Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao
1. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao
a. Địa điểm xây dựng ao nuôi
Ao nuôi tôm càng xanh thường được xây dựng ở vùng cấp và thoát nước dễ dàng có thể bằng thủy triều hay máy bơm. Nguồn nước cần ổn định về chất lượng ( pH = 7 – 8, nhiệt độ 26 – 320C và Oxy hòa tan > 4mg/l). Đặc biệt là không bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp hay hóa chất trong nông nghiệp. Những khu vực nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (thấp hơn 10%o) vẫn có thể nuôi tôm càng xanh.
b. Tính chất đất
Một trong những tính chất quan trọng nhất của đất đối với ao nuôi là tính giữ nước và không sinh phèn. Đất sét, thịt pha sét đều đảm bảo được chức năng giữ nước. Tuy nhiên cũng cần khảo sát đặc tính của đất về thành phần cơ học, độ phèn (độ sâu tầng sinh phèn…) từ đó xác định phương án xây dựng ao.
c. Công trình ao nuôi
Hình dạng và kích cỡ ao nuôi: Ao thường có hình chữ nhật, kích thước thích hợp và phổ biến là 0,2 – 0,6 ha. Mức nước thích hợp từ 1 – 1,2m. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ, không hang hốc làm nơi trú ẩn cho các sinh vật hại tôm. Mặt bờ rộng ít nhất là 2m nhằm giúp cho việc đi lại chăm sóc tôm thuận lợi. Độ nghiêng đáy ao từ 3 – 5%.
Cống: Mỗi ao nuôi cần ít nhất là một cống (cống gỗ hay cống xi măng dạng lỗ hay dạng ván phay). Nếu hai cống thì đặt một cống cấp, một cống tiêu về 2 phía của ao nuôi. Kích thước cống tùy thuộc vào kích thước ao nuôi cũng như khả năng trao đổi nước cấp và thoát được thuận tiện.
d. Chuẩn bị ao
Trong nuôi tôm, công việc chuẩn bị ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng, để có một ao nuôi tôm chuẩn bị tốt nên thực hiện các bước sau:
Vệ sinh ao: sau mỗi vụ nuôi, ao nhất thiết phải nạo vét lớp bùn đáy nếu có thể nên loại bỏ hết lớp bùn lắng tụ ở đáy ra ngoài, nhằm giảm bớt mầm bệnh và các chất khí độc tồn tại ở đáy ao.
Phơi đáy ao: ao cần phơi khô đáy 2 – 7 ngày, công việc này giúp oxy hóa các vật chất hữu cơ còn lại ở đáy đồng thời giải phóng các khí độc như H2S, NH3, CH4… trong đất đáy ao. Tuy nhiên các ao đáy bị phèn không được phơi đáy ao quá khô và cày bừa sẽ làm tầng sinh phèn (pyrite) bị oxy hóa và gây nước ao bị phèn. Lớp đất bị phèn nên loại bỏ khỏi bờ ao hay có kế hoạch xử lý nếu không chúng cũng bị oxy hóa và tạo phèn chảy xuống ao khi trời mưa.
Kiểm tra pH đất đáy ao: việc này giúp xác định đúng lượng vôi sử dụng nhằm nâng pH nước lên cao nếu cần. Phương pháp đo pH đất đáy ao đơn giản là lấy một ít đất đáy ao đem pha trộn với nước ở tỷ lệ 1:1 rồi dùng máy đo trực tiếp hay dùng giấy quì tím (khi dùng giấy quì thì nhỏ cẩn thận 1-2 giọt vào một mặt giấy và xem mặt kia).
Bảng 1: Cách tính toán lượng vôi theo bảng sau.
pH đất | Lượng vôi bột sử dụng (kg/m2) |
7 6.5 6 5.5 5 4.5 4 | 10 13 17 22 25 30 34 |
Trong trường hợp có cá tạp xuất hiện trong ao thì phải diệt trước khi đưa đủ nước để thả giống có thể dùng bột trà hay còn gọi là Saponine10-13% với liều lượng dùng: 20mg/lít hay dây thuốc cá (chứa Retenone) với liều lượng dùng: 4g/m3.
