Cây điều Kỹ thuật sản xuất cây điều ghép

Kỹ thuật sản xuất cây điều ghép

Tác giả Ngọc Lan, ngày đăng 30/09/2016

Kỹ thuật sản xuất cây điều ghép

1. Kỹ thuật sản xuất cây gốc ghép

a. Thiết kế vườn ươm

- Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.

- Bầu ươm: bằng túi nhựa P.E màu đen, dày = 0,15mm, kích thước túi bầu 15cm x 25cm hoặc 18cm x 28cm, bầu được đục lỗ thoát nước và bảo đảm độ thoáng khí.

- Hỗn hợp đất bao gồm: 89% đất phù sa hoặc đất mặt (cát pha đến thịt nhẹ), 10% phân chuồng hoai mục, 1% phân supe lân. Hỗn hợp đất, phân trộn đều và được phun thuốc chống nấm hại rễ 1 - 2 ngày trước khi đóng bầu.

- Bầu ươm gốc ghép được đặt theo luống, mỗi luống xếp từ 4-6 hàng bầu. Rãnh luống rộng 50-60 cm để dễ dàng thực hiện thao tác ghép

b. Giống điều làm gốc ghép

Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hạt của cây điều sẻ lùn làm cây ghép sẽ tránh được tình trạng cây điều ghép phát triển không đều. Cây điều sẻ là cây điều lùn, hạt nhỏ (trên 250 hạt/kg) nên hệ số nhân giống cao, sức sống của hạt khoẻ, cây con phát triển mạnh, đồng đều, ít thấy hiện tượng phân ly khi gieo bằng hạt.

c. Xử lý và gieo hạt giống

- Hạt giống làm gốc ghép được thu gom trên các cây mẹ có năng suất cao và sinh trưởng khỏe, được rửa sạch phơi khô đến độ ẩm 8-10%. Bảo quản hạt trong điều kiện khô ráo và kín gió.

- Xử lý hạt: cho hạt vào nước để loại bỏ hạt nổi, rửa sạch và ngâm nước 48-72 giờ. Mỗi ngày thay nước 1 lần. Sau đó, ủ hạt trong bao tải (bao gai) hay cát ẩm, nền thoát nước, nơi râm mát, có thể phủ nhẹ trên mặt bằng rơm rạ. Sau 4 - 5 ngày thì hạt nảy mầm.

- Gieo hạt: Khi hạt nảy mầm dùng lưỡi lam cắt chóp rễ (để rễ hình thành chùm rễ cọc sau này) và gieo hạt vào bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Mỗi bầu gieo 1 hạt, đặt eo hạt tiếp xúc với mặt đất và ấn chìm hạt ngay xuống mặt đất. Tưới ẩm bằng ô doa hoặc vòi phun hàng ngày.

d. Chăm sóc cây con trong bầu

- Tưới đủ nước và làm cỏ sạch khi cây còn nhỏ. Phun thuốc Sherpa 25EC để phòng sâu hại lá, sâu đục ngọn và bọ xít muỗi. Phun thuốc trừ nấm để phòng bệnh lở cổ rễ, đặc biệt thường xảy ra trong tháng đầu tiên khi cây con chưa hóa gỗ.

2. Vườn nhân chồi ghép

- Vườn trồng cây lấy chồi ghép gọi là vườn nhân chồi ghép có trồng cây đầu dòng chọn được trong quá trình bình tuyển và đã qua hậu kiểm hoặc là giống đã được khu vực hoá hoặc đã được công nhận là giống quốc gia phù hợp với địa phương.

- Kỹ thuật chọn chồi ghép: Chồi ghép phải là chồi ngủ khoẻ không bị nhiễm sâu bệnh, tuổi của chồi tương đương với tuổi gốc ghép (2 tháng) thì tỷ lệ sống cao, đồng đều.

- Chồi ghép sau khi cắt nếu vận chuyển đi xa cần được nhúng qua nước, gói vào giấy báo hoặc quấn bằng vải, xếp vào thùng xốp có lót đá ở đáy thùng. Chồi ghép đặt vào thùng đá phải được cách đá bằng một lớp vải hoặc giấy báo.

- Nếu vận chuyển ngắn hoặc ghép nhanh thì chỉ cần gói chồi ghép trong một khăn giữ ẩm và để nơi thoáng mát.

3. Kỹ thuật ghép

a. Tiêu chuẩn gốc ghép

- Cây con ươm bằng hạt trong bầu được khoảng 45-60 ngày thì tiến hành đảo bầu (nhấc rễ), loại bỏ các cây còi cọc hoặc dị dạng và xếp lại thành từng ô với mức độ sinh trưởng khác nhau để tiện chăm sóc. Sau đó để cây con ổn định trong thời gian 30 ngày thì tiến hành ghép.

