong ao

1.MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CHUNG ĐỂ SẢN XUẤT CÁ RÔ PHI ĐẠT TIÊU CHUẨN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Ao nuôi phải gồm nguồn cấp và thoát nước

- Địa điểm và công trình nuôi: Ao nuôi cá phải nằm trong vùng được quy hoạch cho nuôi thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Địa điểm nuôi gần nguồn nước và việc cấp thoát nước dễ dàng, có nguồn điện ổn định, giao thông thuận tiện, tách biệt với khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy hóa chất,... để tránh bị ô nhiễm. Ao được xây dựng đúng kỹ thuật, có cống cấp và thoát nước riêng biệt, có bờ ao cao, vững chắc và không bị rò rỉ.

- Thức ăn: Phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với loài nuôi và giai đoạn nuôi, không bị nhiễm nấm mốc, không chứa hóa chất, kháng sinh bị cấm, không trộn hoóc-môn kích thích sinh trưởng và được bảo quản tốt. Chỉ được bón phân vô cơ, phân hữu cơ đã được xử lý thích hợp hoặc phân vi sinh cho ao nuôi. Thức ăn công nghiệp phải còn hạn sử dụng, có nhãn rõ ràng và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Đảm bảo cho cá ăn theo 4 định: Định lượng, định thời gian, định địa điểm, định số lần cho ăn.

- Nước sử dụng cho ao nuôi: Nước ao nuôi phải đảm bảo các yếu tố thủy lý, thủy hóa phù hợp với loài cá nuôi, được lấy từ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm nhằm kiểm soát được các nguồn lây nhiễm do vi sinh vật hoặc hóa chất trước khi lấy nước vào ao nuôi và thải ra môi trường. Phải bố trí các khu vệ sinh, công trình phụ cách xa khu vực nuôi, xử lý tốt rác thải sinh hoạt và từ khu chăn nuôi để tránh gây nhiễm bẩn ao.

- Chăm sóc cá: Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng và sức khỏe cá nuôi. Tiến hành các biện pháp phòng bệnh cho cá. Khi xuất hiện bệnh phải xử lý sớm, tham khảo ý kiến của các chuyên gia bệnh cá. sử dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh đúng theo hướng dẫn. Các dụng cụ như: Lưới, vợt, máy móc,... sử dụng cho ao nuôỉ phải được vệ sinh sạch sẽ và bảo quản tốt sau khi sử dụng

Lấy nước vào ao nuôi phải qua lọc nước

2. KỸ THUẬT NUÔI CÁ RÔ PHI ĐƠN TÍNH ĐỰC ĐẠT NĂNG SUẤT CAO TỪ 10 - 20 TẤN/HA

Nuôi cá rô phi đơn tính đực trong ao đạt năng suất cao từ 10 -20 tấn/ha (nuôi bán thâm canh và thâm canh), cỡ cá thu hoạch trên 500 g/con là hình thức nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong nuôi thâm canh, cho cá ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, có sử dụng máy quạt khí. Đây là hình thức nuôi phù hợp với các nông hộ có khả năng đầu tư lớn và nắm vững kỹ thuật nuôi cá.

• Chuẩn bị ao nuôi

- Diện tích ao nuôi từ 1.000 - 5.000 m2, ít nhất cũng 500 m2, mức nước sâu trung bình 1,5 - 2,5 m. Bờ ao vững chắc, cao hơn đỉnh lũ để tránh thất thoát khi mưa lớn và nếu có điều kiện nên kè bờ bằng bê-tông hoặc xây gạch để hạn chế xói lở ao vào mùa mưa. Mặt ao thông thoáng, không bị cớm rợp để tăng cường khả năng hòa tan ôxy từ không khí vào nước. Cần chủ động nguồn nước sạch cấp cho ao và dễ thay nước trong ao.

Dọn đáy ao

- Trước khi thả cá, phải chuẩn bị ao nuôi cá theo các bước sau:

+ Tát cạn ao, dọn sạch đáy và xung quanh bờ ao, vét bớt bùn đáy ao chỉ để lại khoảng 10 - 15 cm, lấp các hang hốc quanh bờ ao, tu sữa bờ ao và bịt mọi chỗ rò rỉ.

+ Dùng vôi nông nghiệp rải đều khắp đáy ao với liều lượng 7 -10 kg vôi/100 m2 để điều chỉnh pH và diệt mầm bệnh còn lưu trong đáy ao. Nếu ao nhiễm phèn hoặc chua thì bón tăng thêm 2-3 kg/100 m2.

+ Phơi nắng đáy ao 2 - 3 ngày, sau đó lọc nước sạch vào ao qua lưới chắn để ngăn cá dữ và địch hại. Bón phân vô cơ cho ao để tạo cơ sở thức ăn tự nhiên, khi nước ao có màu xanh nõn chuối là có thể thả cá. Thông thường sau khi lấy nước 3-5 ngày có thể thả cá giống.

