Kỹ thuật nuôi thỏ sinh sản
Nuôi thỏ đang là xu hướng được nhiều nhà nông quan tâm bởi dễ nuôi và lợi nhuận cao. Để nuôi thỏ đạt năng suất tốt thì việc chọn con đực, cái giống và chăm sóc thỏ sinh sản là rất quan trọng.
Chọn thỏ cái có nguồn gốc thỏ mẹ đẻ sai, nuôi con tốt
1/ Chọn giống
Chọn thỏ con làm giống
Chọn thỏ con nhanh lẹ trong bầy có cha, mẹ tốt, thỏ làm giống có thể cai sữa muộn hơn khoảng 6 tuần tuổi thay vì 3 - 4 tuần.
Sau khi đã cai sữa nên tách riêng con cái và đực ngay hoặc có thể lùi lại 1 - 2 tuần sau. Khi cai sữa thỏ con, bắt thỏ mẹ ra khỏi chuồng và để thỏ con ở lại chuồng cũ để tránh kích xúc về mặt chuồng trại, di chuyển. Chích ngừa cho thỏ phải tránh lúc thỏ yếu và 2 lần chích phải cách nhau khoảng 1 tháng.
Khi thỏ được 4 tháng thì tách riêng từng con và nuôi trong lồng riêng; sau đó đánh số cho thỏ giống để phân biệt và lập phiếu kiểm soát sinh trưởng; sinh sản của thỏ cái và thỏ đực.
Chọn thỏ cái
Chọn thỏ to con nhưng không quá mập; dài và rộng ngang nhau, nhất là phần mông; đầu tương đối nhẹ; lông mướt mịn. Thông thường khó chọn được thỏ cái tốt nếu chỉ căn cứ vào hình dáng bên ngoài. Vì thế cần chọn những con thỏ cái mà mẹ nó đẻ sai, nuôi con tốt.
Chọn thỏ đực
Chọn thỏ đực tương đối quan trọng, vì nó có khả năng truyền đặc tính của mình rộng rãi hơn thỏ cái. Tiêu chuẩn chọn thỏ đực: to con, đầu to vừa phải; ngực, mông và vai to; lưng rộng; chân sau to; phải đạt tiêu chuẩn về trọng lượng qui định cho mỗi giống thỏ.
2/ Chăm sóc thỏ sinh sản
Cách chăm sóc thỏ đực
Yêu cầu đối với thỏ đực là phối được nhiều thỏ cái và đạt tỷ lệ thụ thai cao, thường đạt tỷ lệ trung bình trên 70%. Tránh thỏ đực quá béo hay quá gầy. Tránh cho thỏ ăn quá nhiều làm cho thỏ đực lười, sản xuất tinh trùng kém. Chế độ ăn ngoài rau cỏ cần bổ sung thêm lúa, bắp hay đậu, có thể cho ăn lúa 3 ngày liên tục, kết quả phối giống thụ thai sẽ rất tốt. Thức ăn cần giàu đạm và vitamin nhất là vitamin A và E vì chúng có vai trò quan trọng trên cơ sở phát triển tế bào và mô cơ. Thường một thỏ đực có thể phối cho từ 9 - 12 thỏ cái. Tuổi thỏ đực có thể sử dụng từ 8 - 12 tháng tuổi.
Tuổi cho thỏ sinh sản
Nên phối cho thỏ ở giai đoạn 8 tháng tuổi đối với thỏ đực và 6 tháng đối với thỏ cái. Ở các trại giống thì thỏ cái sinh sản là 8 tháng và thỏ đực là 10 tháng.
Một thỏ đực có thể nhảy 8 - 12 thỏ cái (trung bình là 10 con). Thời gian sử dụng thỏ giống tùy thuộc vào: số con thỏ cái đẻ và tình trạng sức khỏe thỏ cái. Nếu thỏ cái đẻ 5 lứa/năm thì có thể sử dụng trong vòng 3 năm, sau đó vỗ béo bán thịt. Với thỏ đực có thể sử dụng trong 3 năm tùy tình trạng sức khỏe và khả năng sai con của nó.
