Trồng lúa Kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân

Kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân

Tác giả Sở NN&PTNT Hải Phòng, ngày đăng 23/05/2019

Kỹ thuật sản xuất lúa vụ Xuân

1. Kỹ thuật làm mạ

- Hạn chế tối đa diện tích gieo mạ dược, tăng cường chỉ đạo gieo mạ sân, mạ khay, bố trí gieo mạ dược trên đồng cao để tránh ngập úng khi lấy nước nguồn cao.

- Áp dụng kỹ thuật gieo mạ thưa, thâm canh mạ để cây mạ khỏe cấy ở chân ruộng thấp trũng; mở rộng diện tích gieo mạ sân, mạ khay để cấy hoặc gieo thẳng trên chân ruộng cao chủ động nước; quy vùng gieo mạ tập trung để quản lý sâu bệnh.

- Mật độ  gieo mạ: Mạ dược 01kg thóc giống lúa thuần hoặc 0,7 – 0,8kg lúa lai gieo trên diện tích từ 30m2; mạ xúc 01kg thóc giống lúa thuần hoặc 0,7 – 0,8kg lúa lai gieo trên diện tích 10 – 15m2; mạ sân 01kg thóc giống lúa thuần hoặc 0,7 – 0,8kg lúa lai gieo trên diện tích 5 – 6m2.

- Dược mạ: đất phải được làm kỹ, san phẳng, bón phân tính cho 1 sào mạ, bón 2 – 3 tạ phân chuồng hoai mục hoặc 30 – 40kg phân hữu cơ vi sinh, 15 – 20kg supe lân + 2kg đạm ure + 2kg kali hoặc 15-20kg phân NPK (5-10-3) trước khi trang luống mạ để gieo.

Nếu gieo mạ sân trên nền đất cứng: đất nền gieo phải dày trên 2cm, không dùng bùn hẩu, bón 0,5kg/m2 phân hữu cơ vi sinh +0,2 – 0,3kg/m2 phân lân supe trộn đều với bùn trước khi gieo mạ để cây mạ sinh trưởng nhanh.

- Chống rét cho mạ: Khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, sử dụng biện pháp che phủ nilon cho 100% diện tích mạ, giữ nước chân mạ, bổ sung phân bón kali, hạn chế bón đạm…

- Chống mạ già: Trường hợp thời tiết bất thuận, nắng ấm kéo dài làm xuất hiện mạ già, mạ ống, cần kiểm tra thường xuyên để hủy bỏ diện tích mạ già mạ ống và gieo cấy thay thế bằng giống dự phòng.

- Gieo mạ dự phòng: Gieo 5 – 10% mạ dự phòng; chỉ sử dụng các giống lúa ngắn ngày làm mạ dự phòng, gieo mạ dược hoặc mạ dày xúc, thời vụ cuối lịch trà xuân muộn (từ 10 – 15/02/2014).

- Không gieo cấy lúa khi thời tiết dưới 150C.

2. Kỹ thuật làm đất

- Thực hiện nguyên tắc làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa mùa để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trên gốc rạ và tàn dư thực vật, thực hiện tốt kỹ thuật cày lật đất và bừa làm ruộng cấy ở vụ xuân kết hợp thau chua rửa mặn làm giàu tính chất lý hóa đất có lợi cho cây trồng.

- Tăng cường sử dụng máy cơ khí nông nghiệp phục vụ làm đất đảm bảo kịp thời vụ, đáp ứng được yêu cầu thâm canh.

3. Kỹ thuật sử dụng phân bón

Thực hiện nguyên tắc bón đủ lượng, cân đối phân NPK, tập trung bón lót sâu và thúc đẻ nhánh sớm (khi cây lúa bén rễ hồi xanh); tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

- Căn cứ đặc điểm từng trà lúa, đặc điểm từng giống lúa để bón phân cho hợp lý. Cần lưu ý  tập trung phân bón đối với một số giống chịu thâm canh. Đối với thâm canh lúa lai và các giống lúa mới, giống lúa chất lượng cần phải thực hiện triệt để nguyên tắc bón phân cân đối, tăng lượng phân kali, phân hữu cơ.

- Mức phân bón trung bình cho 01 ha lúa (quy ra phân nguyên chất): 70 đến 90kg P2O5 + 90 đến 100kg N + 90 đến 100kg K2O.

- Bón lót và bón thúc đẻ nhánh với lượng 100% phân hữu cơ, 100% phân lân, 90 – 95% phân đạm và 50% kali.

- Bón thúc đợt 2 khi lúa phân hóa đòng bằng phân kaliclorua hoặc phân NPK.

- Diện tích lúa cấy bị ảnh hưởng giá rét hoặc trên chân ruộng chua xấu, cần bón thêm phân lân kết hợp phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.

- Sử dụng phối hợp với phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng.

- Trên chân ruộng trũng, đất chua phèn, chua mặn ven biển cần tăng cường dùng phân lân nung chảy, phân NPK.

4. Bảo vệ thực vật

- Không đưa vào cơ cấu giống nhiễm bệnh, nhất là nhiễm bệnh đạo ôn, rầy.

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách khẩn trương cày lật đất để vùi gốc rạ, không để lúa chét, dọn sạch cỏ ruộng, cỏ bờ. Tu bổ kênh mương dẫn nước.

- Tổ chức diệt chuột, tập trung từ giai đoạn đổ ải và trước cấy.

- Thường xuyên kiểm tra và áp dụng tốt biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp.

5. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật

- Khuyến khích tiến bộ khoa học và kỹ thuật đang phát huy hiệu quả, lựa chọn giống tiến bộ, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, sử dụng máy cấy, dàn gieo sạ, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, canh tác lúa cải tiến nhằm chủ động đảm bảo lịch thời vụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng, không phải làm mạ, giải phóng sức lao động.

- Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật như gieo thẳng, kỹ thuật sử dụng máy cơ giới, phòng trừ chuột hại đầu vụ và phòng trừ sâu bệnh hại.

- Xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung quy mô lớn theo hướng “cánh đồng mẫu lớn”, mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm làm sơ sở để nhân rộng sản xuất.

- Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch.


Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân 2019 Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân… Một số lưu ý kỹ thuật cấy và gieo thẳng vụ xuân Một số lưu ý kỹ thuật cấy và…