Tin thủy sản Kỹ thuật nuôi rắn ri cá trong vèo

Kỹ thuật nuôi rắn ri cá trong vèo

Tác giả Nguyển An, ngày đăng 10/07/2017

Kỹ thuật nuôi rắn ri cá trong vèo

Rắn ri cá (Homalopis buccata) là một loài rắn trong họ Colubridae. Thời gian gần đây, mô hình nuôi rắn ri cá mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ nuôi.

Nuôi rắn ri cá trong ao vèo  Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Chuẩn bị vèo

Kích thước mỗi vèo 3 x 2 m, diện tích 6 m2. Tất cả các vèo đều làm bằng lưới nilon đủ bảo đảm an toàn cho rắn ri cá không bò ra ngoài được. Bên trong vèo được thiết kế bằng lưới cước mịn, bên ngoài lưới cước lỗ để tránh các loài cá lớn, cua, chuột... cắn phá. Mỗi vèo cắm 6 - 8 cọc tre xung quanh để mắc lưới. Lưu ý vèo nuôi phải thoáng, ao mương sạch, nước ra vào thường xuyên. Đối với những vùng nguồn nước không tốt có thể nuôi không đặt ống cống mà 10 - 15 ngày xử lý nước bằng vôi bột, muối… tạt ao và giữ nước 3 ngày sau đó tháo nước ra. Có như vậy rắn ri cá mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Trong mỗi vèo cần thả lục bình. Việc này có tác dụng nhằm lọc sạch nước, tạo mặt ao mát mẻ và yên tĩnh, đồng thời cũng giúp cho rắn ri cá có nơi ẩn trú.

Chọn giống

Nguồn giống rắn ri cá có thể bắt ngoài tự nhiên hoặc mua. Con giống khỏe mạnh, đồng cỡ, không bị sẹo vết, đặc biệt là những con mắc câu bị gãy xương sống phải loại bỏ.

Mật độ

Mật độ trung bình có thể thả nuôi rắn ri cá là 17 con/m2. Khi rắn ri cá lớn, nên san bớt để đảm bảo rắn ri cá phát triển đồng đều.

Cho ăn và chăm sóc

Nguồn thức ăn cho rắn ri cá khá đa dạng từ các loại cá tạp như: rô phi, sặc, cá mè… Rắn ri cá thịt 3 ngày cho ăn 1 lần. Cho ăn từ 3 - 5% trọng lượng thân, tùy theo khả năng tăng trọng của rắn ri cá mà tăng hoặc giảm khẩu phần thức ăn. Thức ăn được làm vừa cỡ cho rắn ri cá ăn, khi cho ăn phải rải đều nơi có rắn ri cá. Cần cho rắn ri cá ăn đủ và đều để mau lớn. Lưu ý, không nên để thức ăn dư thừa, làm ô nhiễm nguồn nước. Chuẩn bị nguồn thức ăn sẵn từ các ao mương hiện có sẽ giúp người nuôi chủ động trong việc cung cấp thức ăn cho rắn ri cá. Có thể nuôi thêm ếch, nhái, cá trê... trong ao, vừa tận dụng thức ăn thừa, bớt ô nhiễm, vừa làm thức ăn tại chỗ cho rắn ri cá. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của rắn ri cá, phát hiện rắn bị bệnh hay bị thương tích cần được tách để chăm sóc riêng, khi khỏe nuôi chung. Khi thấy có hiện tượng rắn ri cá yếu ăn, cần thay đổi thức ăn và bổ sung B complex, Vitamin C để kích thích rắn ri cá ăn.

Nuôi rắn sinh sản

Đối với nuôi rắn ri cá sinh sản, 1 tuần cho ăn 1 lần. Mỗi năm, rắn ri cá sinh sản một lần, mỗi con đẻ 10 - 30 rắn con. Từ tháng 5 đến 6 âm lịch, cho rắn ri cá giao phối, thả nuôi tỷ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái sẽ tránh tình trạng rắn đẻ non (không có con). Chọn rắn bố mẹ trọng lượng từ 800 -1.300 g để cho sinh sản. Rắn ri cá nuôi phải chọn kích cỡ đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn.

Thu hoạch

Rắn ri cá giống nuôi từ 15 - 18 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,1 - 1,7 kg/con. Rắn ri cá bán với mức giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/kg. Rắn ri cá giống mỗi con từ 80 - 100 g được bán với giá 80.000 - 100.000 đồng.

Phòng bệnh

Trong quá trình nuôi, rắn ri cá có thể bị vi khuẩn tấn công gây xây xát hoặc lở miệng, bị đường ruột sình bụng, bỏ ăn hoặc cũng có thể bị nấm miệng. Dựa vào các biểu hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời và đúng đắn, tránh tổn thất.

>> Rắn ri cá là loài không độc, dễ nuôi, lớn nhanh và chất lượng thịt ngon, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, nguồn thức ăn đa dạng. Trên đây là kỹ thuật về mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo, hy vọng sẽ giúp bà con có thêm kiến thức để áp dụng thực tiễn.


Tôn vinh những người… thi gan với giời Tôn vinh những người… thi gan với giời Nâng cao hiệu quả giám sát dịch bệnh trên tôm Nâng cao hiệu quả giám sát dịch bệnh…