3/ Phối giống và đẻ
Thỏ cái lên giống
Trường hợp thỏ cái không chịu cho thỏ đực nhảy thì có thể kích thích thỏ cái như sau: bỏ thỏ cái vào lồng thỏ đực trong vài giờ sau đó bắt thỏ cái ra. Hoặc là bỏ một nắm cỏ của lồng thỏ đực cho vào trong lồng thỏ cái, cũng có thể nhốt thỏ cái kế lồng thỏ đực từ 24 - 48 giờ. Sau đó thỏ cái có thể chịu cho nhảy. Cũng có thể dùng các loại kích dục tố để kích thích thỏ cái lên giống và chịu cho đực phối trong những trường hợp thỏ cái không có biểu hiện lên giống và không cho thỏ đực nhảy.
Cho thỏ phối giống
Thường cho thỏ phối giống vào sáng sớm hay chiều mát, nếu phối trong điều kiện nóng sẽ không thuận lợi do stress nhiệt.
Bắt thỏ cái bỏ nhẹ nhàng vào lồng thỏ đực, không nên bắt thỏ đực bỏ vào lồng thỏ cái do có thể làm cho thỏ đực hoảng sợ với môi trường mới không chịu phối. Phải quan sát thỏ nhảy, khi nhảy được thỏ cái, thỏ đực sẽ kêu lên một tiếng và ngã sang bên cạnh là đạt. Chỉ nên cho thỏ nhảy từ 1 - 2 lần, không nên để thỏ cái trong lồng thỏ đực suốt đêm làm mất sức cả thỏ đực và cái. Cách dùng 2 thỏ đực khác nhau để nhảy 1 thỏ cái có hạn chế là: không xác định được di truyền con đực nào và thỏ cái yếu sức sẽ không chịu đực.
Chăm sóc thỏ cái có thai
Thời gian mang thai của thỏ là 30 ngày, có thể sớm hoặc muộn hơn 1 - 2 ngày. Sau khi cho thỏ nhảy nếu khoảng 6 - 7 ngày sau mà thỏ cắn cỏ, lông để làm ổ thì có thể kết luận là thỏ không có thai. Thỏ có thai thì nên đặt thỏ ở nơi yên tĩnh, kín đáo và sau 14 - 15 ngày thì khám thai, không nên khám thai sau ngày thứ 18.
Cách khám thai:
Bằng tay: bắt thỏ cái đặt nhẹ nhàng trên mặt nhám, tay phải nắm lỗ tai và vai thỏ, tay trái đặt dưới mình thỏ giữa 2 chân sau và trước vùng xương chậu, đặt ngón cái một bên và 4 ngón còn lại một bên, lướt nhẹ nhàng từ trước ra sau, nếu gặp một cục tròn nhỏ như sâu chuỗi là thỏ có thai. Nên phân biệt với phân thỏ nằm gần xương sống và trực tràng.
Sau đó cho thỏ vào lồng rộng hơn, có nước uống thường xuyên, có cỏ đầy đủ và thêm thức ăn bổ sung, bột cá, bánh dầu.
Cho thỏ đẻ
Căn cứ vào ngày phối ghi chép để chuẩn bị ngày thỏ đẻ. Thông thường thời gian mang thai của thỏ là 1 tháng, tuy nhiên thỏ có thể đẻ sớm hay muộn hơn 1 - 2 ngày. Ta cần thiết phải chuẩn bị ổ đẻ cho thỏ, ổ có thể được đóng bằng gỗ hoặc dùng các rổ bằng tre hay nhựa, cho vào một ít vải vụn. Trước khi đẻ, thỏ mẹ sẽ cắn lông ở bụng và lót vào ổ. Thỏ đẻ nhanh (khoảng 15 - 20 phút) và tự ra nhau thai. Cần theo dõi để đem thỏ con ra, đôi khi giúp mở bao ối tránh thỏ con bị ngộp; ngoài ra còn tránh thỏ mẹ đạp, cắn hoặc ăn con (nhất là ở lứa đầu) sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt, đồng thời lấy nhau thai chôn đi.