Tuy nhiên, tính độc của Saponine và Retenone xảy ra mạnh ở nhiệt độ cao vì vậy nên chọn thời điểm lúc trời nắng đẹp hoặc vào buổi sáng 9 – 10giờ để xử lý. Một ngày sau khi đã xử lý thì tiếp tục lấy nước vào (qua lưới mịn) đến khi mức nước đạt 1 – 1,2m thì tiến hành gây màu nước.
e. Gây màu nước
Ao nuôi cần được bón phân gây màu nước để động vật phù du và thực vật phù du phát triển tạo bóng râm cho đáy sẽ ngăn cản sự phát triển của các loại rong có hại đồng thời tạo môi trường ổn định cho tôm nuôi và tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.
Phân bón cho ao thường dùng các loại phân vô cơ với liều lượng như sau:
+ Ngày thứ nhất lúc 16 – 18h bón Ca(MgCO3)2 với lượng 7 – 10kg/1000m3
+ Ngày thứ hai bón kết hợp NPK 1kg/1000m3 và urê 1kg/1000m3
Phân bón trên được hòa tan trong nước rồi tạt đều khắp ao vào lúc 9 – 10h sáng để kích thích tảo phát triển
Chiều ngày thứ hai lúc 16 – 18h bón D 100: 7 – 10kg/1000m3
+ Ngày thứ ba: lúc 9 – 10h sáng bón tiếp
NPK : 0,5kg/1000m3
Urê : 0,5kg/1000m3
+ Ngày thứ tư : lúc 9 – 10h sáng bón NPK: 0,5kg/1000m3
Làm như vậy tảo sẽ phát triển tốt duy trì sự phát triển của sinh vật phù du. Đối với những ao khó gây tảo có thể áp dụng phương pháp sau:
+ Cám gạo chà: 2kg
+ Bột đậu nành: 2kg
+ Bột cá 1kg
Bột đậu nành và cám rang chín sau đó nấu chung với bột cá, hòa tan với nước tạt đều khắp ao làm liên tục hai ngày vào lúc 9 – 10h sáng mỗi ngày.
Sau khi bón phân 3 – 4 ngày sinh vật phù du phát triển trong ao làm cho nước ao có màu xanh lục hoặc nâu vàng là được, kiểm tra độ trong đạt 40 – 45cm thì tiến hành thả tôm giống.
f. Thả giống nuôi
Tùy theo kích cỡ giống và cách thức nuôi (nuôi đơn hay nuôi kết hợp) và mức độ nuôi bán thâm canh hay thâm canh mà mật độ thả có thể khác nhau.
– Trong nuôi đơn: tôm càng xanh giống tự nhiên (3 – 5g/con) có thể thả ở mật độ 4 – 6 con/m2, còn với tôm giống nhân tạo cỡ (PL15) thì thả 10 – 15 con/m2.
– Trong trường hợp nuôi kết hợp với cá (như chép, rôphi, mè trắng, mè vinh…) thì mật độ thả từ 2 – 3 con/ m2 đối giống tự nhiên, và 8 – 10 con/ m2 đối với giống nhân tạo. Mật độ thả cá dao động từ 1 – 2con/ m2 tính chung cho các loài cá.
Hiện nay, trong nuôi tôm càng xanh việc thả giống đơn tính (toàn đực) cũng đang được chú ý bởi lẽ tôm đực lớn nhanh và cho sản lượng cao.
Tuy nhiên, việc tách đàn tôm đực và cái đối với tôm kích cỡ nhỏ thường không dễ dàng thực hiện. Có thể thả nuôi chung đực và cái và sau sau 3 – 4 tháng nuôi tôm cái sẽ mang trứng, thu tôm cái bán và giữ lại tôm đực nuôi tiếp.
g. Quản lý ao nuôi
Thức ăn và cho ăn: có thể sử dụng 2 dạng thức ăn đó là thức ăn viên và thức ăn tươi sống. Tùy theo điều kiện của từng người nuôi mà chọn loại thức ăn cho phù hợp, đảm bảo hàm lượng đạm từ 25-30%.
