Kỹ thuật nuôi giữ cá qua đông
Phòng chống rét và nuôi giữ cá qua đông không chỉ giúp người dân giảm thiểu rủi ro, chủ động về nguồn giống chất lượng mà còn tạo điều kiện cho các hộ nuôi thâm canh tăng lên 2 – 3 vụ/năm.
Kỹ thuật nuôi giữ cá qua đông giúp giảm thiểu rủi ro, chủ động nguồn giống chất lượng
Chuẩn bị ao
Đối với kỹ thuật nuôi giữ cá qua đông, cần lựa chọn những ao ở khu vực khuất gió Đông Bắc, có cây cối hoặc nhà, đồi, núi che chắn, không sử dụng những ao xa khu dân cư, giữa cánh đồng.
Ao có diện tích từ 300 – 500 m2 đối với cá giống, cá thịt từ 1.000 m2 trở lên. Mực nước đảm bảo từ 1,5 – 2 m, có nguồn nước sạch ổn định, chủ động cho việc cấp và thoát nước. Các yếu tố môi trường phù hợp pH 6,5 – 7,5, hàm lượng ôxy hòa tan > 3 mg/l.
Dùng bèo tây thả xuống ao tránh gió lùa trực tiếp xuống nước làm giảm nhiệt độ nước. Diện tích bèo tây chiếm 2/3 diện tích mặt nước, không thả bèo kín ao vì sẽ gây thiếu ôxy cho cá. Ngoài ra, kết hợp dùng rơm, rạ bó thành những bó nhỏ thả xuống các góc ao và xung quanh bờ ao để tạo chỗ trú cho cá, giúp cá chống rét; khi rơm, rạ đã phân hủy, cần vớt lên thay bằng rơm, rạ khác.
Lưu ý trước khi thả
Trước khi đưa cá giống, cá thịt vào ao nuôi giữ qua đông, người nuôi phải tích cực chăm sóc; cho cá ăn đủ lượng và chất, bổ sung Vitamin C cho cá khỏe mạnh, sức đề kháng cao; cá giống phải đạt cỡ 4 – 6 cm trở lên.
Chăm sóc quản lý
Tùy vào giai đoạn mà sử dụng thức ăn cho phù hợp; độ đạm tối thiểu > 30%; bổ sung thêm Vitamin C với lượng 3 – 5 g/kg thức ăn.
Khi nhiệt độ >20 độ C tranh thủ cho cá ăn lượng 3% trọng lượng đàn cá, kết hợp với bón phân gây màu nước cho ao; Khi nhiệt độ từ 15 – 20 độ C giảm lượng thức ăn xuống còn 2% trọng lượng đàn cá; chọn thức ăn giàu tinh bột như bột đậu tương, cám gạo… và ngừng bón phân; Khi nhiệt độ <15 độ C dừng cho cá ăn.
Định kỳ bổ sung thêm nước để đảm bảo giữ mực nước trong ao đạt tiêu chuẩn 1,5 – 2 m. Trường hợp nước ao bị ô nhiễm, tiến hành thay nước và sử dụng các chế phẩm sinh học làm sạch nước.
Quản lý tốt các yếu tố môi trường như pH, hàm lượng ôxy hòa tan.
Đối với các giống thủy sản có giá trị khi nhiệt độ xuống quá thấp dưới 10 độ C, nên đưa cá giống lên bể che kín hoặc phủ bạt và sử dụng các biện pháp nâng nhiệt, sục khí. Đối với cá thịt đã đạt cỡ thu hoạch thì tiến hành thu trước khi mùa đông đến.
Định kỳ 2 tuần/lần sử dụng vôi với lượng từ 10 – 15 kg/100 m2/ao hoặc Iodine 1 lít/4.000 – 5.000 m3… khử trùng và kìm hãm sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau khi khử trùng 3 ngày tiếp tục sử dụng chế phẩm sinh học có thành phần gồm các vi khuẩn bacillus, lactobacillus… với liều lượng 100 g/2.000 – 3.000 m3 nước để cải tạo nền đáy ao.
Phòng bệnh
Trong thời gian này, không đánh bắt vận chuyển cá để tránh xây xát tăng nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn. Ngoài ra, cần chú ý điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cá; đối với ao nuôi vỗ cá bố mẹ sinh sản, cần tích cực bổ sung thức ăn như thóc mầm, đỗ tương… để cá thành thục, phát dục tốt. Nên cho ăn vào lúc trời ấm bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để cá có đủ sức chịu rét. Khi cần cấp nước bổ sung cho ao cá, chú ý đặt ống cấp nước vào góc ao để tránh xáo trộn tầng nước, đồng thời có biện pháp phòng bệnh định kỳ cho cá theo hướng dẫn của cán bộ thủy sản.
Xử lý bệnh
Vào mùa đông, cá thường mắc một số bệnh sau:
Bệnh nấm thủy mi
Cá bệnh trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường nước khoảng 15 – 20 độ C. Trị bệnh: Sử dụng methylen với liều lượng 2 – 3 lít/1.000 m nước ao nuôi hoặc Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước ao nuôi.
Bệnh trùng mỏ neo trên cá trắm cỏ, cá chép
Trùng hình mỏ neo ký sinh trên cơ thể làm cá ngứa ngáy, khó chịu, kém ăn, da mất sắc màu bình thường, bơi lờ đờ, phản ứng kém, gầy yếu và chết. Bệnh thường xảy ra vào các ao cá giống qua đông. Để trị bệnh, cần sử dụng lá xoan bó thành từng bó từ 10 – 15 kg/bó/100 m2 dìm xuống ao nuôi.
Bệnh hoại tử gan thận mủ trên cá da trơn
Khi bị bệnh, cá bơi lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt, xuất huyết trên cơ thể; khi mổ quan sát trên gan, thận có lốm đốm trắng, ruột tích nước. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường 18 – 23 độ C. Có thể sử dụng thuốc kháng sinh như Florphenicol, liều dùng 30 – 50 mg/kg/ngày trộn vào thức ăn cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày, kết hợp bổ sung Vitamin C, Beta-Glucan với lượng 3 g/kg thức ăn/ngày nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