Kỹ Thuật Nuôi Cá Thát Lát Bằng Thức Ăn Công Nghiệp
Đây là mô hình mới được Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang chuyển giao tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, nhằm tạo tiền đề giúp người nuôi cá thát lát từng bước chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp để hạ giá thành, đáp ứng thị trường xuất khẩu...
Ông Trần Văn Sang, ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy - người thực hiện mô hình này vừa cho thu hoạch 30.000 con cá thát lát sau gần 6,5 tháng thả nuôi, được trên 14 tấn cá thương phẩm với giá 37.000 đ/kg, thu về lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Đây là vụ thả nuôi đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang tư vấn về kỹ thuật kết hợp giữa thức ăn tươi sống và công nghiệp.
Ông Sang đã có kinh nghiệm nuôi cá rô đồng từ gần 10 năm nay, dù mỗi năm cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng, nhưng vẫn chuyển đổi qua nuôi cá thát lát. Theo ông Sang, cá rô đồng giá bình ổn nhưng dễ bị bệnh, cá quá lứa rất khó bán, nhất là khi cá lên trứng.
Còn đối với cá thát lát thì ít bệnh hơn, rủi ro thấp, nếu biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Tuy cá thát lát nhiều lúc giá cả bấp bênh, nhưng nếu biết đoán trước thời vụ sẽ bán được giá. Điều quan trọng là cá thát lát càng để lâu càng bán được giá, chứ không như một số loài cá khác và xuất khẩu được.
Vụ thả nuôi vừa rồi nhờ có được nguồn cá giống tốt, kích cỡ đồng đều (khoảng 7-8 phân/con) nên tỷ lệ hao hụt rất ít, đến khi thu hoạch đạt sản lượng cao và bán được giá nên ông Sang thu lợi nhuận cao hơn vụ cá rô đồng của năm trước.
Theo ông Sang, mô hình nuôi thức ăn tươi sống trộn với thức ăn công nghiệp, do có chất kết dính nên không bị hao hụt thức ăn, cá lớn đều lại ít gây ô nhiễm nguồn nước. Nhờ vậy hầm cá của gia đình ông lúc cá còn nhỏ chỉ xử lý một lần/tháng, đến khi cá lớn cũng từ 10-15 ngày mới thay nước.
Sau đợt thu hoạch cá lần này, ông Sang sẽ cho cải tạo lại ao để tiếp tục thả lại 30.000 con thát lát giống để thu hoạch vào dịp Tết. Nếu vụ nuôi tới thành công, ông Sang sẽ thực hiện ương cá bố mẹ tiến tới nhân giống phục vụ nuôi và cung cấp giống cho các hộ nuôi lân cận.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang Phan Quốc Thứ cho biết, bước đầu mô hình nuôi cá bằng thức ăn tươi sống kết hợp thứ ăn công nghiệp được xem là thành công.
Mô hình này được ứng dụng từ đề tài nghiên cứu khoa học “nuôi cá thát hát bằng thức ăn công nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông thực hiện. Theo anh Thứ, do giá thức ăn tươi sống ngày càng cao, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng cá.
Trong khi đó, nếu sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá thát lát sẽ giảm chi phí khoảng 30% so với nuôi bằng thức ăn tươi sống. Vì thế, mô hình nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp sẽ cho hiệu quả cao. Hơn nữa, đầu ra của cá thát lát hiện nay không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, về giá cả vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ, vì vậy người nuôi cần tính toán thời vụ thả nuôi thích hợp. Tốt nhất là canh vào thời điểm cá mồi nhiều để giảm giá thành sản xuất, tăng nguồn lợi nhuận cho người nuôi. Về phía ngành sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng và từng bước thay thế hoàn toàn bằng nguồn thức ăn công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