- Tiêu chuẩn cây gốc ghép:
+ Đường kính thân từ 7 - 10mm .
+ Cây con làm gốc ghép có từ 10-15 lá trở lên.
+ Tuổi cây con làm gốc ghép từ 60 ngày tuổi trở lên.
+ Cây con khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh.

b. Tiêu chuẩn chồi ghép

- Thời gian lấy chồi ghép tốt nhất là cây chuẩn bị phát đợt lá mới.

- Chồi ghép tốt cần đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Chồi vừa mới bật, đường kính chồi từ 7 - 10mm.
+ Chiều dài chồi ghép 7cm.
+ Không có vết sâu bệnh, chồi lấy ở ngoài sáng.

c. Thời vụ ghép

- Thời vụ ghép tốt nhất, đạt tỷ lệ sống cao là từ tháng 2 - 7. Thời vụ này sử dụng chủ yếu chồi ghép từ vườn nhân chồi. Trong thực tế, từ tháng 2 đến tháng 5 là thời kỳ cây điều có hoa, mang quả nên nếu sử dụng chồi từ cây mẹ thì thời vụ tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8.
Nên ghép vào buổi sáng lúc trời mát, lúc cây đã hút đủ nước qua đêm. Thời gian ghép tốt nhất là 6 - 10 giờ sáng.

d. Thao tác ghép

- Ghép điều có thể thực hiện bằng 3 phương pháp: ghép vát (ghép áp), ghép nêm và ghép mắt. Đạt tỷ lệ sống cao là ghép vát hoặc ghép nêm. Thông dụng và dễ thao tác là ghép vát.

+ Bước 1: Dùng dao ghép vạt xiên thân gốc ghép một mặt phẳng nghiêng dài 3-4 cm cách mặt bầu (mặt đất) từ 10-15cm, chừa lại 2-3 lá thật trên gốc ghép.

+ Bước 2: Dùng dao vạt một mặt phẳng nghiêng trên chồi ghép tương tự như vạt gốc ghép.

+ Bước 3: Áp mặt cắt của chồi ghép và gốc ghép lại với nhau để có sự tiếp hợp. Nếu đường kính của chồi ghép và gốc ghép chênh lệch nhau thì nên để cho một bên mép vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp với nhau.

+ Bước 4: Dùng dây ni-lông mỏng quấn chặt từ dưới lên trên theo kiểu lợp mái nhà để cố định và bịt kín chồi ghép
 
4. Chăm sóc cây ghép

- Cây sau khi ghép được tưới ẩm bằng vòi phun hoặc ô doa hàng ngày, 2 - 3 ngày đầu có thể tưới số lần nhiều hơn.

- Khi cây ghép đã bứt chồi, nếu tầng lá thứ nhất của cây phát triển kém có thể tưới phân NPK loại 16:16:8 nồng độ 1 - 1,5%.

- Thường xuyên kiểm tra để cắt bỏ các chồi mọc ra ở phía dưới vết ghép.

- Đảo bầu: Khi cây ghép có tầng lá đầu tiên phát triển hoàn chỉnh (thường phải từ 4-6 tuần kể từ lúc ghép) thì tiến hành đảo bầu và phân loại cây.

- Bảo quản cây ghép, giữ cho cây sinh trưởng chậm lại do quá lứa trồng: Trong trường hợp cây quá lứa trồng cây phải được hãm lại để vụ sau hoặc lứa sau. Phương pháp giữ cho cây sinh trưởng chậm lại là hạn chế chăm bón, tưới nước. Đặt bầu ghép lên lớp ni-lông cách ly đất là cách tốt nhất hạn chế sinh trưởng của cây ghép trong bầu, kết hợp với hạn chế đến mức thấp nhất tưới nước cho cây.

5. Tiêu chuẩn cây điều ghép trước khi xuất vườn

- Có đủ 2 tầng tán lá khoẻ, lá bánh tẻ, tầng lá thứ 2 cứng cáp, không héo khi vận chuyển trồng.

- Chiều cao cây > 30 cm

- Đường kính gốc ghép đạt 0,8 - 1 cm trở lên

- Điểm ghép chắc liền, tròn đều trên thân chính. Chiều cao điểm ghép không quá 20cm.

- Cây xuất vườn phải được đảo bầu tối thiểu trước 10 ngày.


Quy trình ghép cải tạo vườn điều (quy trình tạm thời) Quy trình ghép cải tạo vườn điều (quy… Phòng Bệnh Thán Thư, Bọ Trĩ, Bọ Xít Muỗi Đỏ Hại Cây Điều Phòng Bệnh Thán Thư, Bọ Trĩ, Bọ Xít…