Nuôi thỏ Kỹ thuật nuôi thỏ thịt

Kỹ thuật nuôi thỏ thịt

Tác giả Gia Phong, ngày đăng 03/07/2018

Kỹ thuật nuôi thỏ thịt

Chuồng thỏ được làm từ những vật liệu như tre, nứa, bương, gỗ, sắt đảm bảo cho thỏ hoạt động thoải mái, dễ dàng vệ sinh, cho ăn, chăm sóc.

Chuẩn bị chuồng nuôi thỏ

Chuồng thỏ được làm từ những vật liệu như tre, nứa, bương, gỗ, sắt đảm bảo cho thỏ hoạt động thoải mái, dễ dàng vệ sinh, cho ăn, chăm sóc. Chiều cao chuồng 45 - 50 cm, rộng 70 - 75 cm, dài bằng rộng. Chuồng nên làm bằng nan vót nhẵn, chia làm hai hoặc bốn ngăn. Đáy chuồng cần làm bằng nan thẳng, khoảng cách giữa các nan 1,25 - 1,5 cm tránh cho thỏ không bị kẹt chân, đồng thời để chuột không chui vào cắn thỏ.

Máng thức ăn thô, máng ăn tinh, chậu nước uống phải được thiết kế tại vị trí thuận lợi giúp thỏ dễ ăn, uống và không thể thải phân và nước tiểu hoặc nằm được vào máng ăn, không cào bới được thức ăn ra chuồng. Máng ăn thường được làm từ ống nhựa có đường kính 110 mm, cắt khúc 8 - 9 cm, dùng làm khuôn đổ xi măng.

Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn cho thỏ gồm có thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh và thức ăn chế biến. Thức ăn thô, xanh là các loại như lá ngô, su hào, bắp cải, lá cây đậu, lạc, xoan, sung, mít, lá đu đủ, lá chuối, cỏ ghi-nê, chè đại, cỏ voi... Cho thỏ ăn theo nhu cầu, nên sử dụng đa dạng các loại thức ăn xanh và được thu hái từ nguồn sạch sẽ. Nếu không sử dụng hết nguồn thức ăn này một lúc có thể phơi kỹ, bó lại để dự trữ. Thức ăn tinh là các loại củ quả như ngô, khoai, sắn, thóc, lúa. Không nên sử dụng thức ăn khô, cứng, có thể dùng cơm trộn cám hoặc cám nấu. Để nuôi công nghiệp đạt hiệu quả cao cần bổ sung thêm lượng thức ăn công nghiệp loại chuyên dùng nuôi thỏ hoặc thức ăn dành cho lợn từ 30 kg trở lên, có hàm lượng đạm 15 - 20%. Có thể phối trộn thức ăn cho thỏ theo công thức: 60% bột ngô + 10 - 15% (cám gạo, cám sắn) + 15 - 20% cám công nghiệp. Sau khi trộn đưa vào máy ép thành viên sử dụng ngay hoặc phơi khô sử dụng trong nhiều ngày.

Cách nuôi thỏ thịt

Cách cho ăn: Đầu giờ sáng cho thỏ uống nước (nếu không có hệ thống uống nước tự động). Cho thỏ ăn 4 bữa vào sáng, trưa, chiểu, tối, lượng thức ăn chiếm 5 - 8% trọng lượng cơ thể. Bữa sáng vào lúc 6 - 7 giờ, sử dụng thức hỗn hợp tinh, thức ăn tự chế. Bữa trưa vào lúc 10 - 11 giờ, cho ăn thức ăn thô xanh. Bữa chiều vào lúc 15 - 16 giờ, cho ăn thức ăn củ quả (khoai, sắn tươi, bí đỏ, su su...). Bữa tối, lúc 20 - 21 giờ cho ăn thức ăn thô, xanh, với lượng nhiều gấp 2 - 2,5 lần ban ngày. Có thể thêm thức ăn tự phối trộn. Nuôi thỏ thịt nên giảm bớt ánh sáng buổi chiều vào lồng, chuồng, tạo không gian yên tĩnh cho thỏ nghỉ ngơi, ngủ, ít hoạt động. Trước khi xuất chuồng 7 - 8 ngày, giảm cho ăn rau cỏ, lá cây (thức ăn thô xanh, thô khô).