Trong nuôi thâm canh đạt năng suất 20 tấn/ha, cần sử dụng máy quạt khí để tăng cường ôxy cho ao nuôi khi cần thiết. Ao 5.000 m2 cần 2 máy quạt khí sử dụng động cơ điện hoặc động cơ diezel, mỗi máy có 6 -10 guồng cánh quạt.

• Cá giống, mật độ và mùa vụ thả nuôi

- Giống cá là cá rô phi đơn tính đực đều cỡ, không bị dị hình, bơi lội nhanh nhẹn và không mắc bệnh. Trước khi thả cá giống xuống ao nên tắm cho cá bằng nước muối 3% (hòa tan 300 g muối trong 100 lít nước) trong 5-6 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây sát do vận chuyển.

Cá rô phi đơn tính đực

- Mật độ cá thả từ 2,5 - 3 con/m2 ao (nuôi năng suất 10 tấn/ha) và 5 con/m2 ao (nuôi năng suất 20 tấn/ha) để đạt cỡ cá thương phẩm trên 500 g/con sau 5-6 tháng nuôi. Nên thả cá giống cỡ lớn từ 5 -10 g/con để ít bị hao hụt trong khi nuôi.

Thả cá giống

- Mùa vụ nuôi: ở miền Bắc từ tháng 3 đến tháng 11, ở miền Nam có thể nuôi quanh năm. Tại những vùng thường bị ngập lụt, nên thả cá sau mùa mưa và thu hoạch trước mùa mưa năm sau. ví dụ, ở Quảng Nam thả cá giống vào tháng 2 - 3, thu hoạch vào tháng 9.

• Cho ăn vả chăm sóc

Thức ăn dạng viên nổi sử dụng cho nuôi thâm canh cá rô phi

- Thức ăn nuôi cá chủ yếu có 2 loại là thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến. Dùng thức ăn công nghiệp viên nén nổi và không tan trong nước sẽ hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm ô nhiễm nước ao. Giai đoạn đầu nên cho cá ăn thức ăn có hàm lựợng đạm cao 20%, khi cá lớn hơn 300 g/con cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm 18 - 20%.

Cách lựa chọn thức ăn và co ăn để đạt năng suất 10 tấn/ha áp dụng theo bảng 1

Bảng 1. Phương pháp cho ăn trong mô hình nuôi cá rô phi đạt năng suất 10 tấn/ha

Cỡ cá (g/con) Loại thức ăn công nghiệp Lượng thức ăn (% trọng lượng cá) Ghi chú
5 - 20 Dạng viên mảnh 5 Bón thêm phân đạm + lân: 1kg đạm + 2 kg lân cho 100 m2/tuần
20 - 100 Dạng viên nổi, 26% đạm 3 - 3,5 Bón thêm phân đạm + lân: 1kg đạm + 2 kg lân cho 100 m2/tuần
100 - 300 Dạng viên nổi, 22% đạm 3 Thay nước 1 lần/tháng
> 300 Dạng viên nén, 18% đạm 2 Thay nước 2 lần/tháng

- Cách bón phân vô cơ: Hòa phân đạm trong nước rải đều khắp mặt ao, sau đó hòa lân rải đều. Không trộn đạm với lân đế tránh phản ứng làm mất tác dụng. Chọn lúc trời nắng (9 -10 giờ sáng) bón phân vô cơ cho ao là thích hợp nhất.

- Thức ăn tự chế biến được làm từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương và được phối trộn hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng cho các cỡ cá nuôi. Nghiền nhỏ nguyên liệu, trộn đều với các chất kết dính như bột giòn, nấu chín, để nguội, vo lại thành nắm nhỏ hoặc qua máy đùn thành viên và cho cá ăn trong sàn ăn. Cho cá ăn từ từ từng ít một cho đến khi hết thức ăn, tránh để cá tranh nhau thức ăn quá mạnh, làm thức ăn bị tan vào nước gây thất thoát. Không nên cho cá rô phi ăn thức ăn dạng bột vì thức ăn bị tan vào nước vừa lãng phí vừa làm bẩn nước ao nuôi.

- Một số công thức thức ăn tự chế biến cho cá rô phi trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Một số công thức thức ăn tự chế biến cho cá rô phi

  Tỷ lệ phối trộn (% theo cỡ cá, g/con)
Nguyên liệu Cỡ cá Cỡ cá Cỡ cá Cỡ cá
5 - 20 g 20 - 200 g 200 - 300 g > 300 g
Bột cá 18 16 13 8
Khô đỗ 41 27 21 15
Cám gạo 22,5 30,5 31,5 35
Bột sắn 7 15 20 26
Ngô hạt 6 6 9 9
Bã dừa 4 4 4 3

 

  Tỷ lệ phối trộn (% theo cỡ cá, g/con)
Nguyên liệu Cỡ cá Cỡ cá Cỡ cá Cỡ cá
5 - 20 g 20 - 200 g 200 - 300 g > 300 g
Chất kết dính 0,5 0,5 0,5 0,5
Premix khoáng 0,5 0,5 0,5 0,5
Premix vitamin 0,5 0,5 0,5 0,5

- Không được dùng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến nhiễm Salmonella, nấm mốc, độc tố và không đưa các loại kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng vào thức ăn.