Chăm sóc giai đoạn đầu đời
- Cho thỏ sơ sinh bú là điều quan trọng, nếu thực hiện cẩn thận và đầy đủ sẽ nâng cao số con còn sống sau cai sữa. Sự thất bại thường xảy ra ở giai đoạn này. Thỏ con cần được sự giúp đỡ để bú mẹ, đặc biệt là thỏ mẹ ở lứa đầu, mỗi ngày cho bú chỉ 1 lần vào buổi sáng. Thỏ con sơ sinh có thể tách ra khỏi mẹ để vào ổ lót bằng nhựa nơi khô ráo, ấm áp và tránh bị thỏ mẹ vào ổ đẻ bới con văng ra hay đè chết. Thỏ con bú đầy đủ sẽ ngủ yên và da căng bóng, trường hợp thiếu sữa thỏ sẽ cựa quậy nhiều và nhăn da, gầy còm.
- Thỏ mẹ sau khi sinh nên được tiêm kháng sinh 3 ngày để phòng viêm nhiễm sinh dục (viêm tử cung, viêm vú). Có thể tiêm một trong các loại kháng sinh sau: Forloxin (1 ml/8 - 10 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục) hoặc Vime-Apracin (1 ml/5 - 7 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục) hoặc Ceptiket (1ml/10 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục)
- Bồi dưỡng: Do chu kỳ khai thác rất ngắn, nên cần bồi dưỡng tốt, có thể dùng thêm các loại sản phẩm sau theo cách xen kẻ, mỗi ngày một loại, 1 liều tiêm dưới da: Vime Canlamin (1 ml/5 kg thể trọng) hoặc Vime-ATP (0,5 - 1 ml/con) hoặc Canxi-Magne (0,5 - 1 ml/con) hoặc Vimekat (1 ml/5 kg thể trọng)
- Ngày thứ 3 có thể cho thỏ mẹ phối lại nếu thấy thỏ mẹ không mất sức, tiêm thêm: Poly AD (tiêm bắp 0,2 - 0,3 ml/con)
- Thỏ con rất dễ nhiễm E.coli từ môi trường nuôi, từ mẹ… nên có thể phát bệnh từ rất nhỏ (ngay tuần đầu). Việc điều trị tương đối khó do thỏ thường bị nhiễm khuẩn huyết, biểu hiện thần kinh như: nghiêng đầu, ngoẹo cổ, run giật, giật bắn khi bị chạm trúng mình, bụng trướng,… và chết. Có thể áp dụng biện pháp phòng bằng kháng sinh ở ngày thứ 5 - 7 với: Aralis (1 ml/5 kg thể trọng uống 3 ngày liên tục).
- Bệnh cầu trùng gây ảnh hưởng trên thỏ rất nặng nề và khó điều trị, nhất là cầu trùng gan. Nên phòng cầu trùng ngay từ giai đoạn đầu đời. Dùng Vicox Toltra, 1 ml/2,5 kg thể trọng.
- Thỏ mở mắt từ 9 - 13 ngày, có thể tập ăn tại lồng của thỏ con bằng rau xanh tốt và các loại thức ăn bổ sung có chất lượng mà không cần cho theo mẹ. Như vậy chúng ta tạo điều kiện để cai sữa tốt và thỏ mẹ ít bị ảnh hưởng bởi thỏ con. Thông thường chúng ta cai sữa chúng từ 30 - 35 ngày tuổi.
- Cần tiêm phòng bệnh nguy hiểm nhất và rất phổ biến ở Việt Nam đối với thỏ là bệnh xuất huyết thỏ lúc 2 tháng tuổi. Dùng Vaccine xuất huyết thỏ liều 1 ml/con. Nên lập lại liều 2 sau đó 4 tuần để tăng cường miễn dịch, sau đó định kỳ 5 - 6 tháng lập lại một liều.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