Bảng 2: Lượng thức ăn viên cho tôm
Trọng lượng tôm (g/con) | Lượng thức ăn (% trọng lượng đàn tôm) |
2,5 – 3,04,0 – 5.06,0 – 9,010 – 1314 – 20 21 – 27 28 – 34 35 – 40 | 6,55,54,2 – 4,53,7 – 4,03,0 – 3,5 2,5 – 2,7 1,7 – 2,0 1,0 – 1,4 |
Tôm tìm thức ăn là do mùi nhờ cơ quan xúc giác râu. Giai đoạn nhỏ (1 tháng đầu sau khi thả) tôm bơi lội tìm thức ăn trong nước và hầu hết là thức ăn tự nhiên (Plankton) hay còn gọi là thức ăn phù du có sẵn trong nước.
Giai đoạn này cơ quan xúc giác chưa phát triển đầy đủ nên chúng chưa thể tìm mồi tốt, vì vậy cần rãi thức ăn ra khắp ao để tôm dễ bắt mồi, cũng có thể trộn thức ăn chế biến và tươi sống với nhau để gây mùi tạo cảm giác cho tôm dễ bắt mồi.
Các giai đoạn tiếp theo cơ quan thính giác của tôm phát triển hoàn chỉnh và tự đi tìm thức ăn được nên có thể cho tôm ăn ở những điểm nhất định trong ao.
Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khoẻ tôm: do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tuỳ thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.
Kể từ 1,5 tháng tuổi trở đi, hàng tuần phải theo dõi tốc độ tăng trưởng (tính đồng đều) của tôm bằng sàng ăn, chài và kết hợp với chu kỳ lột xác để có thể kích thích tôm lột xác đồng loạt và thay đổi thức ăn và khẩu phần ăn cho phù hợp.
h. Quản lý chất lượng môi trường ao nuôi
* Độ pH :
– pH là một ký hiệu dùng để diễn tả mức độ chua hoặc kiềm của nước và đất. Người ta chia độ pH ra làm 14 bậc từ 1 – 14. pH = 7 là môi trường trung tính, pH < 7 là môi trường axit, pH > 7 là môi trường kiềm.
– Độ pH thích hợp để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là pH = 7,5 – 8,5. Nếu pH càng thấp hoặc càng cao thì càng ảnh hưởng xấu đến đời sống của tôm và có thể làm cho tôm bị chết.
Trong quá trình nuôi tôm ta cần điều khiển môi trường nước để pH nằm trong khoảng pH = 7,5 – 8,5. Tốt nhất là pH = 8 vào buổi sáng và 8,5 vào buổi chiều. Nếu đủ khả năng điều khiển môi trường, thì khống chế pH tối đa không > 8,5 và độ biến động trong ngày < 0,5.
– Trong suốt vụ nuôi tôm, nếu không có vấn đề gì bất thường xảy ra về biến động pH ta nên định kì dùng vôi CaCO3 hoặc Dolomite bón cho ao với lượng 10kg/1000m3/lần/tuần.
* Nhiệt độ nước :
Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến khả năng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng của tôm.
Nhiệt độ thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm ở trong khoảng 25 – 300C. Ngoài phạm vi trên, nhiệt độ ảnh hưởng xấu đến đời sống của tôm. Nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá đều có thể làm cho tôm bị chết.
Nhiệt độ nước ao hồ thường phụ thuộc vào nhiệt độ của không khí, nhưng mức độ biến thiên chậm hơn nhiệt độ của không khí.
Càng xuống sâu nhiệt độ của nước càng ổn định hơn. Bởi vậy về mùa lạnh, nhiệt độ nước ở tầng đáy ao hồ ấm hơn ở tầng mặt và ngược lại về mùa nóng, nước ở tầng đáy lại mát hơn.