- Chia đều thức ăn làm 2 phần, cho cá ăn vào 8-9 giờ sáng và 3 - 4 giờ chiều. Cần cho cá ăn đúng giờ và 10 ngày ngừng cho ăn 1 ngày để kích thích cá thèm ăn và tăng cường khả năng ăn thức ăn tự nhiên trong ao.

Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá nuôi

- Cần theo dõi tăng trưởng của cá và 10 ngày điều chinh lượng thức ăn 1 lần cho phù hợp bằng cách theo dõi lượng thức ăn trong sàn cho cá ăn, nếu cá ăn hết thì cho thêm thức ăn, nếu có thức ăn thừa thì giảm lượng cho ăn.

Trong nuôi thâm canh đạt nâng suất 20 tấn/ha, cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nén nổi được chế biên riêng cho cá rô phi. Lượng cho ăn và hàm lượng đạm trong thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá (bảng 3).

Bảng 3. Phương pháp cho ăn trong mô hình nuôi cá rô phi đạt năng suất 20 tấn/ha.

Cỡ cá trung bình (g/con) Loại thức ăn công nghiệp Hàm lượng đạm (%) Lượng thức ăn (% trọng lượng cá trong ao/ngày)
5 - 10 Mảnh 30 10
10 - 100 Viên nổi ɸ1,5 - 2 mm 28 5,0
100 - 150 Viên nổi ɸ2 - 2,5 mm 26 3,0
150 - 300 Viên nổi ɸ2 - 2,5 mm 22 2,5
> 300 Viên nổi ɸ3 mm 18 - 20 1,5

• Chăm sóc: Thường xuyên quan sát mức nước trong ao. Giai đoạn đầu chu kỳ nuôi nên duy trì màu xanh của ao để tạo thêm thức ăn tự nhiên cho cá bằng cách bón thêm phân vô cơ theo bảng 1. Khi cá lớn hơn 300 g/con cần theo dõí thời tiết khí hậu, nhất là những ngày thời tiết thay đổi để cấp thêm nước hoặc thay nước nhằm hạn chế cá nổi đầu.

Theo dõi nếu thấy cá chết rải rác phải tham khảo ý kiến của cán bộ chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong nuôi cá thâm canh, hoạt động của máy quạt khí trong quá trình nuôi như sau: Từ tháng thứ 2 bắt đầu chạy máy quạt khí và tăng cường quạt khí về cuối vụ nuôi. Thời gian quạt khí từ tối đêm đến sáng hôm sau khi có ánh nắng mặt trời thì ngừng (khoảng từ 8 - 9 giờ tối đến 6 - 7 giờ sáng hôm sau). Kéo dài thời gian quạt khí vào những ngày trời không có nắng. Những ngày trời mưa to, nhiều gió cần giảm thời gian quạt khí.

- Chế độ thay nước: cần sử dụng các loại chế phấm sinh học hoặc thay nước nhằm cải thiện môi trường ao nuôi. Chế độ thay nước tích cực bắt đầu từ tháng nuôi thứ 3 đến hết chu kỳ nuôi (bảng 4).

Bảng 4. Chế độ thay nước cho ao nuôi thâm canh cá rô phi

Thời gian Tần suất thay nước (lần/tháng) Lượng nước thay 1 lần
Tháng thứ nhất Thêm nước 1/4
Tháng thứ hai Thêm nước 1/4
Tháng thứ ba 2 1/3
Tháng thứ tư 4 1/3
Tháng thứ năm 4 1/3 - 1/2
Tháng thứ sáu 4 1/2

• Thu hoạch

- Sau khi nuôi 5-6 tháng, thu hoạch cá đạt cỡ thương phẩm (500 g/con), những cá nhỏ hơn có thể nuôi tiếp 1 tháng nữa để đạt cỡ thương phẩm vì nuôi ờ mật độ thưa cá lớn rất nhanh.

- Để nâng cao chất lượng thịt cá và hạn chế mùi bùn, trước khi thu hoạch 1 - 2 tuần nên tích cực thay nước sạch cho ao.

Thu hoạch cá rô phi thương phẩm


Một số đặc điểm sinh học cá rô phi Một số đặc điểm sinh học cá rô… Phòng bệnh và trị bệnh cho cá rô phi Phòng bệnh và trị bệnh cho cá rô…