Quy trình nuôi

Quy trình nuôi thỏ thịt được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: (30 - 70 ngày tuổi) đây là giai đoạn thỏ sau cai sữa. Thời gian này thỏ đực, cái vẫn nhốt chung lồng, chuồng; chúng không được bú mẹ, phải thích ứng hoàn toàn với thức ăn mới (thức ăn thô xanh, thức ăn tinh…). Vì vậy, cần dùng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao, nhiều Vitamin A, B, C. Không cho ăn nhiều thức ăn tinh (cơm, ngô, gạo, khoai sắn khô). Nên cho ăn các loại lá cây, loại cây cỏ như lá dâu, lá sắn, lá keo đậu, lá đậu đỗ, lá cúc tần... Hoặc có thể chỉ cần sử dụng cám viên với lượng 10 - 15 g/con/ngày và tăng dần về sau hoặc 5 - 10 g/con/ngày và sử dụng thêm cỏ. Đặc biệt, trong giai đoạn này không nên cho thỏ ăn uống tùy tiện, sai kỹ thuật, thỏ sẽ chết tỷ lệ cao do tiêu chảy, nhiễm bệnh cầu trùng, sán lá gan, Ecoli... từ thức ăn, nước uống...

Giai đoạn 2: (70 - 100 ngày tuổi) là giai đoạn thỏ nhỡ. Thời gian này thỏ nuôi vỗ béo thịt tách nuôi riêng không nhốt chung, hầu hết thỏ đực không chọn làm giống, thỏ cái xấu, không đủ tiêu chuẩn cũng loại nuôi thịt. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cần cung cấp thức ăn giàu protein (đạm), giàu vitamin để thỏ phát triển chiều dài, chiều rộng, chiều cao. Phát triển các tế bào cơ, xương, các cơ quan nội tạng. Nuôi đúng kỹ thuật, trọng lượng cuối giai đoạn sẽ đạt 2 - 2,5 kg/con.

Khẩu phần thức ăn của thỏ khối lượng lớn vẫn là lá cây, các loại rau cỏ trồng và có trong tự nhiên, bổ sung thêm khoai, sắn khô, cám gạo, bột ngô, khô lạc... để thỏ tăng trọng nhanh, thời gian xuất chuồng đúng tuổi.

Giai đoạn 3: (100 - 120 ngày tuổi) là giai đoạn vỗ béo thỏ. Vật nuôi cần lượng thức ăn tinh bằng khoảng 1/9 - 1/10 lượng thức ăn thô xanh.

Phương pháp phòng bệnh tổng hợp

Thỏ là một loại gia súc yếu, rất nhạy cả, với các yếu tố ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết và có thể chết hàng loạt. Vì vậy, trong quá trình nuôi thương phẩm cần chú ý đến vệ sinh, phòng bệnh cho thỏ. Phương châm phòng bệnh chính là thực hiện 3 nguyên tắc: ăn sạch, ở sạch, uống sạch và đảm bảo môi trường chăn nuôi luôn sạch sẽ. Định kỳ bổ sung vitamin cho thỏ để tăng cường sức đề kháng và chống stress; đặc biệt, khi thời tiết và môi trường sống thay đổi cần bổ sung liên tục trong 3 - 5 ngày. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là sử dụng vaccine đối với một số bệnh thông thường và gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện, nuôi nhốt riêng và điều trị kịp thời; không nuôi nhốt chung thỏ với các loại vật nuôi khác.

Định kỳ hàng tháng phun thuốc khử trùng một lần; nên rắc vôi khử trùng tiêu độc. Cần tránh cho người lạ ra vào khu chăn nuôi đề phòng lây bệnh từ người sang thỏ. Hàng ngày phải quét dọn phân, rác đọng ở đáy, góc chuồng.

>> Thỏ có thể chuyển hóa tốt 20% protein chúng ăn được thành thịt trong khi lợn chỉ chuyển hóa 16 - 18%, bò là 8 - 12%.


Kinh nghiệm chăn nuôi thỏ thịt Kinh nghiệm chăn nuôi thỏ thịt Cách làm trại thỏ đơn giản và đúng kỹ thuật Cách làm trại thỏ đơn giản và đúng…