Vì vậy ở các ao hồ nuôi tôm, để hạn chế ảnh hưởng xấu của nhiệt độ nước đến tôm ta phải duy trì độ sâu của nước ao từ 1,2 – 1,5m là tốt.
* Ôxy hòa tan trong nước :
Cũng như các loại động vật khác, tôm rất cần có oxy để thở. Khác với động vật trên cạn, tôm sống ở dưới nước hô hấp bằng mang nhờ oxy hòa tan trong nước.
– Lượng Oxy hòa tan thích hợp cho tôm > 5mg/l.
– Lượng Oxy hòa tan trong nước do hai nguồn cung cấp.
+ Thứ nhất : Do hoạt động quang hợp của thực vật thủy sinh tạo ra … và đây là nguồn chính cung cấp oxy cho nước ao.
+ Thứ hai : Do sóng gió và tác động cơ học khác (chẳng hạn như sục khí) làm cho oxy trong không khí hòa tan vào trong nước ao.
Đồng thời Oxy trong ao nuôi tôm cũng mất đi do :
– Sinh vật trong ao hô hấp.
– Sự phân hủy các chất hữu cơ.
Thông thường hàm lượng oxy hòa tan trong ao cao nhất vào lúc 15 – 17 giờ và thấp nhất vào lúc 1 – 7 giờ sáng hàng ngày. Đó là lý do về ban đêm và lúc sáng sớm tôm thường bị nổi đầu do thiếu oxy, nếu ao nuôi dày mà không trang bị máy sục khí.
– Quản lí Ôxy trong ao bằng các biện pháp sau :
+ Điều khiển và kiểm soát mật độ sinh vật phù du. Duy trì độ trong, trong ao nuôi tôm ở mức 30 – 40cm,
+ Lắp đặt hệ thống quạt nước và sục khí nhằm tăng Oxy hòa tan và phân bố đồng đều Oxy ở các tầng nước, tạo ra dòng chảy gom các chất thải vào giữa ao để có nền đáy sạch cho tôm ăn thức ăn.
+ Máy quạt nước cũng làm cho H2S và NH3 thoát ra khỏi môi trường nước không gây độc cho tôm.
* Độ trong :
Màu nước trong ao nuôi tôm được xem là tốt nếu có màu xanh vàng hoặc nâu vàng, và có độ trong 30 – 40cm.
Quản lý màu nước trong ao nuôi tôm cũng đồng nghĩa với quản lý độ trong và cũng chính là điều khiển sự phát triển của sinh vật phù du mà tảo đóng vai trò quan trọng trong ao nuôi tôm. Tảo là một mắt xích trong quá trình chuyển hóa vật chất của vùng nước.
Tảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho tôm, sản sinh ra Oxy hòa tan trong ao, giúp cho sự cân bằng sinh thái và ổn định chất lượng nước… Nếu ở mức độ tảo dày đặc thì hàm lượng Oxy sẽ rất cao vào ban ngày và rất thấp vào ban đêm.
Nếu để tình trạng trên xảy ra liên tục trong ao nuôi tôm thì tôm sẽ có một thời điểm sống trong tình trạng thiếu Oxy mỗi ngày và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôm nuôi.
Khi tảo trong ao nuôi tôm phát triển mạnh sẽ dẫn đến thiếu muối dinh dưỡng làm thức ăn, tảo sẽ tàn và lắng xuống đáy, tạo ra một lớp mùn bả hữu cơ và gây ngộ độc cho tôm.
Để duy trì được màu nước ổn định, đảm bảo độ trong thích hợp với tôm nuôi thì ta phải làm tốt các vấn đề sau:
– Tẩy dọn đáy ao kỹ trước khi đưa tôm vào nuôi.
– Định kỳ bón phân, vôi (CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2) để tạo ra hệ đệm bền vững cho môi trường nước ao nuôi, tảo sẽ phát triển vừa phải tức là số tảo già chết đi được số tảo mới phát triển bù vào. Trong suốt vụ nuôi phải chú ý thường xuyên kiểm tra, theo dõi màu nước, đo độ trong mỗi ngày cùng với đo pH. Nếu độ trong < 25cm, pH > 8,5 phải xử lý ngay.
– Bón vôi (D-100) : 10kg/1000m3 vào lúc sáng sớm.
– Nếu có điều kiện thì thay nước 20 – 25% nước tầng mặt vào buổi chiều.
Nếu độ trong > 50cm cần thay bớt nước, bón bột đá vôi CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2 với lượng 100 – 300kg/ha kết hợp bón phân.
Độ trong được đo bằng đĩa Sechi.
* Các chất khí độc (H2S và NH3) :
H2S và NH3 là hai sản phẩm của quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ.
H2S có trong ao nuôi từ nguồn nước lấy vào và sản phẩm phân hủy của các vi sinh vật ký sinh, khí H2S sẽ độc hơn khi pH trong ao nuôi thấp.
NH3 có trong ao nuôi từ sản phẩm phân hủy hợp chất hữu cơ từ đáy ao và chất thải của tôm khí NH3 sẽ độc hơn khi pH và nhiệt độ trong ao cao.
Như vậy, nếu pH và nhiệt độ trong ao nuôi tôm cao thì NH3 sẽ phát huy tính độc mạnh và pH trong ao nuôi tôm thấp thì H2S sẽ phát huy tính độc mạnh. Chính vì điều này cho nên thông qua việc quản lý pH để quản lý khí độc trong ao nuôi tôm.
Ở những ao có độ pH ổn định từ 7,8 – 8,3 thì hai loại khí độc nêu trên sẽ ít độc hại đối với tôm nuôi.
h. Thu hoạch
Trong nuôi Tôm càng xanh, công tác thu hoạch thường được tiến hành một lần vào cuối vụ hay thu tỉa. Công tác thu tỉa rất quan trọng là có thể thu tôm lớn 3 lần trong vụ nuôi. Thu tỉa có thể tiến hành sau 4 tháng nuôi và mỗi 6 tuần thu 1 lần. Thu tỉa thường bằng chài hay kéo lưới…
2. Một số trở ngại thường gặp trong nuôi tôm càng xanh
*Bệnh đóng rong :
Bệnh này thường xảy ra đối với tôm yếu cùng với sự phát triển của sinh vật và các chất bẩn trong ao bám vào bề mặt cơ thể tôm gây nên.
Cách xử lý :
– Kinh nghiệm cho thấy khi tôm bị bệnh ta xã cạn nước trong ao nuôi còn lại khoảng 40 – 50cm sau đó tiến hành cấp nước mới vào tôm sẽ hết bệnh.
– Hạn chế các chất gây ô nhiễm môi trường để ngăn chặn nhóm sinh vậy gây bệnh phát triển. Định kì bón vôi sống CaCO3 hoặc vôi Dolomite.
– Duy trì hàm lượng Oxy hòa tan cao.
*Bệnh đen mang :
Thường xảy ra khi tôm > 2 tháng tuổi khi môi trường chứa các chất độc như: NH3, H2S hoặc pH thấp hoặc do nấm, động vật đơn bào gây ra.
Bệnh lý: Mang tôm chuyển sang màu vàng, nâu đen có chứa nhiều dịch nhầy, có trường hợp mang bị thối. Một số con yếu có dấu hiệu dạt vào bờ và chết rải rác.
* Cách xử lý:
– Thay một lượng nước trong ao sau đó sử dụng vi sinh để xử lý nền đáy và môi trường nước
– Bổ sung VitaminC vào khẩu phần ăn hàng ngày.
– Tránh hiện tượng tảo tàn xảy ra trong ao.
Tags: nuoi tom, tom cang xanh, tom, thuy san, nuoi trong thuy san, ky thuat nuoi tom cang xanh
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